08:58 09/12/2016

Yêu cầu xử lý trách nhiệm vụ đổ cột điện 500 kV

Bảo Quyên

Chỉ sau trận mưa nhưng cột điện 500 kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa đã bị đổ

Vào hồi 7h30 ngày 22/4, sau trận mưa lớn kèm theo giông lốc, một cột điện của đường dây 500 kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa đã bị đổ.
Vào hồi 7h30 ngày 22/4, sau trận mưa lớn kèm theo giông lốc, một cột điện của đường dây 500 kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa đã bị đổ.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến chất lượng thi công móng cột điện bị đổ trên đường dây 500 kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa , xử lý hoặc đề xuất các hình thức xử lý theo quy định.

Theo đó, sau khi nhận được báo cáo của Bộ Công Thương về kết luận nguyên nhân sự cố đổ cột đường dây 500 kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa tại vị trí 199 và 200 vào ngày 22/4/2016, Phó thủ tướng giao Bộ Xây dựng tổ chức lập tiêu chuẩn quốc gia về bu lông neo và thực hiện các thủ tục thẩm định, công bố tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo tổ chức kiểm tra, kiểm định chất lượng bê tông các vị trí móng cột khác trên đường dây 500 kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa nhất là các vị trí móng cột do đơn vị thi công móng cột điện bị đổ thực hiện, đồng thời chỉ đạo kiểm tra thiết kế cấu tạo của bu lông neo chân cột điện bảo đảm an toàn chịu lực công trình.

Phó thủ tướng giao EVN tăng cường chỉ đạo kiểm tra, đánh giá an toàn chịu lực và an toàn vận hành đối với các công trình đường dây truyền tải và phân phối.

Trước đó, vào hồi 7h30 ngày 22/4, sau trận mưa lớn kèm theo giông lốc, một cột điện của đường dây 500 kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa đã bị đổ.

Đường dây 500 kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa là đường dây mạch kép (2 mạch) có chiều dài 139 km từ trạm biến áp 500 kV Quảng Ninh đến trạm biến áp 500 kV Hiệp Hòa, đi qua địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang.

Đường dây 500 kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa là dự án năng lượng cấp 1, có tổng mức đầu tư hơn 2.260 tỷ đồng do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung làm đại diện chủ đầu tư quản lý điều hành thực hiện dự án, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 là đơn vị tư vấn thiết kế, Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 và Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam là hai đơn vị thi công công trình.

Công trình này có nhiệm vụ truyền tải công suất của cụm nhiệt điện Quảng Ninh-Mông Dương vào hệ thống điện quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của miền Bắc cũng như cả nước và khép kín mạch vòng 500 kV cho khu vực Hà Nội và các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc. Đồng thời góp phần nâng cao khả năng vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, liên tục và giảm tổn thất điện năng trong hệ thống; đồng thời dự phòng cho sự phát triển nguồn nhiệt điện giai đoạn sau năm 2020 tại khu vực Quảng Ninh.