16:43 08/09/2015

Zara – Thương hiệu của số đông

PV

Zara – Thương hiệu của số đông - Ảnh 1

Zara đã, đang và sẽ là một trong những cửa hàng trang phục ưa thích nhất của số đông. Nó luôn có hàng mới trên kệ với những màu sắc và kiểu dáng quyến rũ, luôn là địa chỉ được các thiếu nữ lựa chọn ghé qua bất cứ khi nào có cơ hội. Thay vì tiêu tốn ngân sách cho khâu quảng cáo, Zara tập trung vào việc mở các showroom mới. Đây cũng là nhà mốt đi đầu phong trào xuất khẩu dòng thời trang đơn giản và tiện dụng sang các quốc gia đang phát triển và đã gặt hái được những thành công rực rỡ về mặt tài chính. Nhưng gần 50% sản phẩm của Zara vẫn được đóng mác “Made in Spain” – một quốc gia châu Âu, khẳng định ưu thế quan trọng không phải nhãn hàng thời trang bình dân nào cũng có được.

Zara – Thương hiệu của số đông - Ảnh 2

Số sản phẩm lên kệ thường rất ít và được thay thế sau mỗi 2 tuần

Zara – Thương hiệu của số đông - Ảnh 3

Zara chỉ bỏ ra một khoản ngân sách hạn hẹp cho quảng cáo và truyền thông

Cuối năm 2014, Zara công bố mức doanh thu 963 triệu euro, một con số khó hình dung nổi với một nhà bán lẻ thời trang. Nhưng nếu biết rằng nhà kho của Zara thậm chí còn lớn gấp 9 lần nhà kho của Amazon (website bán lẻ hàng hóa lớn nhất thế giới) thì mọi thứ sẽ dễ chấp nhận hơn nhiều. Cách đây đúng 40 năm, Zara đã có khởi đầu khiêm tốn ở thị trấn nhỏ A Coruna, với tên gọi Zorba – lấy cảm hứng từ bộ phim Zorba The Greek (dàn dựng từ cuốn tiểu thuyết lừng danh Alexis Zorba – Con người hoan lạc của Nikos Kazantzaki, đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam) ông vừa xem trước đó ít lâu. Nhưng do có một quán bar cuối phố cũng lấy tên Zorba nên nó được đổi thành Zara. 

Zara – Thương hiệu của số đông - Ảnh 4

Giá bình dân nhưng sản phẩm Zara luôn có dáng dấp của hàng cao cấp

Nhắm trực tiếp vào phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình, các cửa hàng mang thương hiệu Zara nhanh chóng mọc lên ở mọi nơi trên đất Tây Ban Nha rồi vượt ra khỏi biên giới. Dĩ nhiên giá các sản phẩm Zara ở mỗi quốc gia là khác nhau, ở chính quốc bao giờ cũng rẻ nhất, trong khi đó, ở những nước như Nga, một sản phẩm giống hệt ở Tây Ban Nha có giá đắt gần gấp đôi. Năm 1980, Zara đến Porto (Bồ Đào Nha) và mở cửa hàng đầu tiên ở nước ngoài. Năm 1989, Zara tiến vào thị trường Hoa Kỳ, 1990 vào nước Pháp, 1992 tới Mexico, 1994 đồng loạt xuất hiện ở Hy Lạp, Bỉ và Thụy Điển. Cho tới nay, Zara đã chính thức có mặt tại hơn 90 quốc gia trên toàn cầu. 

Zara – Thương hiệu của số đông - Ảnh 5

Hình ảnh về chiến dịch thu đông 2014 - 2015 của Zara

Các cửa hàng Zara luôn phải nằm trong các trung tâm thương mại lớn, trên các con phố mua sắm, thời trang nổi tiếng nhất ở mọi quốc gia mà nó hiện diện, riêng các showroom chủ lực và quan trọng nhất kiểu gì cũng phải tọa lạc ở các vị trí đắc địa nhất, bất kể giá thuê là bao nhiêu. Ví dụ như showroom Zara ở đại lộ số 5, New York – hãng đã phải trả đến 324 triệu USD để có được không gian lý tưởng đó. Zara luôn đứng cạnh những thương hiệu thời trang xa xỉ trên đường Oxford ở London, đường Calle Serrano ở Madrid, Myeongdong ở Seuok, Champs Elysees ở Paris, Nevsky Prospekt ở Saint Peterburg – cũng như ở mọi nơi khác trên thế giới. Hiện tại, số cửa hàng Zara ở Tây Ban Nha vẫn là nhiều nhất, xếp thứ hai chính là Trung Quốc. Tiếp theo là 32 quốc gia khác có từ 10 cửa hàng Zara trở lên, và gần 60 quốc gia có dưới 10 cửa hàng. Tại Việt Nam, dù Zara chưa chính thức được phân phối nhưng chắc chắn cũng là một trong những thương hiệu thời trang được ưa chuộng nhất hiện nay, hơn hẳn các đối thủ cạnh tranh trực tiếp là H&M, Uniqlo và United Colors of Benetton.

Zara – Thương hiệu của số đông - Ảnh 6

Showroom Zara sang trọng không kém bất kỳ thương hiệu thời trang xa xỉ nào

Cách đây ít lâu, Zara đã trở thành thương hiệu thời trang đầu tiên vượt qua mức doanh thu 100 triệu USD ở thị trường Ấn Độ. Ngay cả một quốc gia Nam Á được thống trị bởi đạo Hindu và đạo Hồi cũng bị vẻ đẹp đơn giản và giá tiền hợp lý của Zara chinh phục. Và nhà sáng lập, ông Amancio Ortega, người chưa bao giờ trả lời bất cứ bài phỏng vấn nào cũng đã trở thành người giàu thứ 2 trên thế giới với khối tài sản lên tới 72 tỷ USD, trong khi đó Zara đứng thứ 58 trong danh sách những thương hiệu đáng tiền nhất với giá trị đạt mức 9,4 tỷ USD (Forbes, tháng 6/2015).  Nhưng đâu là bí quyết thành công của Zara trong khi các đối thủ cùng phân khúc như Gap, Abercrombie & Fitch, American Eagle và một vài tên tuổi khác lại đang mắc kẹt. Đầu tiên là việc Zara chiếm được cảm tình đặc biệt của nhóm người nổi tiếng. Cứ nhìn xem, Công nương Kate Middleton, Pippa Middleton, Diane Kruger, Kim Kadashian, Katie Holmes, Selena Gomez và hàng trăm người khác đều thích mặc đồ Zara. Không giống các nhà mốt xa xỉ cố gắng dự đoán về các xu hướng sẽ diễn ra trong 12 tháng tới, Zara chọn đi đường tắt, nghĩa là làm sản phẩm thật nhanh, cập nhật thường xuyên và để rất ít hàng ở các showroom, giảm giá không nhiều. Với khoảng 12.000 thiết kế mới mỗi năm, Zara thay đổi sản phẩm ở các cửa hàng cứ hai tuần một lần, điều mà không nhà bán lẻ nào có thể làm được. Khách hàng vào các showroom Zara thường đưa ra quyết định mua sắm vội vã hơn bình thường khi gặp một món đồ ưng ý bởi nếu không nhanh, hàng sẽ bị bán hết ngay lập tức. Mà ai cũng biết xu hướng tiêu dùng hiện đại là thích mới lạ, hay thay đổi và chuộng hàng giá rẻ. Zara mang đến cho họ tất cả những thứ đó và còn hơn thế nhiều…

Zara – Thương hiệu của số đông - Ảnh 7

Bên trong một nhà máy của Zara ở Arteixo, Tây Ban Nha

Nhìn vào những con số phát triển chóng mặt của Zara trong năm 2014 (lợi nhuận tăng 28% ở quý 1, tỉ lệ bán hàng tăng 14%), có thể nhận ra Zara đúng là người khổng lồ trong ngành thời trang và nó vẫn đang tiếp tục lớn mạnh với một tương lai không thể tươi sáng hơn. Hàng trăm cửa hàng đã khai trương ở Đài Loan, Hong Kong, Macau, không ngừng mở rộng ở Mỹ, người ta buộc phải tự hỏi khi nào nó mới dừng lại?

Minh Thư