19:28 07/07/2021

Xung quanh đề nghị ghi tên cả 2 vợ chồng trong sổ đỏ 

Nhĩ Anh

Đây được xem là bước tiến bộ, cải thiện sự bình đẳng giữa nam và nữ trong việc tiếp cận và quản lý đất đai. Quy định này cũng đảm bảo quyền lợi của người phụ nữ nếu 2 bên xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp hoặc phải phân chia tài sản…

Tài sản chung của hai vợ chồng phải ghi cả họ tên vợ và chồng.
Tài sản chung của hai vợ chồng phải ghi cả họ tên vợ và chồng.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân vừa có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xung quanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) mang tên cả vợ và chồng.

TÀI SẢN CHUNG GHI TÊN CẢ VỢ VÀ CHỒNG TRÊN SỔ ĐỎ

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mang tên cả vợ và chồng nhằm bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ, tránh các khiếu nại, khiếu kiện khi giải quyết các tranh chấp về đất đai, từng bước tạo điều kiện để người phụ nữ được chủ động tham gia các hoạt động về kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

 
Các địa phương cần khuyến khích, tạo thuận lợi cho việc cấp mới hoặc cấp đổi giấy đã chứng nhận về quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi "họ, tên của vợ hoặc chồng," để ghi "cả họ, tên vợ và chồng" khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu.

Chính vì vậy, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, về quyền của người phụ nữ đối với tài sản của chung vợ và chồng; trong đó có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất giúp người dân hiểu được tầm quan trọng và nâng cao tính tự tin, thúc đẩy sự sáng tạo để nâng cao vai trò của người phụ nữ, tạo sự bình đẳng trong xã hội.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các địa phương cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận đã chứng nhận về quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi "họ, tên của vợ hoặc chồng," để ghi "cả họ, tên vợ và họ, tên chồng" khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu theo quy định của pháp luật về đất đai.

Cụ thể vấn đề này được quy định tại khoản 4 Điều 98 của Luật Đất đai, Điều 76 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Trên cơ sở đó, các địa phương cần quan tâm chỉ đạo, thực hiện các nội dung nêu trên để thực hiện nhiệm vụ đã được Phó Thủ tướng Chính phủ giao tại Công văn số 1606/VPCP-NN ngày 12/3/2021 của Văn phòng Chính phủ.

ĐẢM BẢO QUYỀN CỦA PHỤ NỮ TRONG THỰC HIỆN GIAO DỊCH ĐẤT ĐAI

Qua khảo sát đánh giá, vẫn còn tình trạng tài sản đất đai chung của cả 2 vợ chồng nhưng sổ đỏ mới chỉ ghi tên của một người. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của người phụ nữ trong quá trình thực hiện các giao dịch liên quan đến đất đai thì cần phải cập nhật thông tin tên của người vợ trên sổ đỏ để đảm bảo quyền chung của cả vợ và chồng.

Các chuyên gia cho rằng, việc đề cập ghi tên cả vợ và chồng trong sổ đỏ không phải là một vấn đề mới bởi đã được cụ thể hóa từ lâu trong các văn bản quy định của pháp luật đất đai. Ngay từ khi thi hành luật đất đai 2003 đã đưa quy định về vấn đề này để đảm bảo quyền bình đẳng giới.

 
Để đảm bảo quyền lợi của người phụ nữ trong quá trình thực hiện các giao dịch liên quan đến đất đai thì cần phải cập nhật thông tin tên của người vợ trên sổ đỏ để đảm bảo quyền chung của cả vợ và chồng.

Đây được xem là bước tiến bộ, cải thiện sự bình đẳng giữa nam và nữ trong việc tiếp cận và quản lý đất đai. Quy định này cũng đảm bảo quyền lợi của người phụ nữ nếu 2 bên xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp hoặc phải phân chia tài sản…

Là tổ chức từng có khảo sát điểm ở một số địa phương về việc phụ nữ có tên trên sổ đỏ, đại diện Liên minh đất đai Landa khẳng định, việc có tên cả vợ và chồng trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một công cụ rất tốt để thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người phụ nữ.

Chia sẻ với VnEconomy, một chuyên gia trong lĩnh vực đất đai nhấn mạnh, về nguyên tắc chung, ai có quyền sử dụng đất thì mới ghi trên sổ. Theo quy định, tài sản sở hữu của ai thì phải cấp cho người đó. Nếu là tài sản được tạo lập trước hôn nhân thì ai sở hữu, người đó đứng tên. Nếu đất đai và các tài sản trên đất là tài sản của chung của cả 2 vợ chồng thì quy định yêu cầu bắt buộc phải ghi tên cả hai người trong sổ đỏ. Tất cả những trường hợp cấp mới sổ đỏ đều phải thực hiện theo quy định này.

Theo các chuyên gia, nhiều người hiện nay vẫn nhầm lẫn khái niệm hộ gia đình và 2 vợ chồng. Bởi theo chuyên gia này, trong một hộ gia đình có thể có các đối tượng khác nhau cần xác định rõ để đảm bảo sự bình đẳng quyền khi ghi tên trong sổ đỏ.

Thứ nhất là tài sản được tạo lập bởi cá nhân có quyền sở hữu riêng thì sẽ được cấp giấy đứng tên riêng.

Thứ hai là tài sản của riêng hai vợ chồng thì phải được ghi tên 2 vợ chồng.

Thứ ba những tài sản đất đai của chung cả hộ gia đình.

Đại diện Tổng cục quản lý đất đai cho biết, trong quá trình đăng ký  đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các cơ quan chức năng phụ trách xử lý sẽ phải làm rõ vấn đề quyền sở hữu chung của cả hai vợ chồng hay chỉ là quyền của vợ hoặc chồng.

Mặc dù theo quy định, tài sản chung của cả hai vợ chồng phải đứng tên cả 2 người nhưng nếu người dân không muốn thì phải có văn bản yêu cầu chỉ để 1 người.