Yêu cầu hỗ trợ thanh khoản hợp lý cho các tổ chức tín dụng
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, hỗ trợ thanh khoản hợp lý cho các tổ chức tín dụng
Trong những tháng còn lại của năm 2018, các bộ ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, thường xuyên theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước, có giải pháp đối với các lĩnh vực còn dư địa, ứng phó tốt nhất với tác động bất lợi của kinh tế thế giới, góp phần kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Những chỉ đạo trên được Chính phủ đưa ra tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8/2018 vừa được Thủ tướng ký ban hành.
Đáng chú ý, cùng với nội dung trên, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, hỗ trợ thanh khoản hợp lý cho các tổ chức tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản.
Tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn hệ thống; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Bảo đảm chất lượng dịch vụ, an toàn hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ.
Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát tiến độ giải ngân của các dự án, nhất là các dự án ODA; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 tình hình giải ngân vốn đầu tư công của từng bộ, ngành, địa phương và đề xuất giải pháp cụ thể đẩy nhanh tốc độ giải ngân trong các tháng cuối năm.
Khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban quản lý vốn nhà nước trong tháng 9/2018.
Bộ Tài chính thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, quản lý chặt chẽ ngân sách nhà nước từ khâu dự toán đến điều hành, thực hiện, quyết toán; tập trung chống thất thu thuế, nợ đọng thuế, chống chuyển giá, phối hợp chặt chẽ với các địa phương quyết tâm hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước; điều hành chi chặt chẽ, tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là chi mua sắm tài sản công, hội họp, phấn đấu giảm bội chi ngân sách dưới mức 3,7%/GDP.
Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao, từng bước tạo ra những sản phẩm thương hiệu quốc gia, có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu; hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm của ngành để gia tăng năng lực sản xuất.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là với các đối tác thương mại lớn, đề xuất các giải pháp cụ thể để phát triển thương mại bền vững.
Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư để triển khai các dự án trọng điểm quốc gia về giao thông vận tải, như: dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Về xã hội, Chính phủ yêu cầu một số bộ ngành thực hiện nghiêm các chỉ đạo đã được đưa ra trước đó thuộc trách nhiệm của ngành mình, trong đó yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ và các địa phương rà soát, sắp xếp, bảo đảm đủ giáo viên, không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy. Khẩn trương ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới, bao gồm chương trình tổng thể và chương trình các môn học.