09:00 29/10/2008

10 điểm chính kinh tế 10 tháng

Anh Quân

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội 10 tháng đầu năm 2008

 Giá tiêu dùng tháng 10/2008 giảm 0,19% so với tháng trước, là lần giảm đầu tiên kể từ đầu năm trở lại đây.
Giá tiêu dùng tháng 10/2008 giảm 0,19% so với tháng trước, là lần giảm đầu tiên kể từ đầu năm trở lại đây.
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội 10 tháng đầu năm 2008.

Theo báo cáo này, bức tranh kinh tế 10 tháng nổi bật hai gam màu sáng tối. Sáng: nông nghiệp tăng khá, FDI tăng, giá tiêu dùng giảm... Tối: công nghiệp tăng chậm, nhập siêu gia tăng...

Nhìn trên bình diện chung, kinh tế 10 tháng có những điểm đáng chú ý như sau:

1. Sản xuất công nghiệp tăng chậm lại

Trong 10 tháng đầu năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp ước tính tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, chậm lại so với con số 16% của 9 tháng đầu năm, trong đó, khu vực kinh tế Nhà nước tăng 5,5% (Trung ương quản lý tăng 7,7%; địa phương quản lý giảm 1,7%), khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 21,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,8% (dầu mỏ và khí đốt giảm 8,2%; các ngành khác tăng 20,6%).

Sản xuất một số sản phẩm thiết yếu duy trì được tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung như xe tải tăng 64,2%; xe chở khách tăng 53,3%; quần áo người lớn tăng 33,9%; máy giặt tăng 33,8%; sữa bột tăng 28,7%; tủ lạnh, tủ đá tăng 25,6%; thủy hải sản chế biến tăng 23,6%...

Nhiều loại sản phẩm quan trọng khác tăng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ: đường tăng 5%, phân hoá học tăng 4,4%, vải dệt từ sợi bông tăng 0,2%, than đá giảm 1,2%, vải dệt từ sợi tổng hợp giảm 5%, thép tròn giảm 7,7%, dầu thô khai thác giảm 8,1%...

2. Sản xuất nông nghiệp vẫn khả quan

Tính đến 15/10/2008, các địa phương phía Bắc đã thu hoạch được 597,9 nghìn ha lúa mùa, chiếm 50,3% diện tích gieo cấy và bằng 78,3% cùng kỳ năm trước, năng suất ước tính đạt 48,8 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha so với vụ mùa trước (vùng đồng bằng sông Hồng thu hoạch 317,6 nghìn ha, bằng 82,1%; vùng Bắc Trung Bộ 87,2 nghìn ha, bằng 63,3%).

Cũng đến trung tuần tháng 10, cả nước đã gieo trồng được 375 nghìn ha cây vụ đông, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngô 185,9 nghìn ha, tăng 4,4%; khoai lang 39,9 nghìn ha, tăng 1,5%; đỗ tương 62,2 nghìn ha, tăng 14,5%; rau đậu 79,3 nghìn ha, tăng 28,9%...

Chăn nuôi, tốc độ tái đàn sau dịch bệnh còn chậm do giá thức ăn và con giống vẫn ở mức cao.

Tổng sản lượng thuỷ sản 10 tháng đầu năm 2008 ước tính đạt 3806,8 nghìn tấn, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó nuôi trồng đạt 2060 nghìn tấn, tăng 19,1%; khai thác 1746,8 nghìn tấn, tăng 0,2%.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp tháng này chịu ảnh hưởng liên tiếp của bão lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ, đã làm 8,7 nghìn ha lúa và hoa màu bị mất trắng, trong đó có 7,2 nghìn ha lúa; trên 3 nghìn ha cây ăn quả bị ảnh hưởng; gần 2 nghìn ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị ngập và hư hỏng; 4,4 nghìn con gia súc và 30 nghìn con gia cầm bị chết và cuốn trôi.      

Trong 10 tháng năm 2008, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 166,4 nghìn ha, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước; trồng cây phân tán 172 triệu cây, bằng 99,7%; sản lượng gỗ khai thác 2760,9 nghìn m3, tăng 4,5%.

3. Thu ngân sách vượt dự toán năm

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 15/10/2008 ước tính đạt 102,2% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 96,5%, thu từ dầu thô đạt 98,9%, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 121,7%.

Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 95,2%, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 87,3%, thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước đạt 89,2%, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao đạt 118%, thu phí xăng dầu đạt 77,9%, thu phí, lệ phí đạt 83,5%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/10/2008 ước tính đạt 87,8% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 75,7% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 71,9%), chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể (gồm cả chi cải cách tiền lương) đạt 87,5%, chi trả nợ và viện trợ đạt 86,6%.

4. Đầu tư công đạt thấp so kế hoạch, “dòng” FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam

Tính chung 10 tháng, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện 75,6 nghìn tỷ đồng, đạt 77,1% kế hoạch năm, bao gồm vốn Trung ương 24,2 nghìn tỷ đồng, đạt 72,9%; vốn địa phương 51,4 nghìn tỷ đồng, đạt 79,2%.

Khối lượng thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước của một số Bộ như sau: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ước tính 1931,4 tỷ đồng, đạt 115,9% kế hoạch năm; Công thương 190,8 tỷ đồng, đạt 80,5%; Y tế 727,1 tỷ đồng, đạt 78%; Văn hoá, Thể Thao và Du lịch 341,1 tỷ đồng, đạt 77,3%; Giáo dục và Đào tạo 862,6 tỷ đồng, đạt 77%; Giao thông Vận tải 4402,6 tỷ đồng, đạt 70,1%; Xây dựng 100,3 tỷ đồng, đạt 28,5%.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài đến 22/10/2008 có 953 dự án đăng ký mới, tổng số vốn 58,3 tỷ USD, tuy giảm 16,7% về số dự án nhưng tăng 497,7% về vốn so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính thêm 1 tỷ USD vốn đăng ký bổ sung của 247 lượt dự án được cấp phép các năm trước thì 10 tháng cả nước đã thu hút được 59,3 tỷ USD vốn đăng ký, tăng 426,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thực hiện 10 tháng năm 2008 ước tính đạt 9,1 tỷ USD, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm 2007.

5. Thương mại tăng còn do yếu tố giá

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng qua đạt 782,3 nghìn tỷ đồng, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước, tỏng đó kinh doanh thương nghiệp chiếm 82,4%, khách sạn, nhà hàng chiếm 11,3%, dịch vụ chiếm 5%, du lịch chiếm 1,3%.

Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm nay tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.

6. Giá tiêu dùng bắt đầu giảm

Giá tiêu dùng tháng 10/2008 giảm 0,19% so với tháng trước, là lần giảm đầu tiên kể từ đầu năm trở lại đây. Hỗ trợ chỉ số giá là viẹc giảm giá một số nhóm hàng hóa, dịch vụ quan trọng như lương thực, thực phẩm và xăng dầu.

So với cùng kỳ năm trước, giá tiêu dùng tháng 10/2008 tăng 26,72%, so với tháng 12/2007, giá tiêu dùng tháng 10/2008 tăng 21,64%. Giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm 2008 so với 10 tháng năm 2007 tăng 23,15%

7. Xuất khẩu có dấu hiệu suy giảm, nhập khẩu tăng

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10/2008 ước tính đạt 5,1 tỷ USD, giảm 3,3% so với tháng trước do lượng và giá xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu giảm (giá dầu thô giảm 20%, giá cà phê giảm 7%, gạo giảm 21% về lượng và giảm 20% về giá).

Tính chung 10 tháng năm 2008, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 53,8 tỷ USD, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước.
 
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 10/2008 ước tính đạt 5,8 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước. Tính chung kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 10 tháng ước tính đạt 70,1 tỷ USD, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước.
 
Một số mặt hàng chủ yếu tháng này giảm so với tháng trước: xăng dầu giảm 7,7%, sắt thép giảm 5,1%, phân bón giảm 17,1%, nhưng do ảnh hưởng của giá tăng trong 9 tháng đầu năm nên kim ngạch nhập khẩu 10 tháng năm nay của các nhóm hàng hoá chủ yếu vẫn tăng cao so với cùng kỳ năm 2007, trong đó phân bón tăng 83,4%, xăng dầu tăng 71,1%, sắt, thép tăng 57,2%, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 33%.

Nhập siêu hàng hoá tháng 10 ước tính 700 triệu USD, cao hơn mức 237 triệu USD của tháng trước. Tính chung 10 tháng năm nay, nhập siêu 16,3 tỷ USD, tăng 66,2% so với cùng kỳ năm trước, bằng 30,3% tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu.

8. Vận chuyển hành khách và hàng hóa đạt khá

Khối lượng hàng hóa vận chuyển 10 tháng năm nay ước tính đạt 493,1 triệu tấn và 144,2 tỷ tấn/km, tăng 10,4% về tấn và tăng 41,2% về tấn/km so với cùng kỳ năm 2007

Vận tải hàng hóa đường bộ đạt 353,2 triệu tấn và 18,6 tỷ tấn/km, tăng 11% về khối lượng vận chuyển và tăng 14,9% về khối lượng luân chuyển; vận tải đường biển đạt 42,8 triệu tấn và 117,1 tỷ tấn/km, tăng tương ứng 30,2% và 50,3%; đường sông đạt 89,8 triệu tấn và 4,6 tỷ tấn/km, tăng 2,1% và 1,2%; đường sắt 7,2 triệu tấn và 3,6 tỷ tấn/km, giảm 2,2% và tăng 11%.

9. Lượng khách quốc tế vào Việt Nam vẫn tăng

Khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng năm 2008 ước tính đạt 3,6 triệu lượt người, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, khách du lịch tăng chậm, chỉ đạt 2,2 triệu lượt người, tăng 2,7%. Khách đến Việt Nam vì công việc đạt 723,3 nghìn lượt người, tăng 34,1%. Trong khi đó, diện khách quốc tế thăm thân nhân chỉ đạt 443,4 nghìn lượt người, giảm 12%.

Khách quốc tế đến qua đường hàng không đạt 2,8 triệu lượt người, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước; đường bộ 678,8 nghìn lượt người, tăng 18,8%; đường biển 127,5 nghìn lượt người, giảm 32,4%.

Một số quốc gia có lượng khách đến lớn vẫn duy trì được mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Trung Quốc 538,6 nghìn lượt người, tăng 14,7%; Mỹ 357,3 nghìn lượt người, tăng 4,6%; Thái Lan 154 nghìn lượt người, tăng 14,5%...

Đáng chú ý là một số nước có lượng khách tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước như: Philippines trên 39 nghìn lượt người, tăng 46,1%; Phần Lan 6,8 nghìn lượt người, tăng 39,7%; Na Uy 12,9 nghìn lượt người, tăng 34%; Thụy Điển 23,2 nghìn lượt người, tăng 28,4%...

10. Bưu chính viễn thông tiếp tục tăng tốc

Số thuê bao điện thoại phát triển tháng 10 ước tính đạt 2,1 triệu thuê bao, nâng tổng số thuê bao 10 tháng năm 2008 lên 19 triệu thuê bao, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2007.

Tính đến cuối tháng 10/2008, ước tính cả nước có 70,9 triệu thuê bao điện thoại, trong đó Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) đạt 39,3 triệu thuê bao, gồm 10,2 triệu thuê bao điện thoại cố định và 29,1 triệu thuê bao điện thoại di động.

Số thuê bao Internet phát triển đến cuối tháng 10/2008 đạt 6,4 triệu thuê bao, trong đó VNPT đạt 3,7 triệu thuê bao. Số người sử dụng internet đến cuối tháng 10/2008 ước tính 20,9 triệu người.

Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông 10 tháng ước tính đạt 54,9 nghìn tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2007, riêng VNPT đạt 39,6 nghìn tỷ đồng, tăng 15,9%. Doanh thu viễn thông đạt 36,2 nghìn tỷ đồng, tăng 15,7%, doanh thu bưu chính 1,6 nghìn tỷ đồng, tăng 26%.