14:28 01/12/2023

Yên Nhật trượt giá, người Hàn Quốc nửa mừng nửa lo

Bình Minh

Nhiều người Hàn Quốc đang vui mừng khi đồng yên Nhật Bản giảm giá xuống mức thấp nhất 15 năm so với đồng won Hàn Quốc. Họ đổ xô tới Nhật du lịch và mạnh tay mua sắm hàng hoá Nhật...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Nhưng đối với nhiều người Hàn Quốc khác, tình trạng trượt giá của đồng yên không hẳn là một câu chuyện vui. Như Park Hanul, một nhân viên 32 tuổi làm việc trong một công ty ở Seoul, đã mua 110.000 yên (748 USD) trong tháng qua với mục đích đầu tư. Và cho tới lúc này, có vẻ như khoản đầu tư của Park chưa mang lại kết quả như cô mong muốn. “Tôi cứ hy vọng là tỷ giá yên sẽ tăng nhanh trở lại”, Park nói với hãng tin Bloomberg.

Park là một trong số những nhà đầu tư nhỏ lẻ Hàn Quốc đặt cược rằng sự sụt giá của yên Nhật sẽ phải chấm dứt. Lượng tiền gửi bằng yên trong các ngân hàng ở xứ kim chi đã tăng vọt lên mức kỷ lục trong tháng 10 vừa qua - theo dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc.

Hôm 16/11, tỷ giá yên so với won giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008. Hiện tại, đồng yên đã phục hồi gần 3% kể từ mức đáy đó, nhưng vẫn giảm 9% nếu tính từ đầu năm.

Park nói cô sẵn sàng rót thêm 3 triệu won (2.327 USD) để mua yên nếu đồng tiền của Nhật Bản còn giảm giá.

CƠ HỘI CHO NHÀ ĐẦU TƯ HÀN QUỐC

Kỳ vọng của nhà đầu tư Hàn Quốc, trong đó có Park, phản ánh dự đoán rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ sớm phải tăng lãi suất. Trong gần 2 năm qua, khi phần lớn các nền kinh tế trên thế giới thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, riêng Nhật Bản ngược dòng với chính sách tiền tệ siêu nới lỏng để kích thích lạm phát và tăng trưởng đối với nền kinh tế đương đầu với tình trạng giảm phát và tăng trưởng chậm chạp kinh niên. Hai nội dung chính trong chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo của Nhật Bản bao gồm lãi suất ngắn hạn âm và lãi suất dài hạn được ghìm ở mức thấp thông qua kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) trái phiếu chính phủ.

Sự trái chiều chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản với các nền kinh tế lớn khác đã tạo ra một khoảng cách lãi suất giữa đồng yên với các đồng tiền chủ chốt khác, dẫn tới lợi thế tỷ giá của những đồng tiền mang lãi suất cao hơn, cũng đồng nghĩa cơ hội tìm kiếm lợi nhuận cho nhà đầu tư. Các quỹ tương hỗ sử dụng kỹ thuật đòn bẩy để tối đa hoá lợi nhuận (leveraged funds) đã tăng trạng thái bán khống đồng yên lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2022 trong tuần kết thúc vào hôm 14/11, trước khi giảm nhẹ trạng thái này trong tuần sau đó.

Công ty quản lý quỹ T. Rowe Price đang đặt cược đồng yên sẽ còn yếu do chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản. Nhà quản lý danh mục Daniel Hurley của T. Rowe Price nhận định trong một báo cáo vào tuần trước rằng “dù đồng yên đang hồi phục sau khi chạm đáy 30 năm mới đây, chúng tôi không cho rằng chênh lệch lãi suất sẽ sớm giảm đáng kể, nên đồng yên sẽ còn duy trì trạng thái yếu”.

Mặc những cảnh báo như vậy, nhà đầu tư nhỏ lẻ Hàn Quốc vẫn nhìn thấy cơ hội ở đồng yên. Mối quan hệ đang được cải thiện giữa hai nước cũng được cho là một động lực cho mối quan tâm này.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đang nỗ lực tăng cường quan hệ với Nhật Bản sau những bất đồng liên quan đến lịch sử. Vào tháng 3 năm nay, lãnh đạo hai nước đã có cuộc gặp thượng đỉnh chính thức đầu tiên kể từ năm 2011 tại Nhật Bản. Tháng 6, Nhật Bản đưa Hàn Quốc trở lại vị trí một trong những đối tác thương mại ưu đãi và nhất trí tái lập một thoả thuận hoán đổi tiền tệ có quy mô lên tới 10 tỷ USD.

Kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi lại vào năm 2011 đến nay, chưa khi nào nhà đầu tư Hàn Quốc mua chứng khoán Nhật nhiều như năm nay. Đây có thể là một cách nữa mà họ đặt cược vào đồng yên, vì việc nắm giữ cổ phiếu Nhật Bản sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn một khi đồng yên tăng giá.

DU KHÁCH HÀN QUỐC ĐỔ XÔ TỚI NHẬT BẢN

Ngoài ra, lượng du khách Hàn Quốc tới Nhật Bản trong 9 tháng đầu năm nay tăng 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái và đạt gần bằng mức trước đại dịch Covid-19, trong khi lượng khách Hàn Quốc thăm các quốc gia khác phục hồi chậm hơn - theo dữ liệu từ Tổ chức Xúc tiến du lịch Hàn Quốc (KTO). Dữ liệu thống kê của Hàn Quốc cho thấy nhập khẩu hàng hoá trực tiếp từ Nhật Bản vào Hàn Quốc tăng gần gấp đôi trong 3 năm qua khi đồng yên liên tục mất giá, trong khi nhập khẩu hàng hoá Mỹ vào Hàn Quốc giảm trong cùng khoảng thời gian.

Lee Joon-gyu, 26 tuổi, làm việc tại một công ty thiết kế nội thất ở Seoul, nói rằng đi du lịch Nhật Bản bây giờ còn rẻ hơn đi du lịch ở Hàn Quốc. Lee đã đặt một chuyến tới Nagoya và dự định sẽ mua sắm thật nhiều quần áo và rượu trong chuyến đi này. Mang 1 triệu won đi đổi để chuẩn bị cho chuyến đi, Lee cầm về 115.000 yên theo tỷ giá hối đoái vào tuần trước. Cách đây 2 năm, số tiền 1 triệu won như vậy chỉ đổi được 96.000 yên.

Nhưng đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc, niềm mong mỏi bây giờ là đồng yên hồi giá. Một số hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong năm tới, mở đường cho đồng yên tăng trở lại. Áp lực lạm phát gia tăng ở Nhật Bản cũng đang gây sức ép đòi BOJ chấm dứt chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ tiếp theo của BOJ sẽ diễn ra vào ngày 19/12.

Tỷ giá đồng yên so với USD chốt tháng 11 ở mức 148,2 yên đổi 1 USD. Trong cả tháng, bạc xanh đã giảm giá 2,3% so với yên, tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2022.

Công ty quản lý đầu tư Pacific Investment Management Co., với lượng tài sản gần 2 nghìn tỷ USD, đang mua vào đồng yên vì đặt cược rằng BOJ sẽ phải tăng lãi suất.

“Lượng khách hỏi mua yên tại các bàn giao dịch của chúng tôi đã tăng lên nhiều”, nhà kinh tế trưởng Moon Junghiu của ngân hàng Hàn Quốc KB Kookmin Bank cho biết.

Dù việc đầu tư vào đồng yên đến hiện tại chưa có lợi nhuận, Park vẫn không cảm thấy lo lắng. Cô nói rằng nếu yên không tăng giá, cô sẽ dùng số yên đang có cho chuyến du lịch Nhật Bản tiếp theo.