16:59 26/09/2008

10 điểm chính kinh tế 9 tháng

Anh Quân

Sản xuất trong nước được hỗ trợ bởi ngành nông, lâm, ngư nghiệp đang tạo đà đi lên

Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm đạt 493,2 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ - Ảnh: Việt Tuấn.
Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm đạt 493,2 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ - Ảnh: Việt Tuấn.
Báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 9/2008 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tại hội nghị giao ban sáng nay, 26/9, đã hé mở những thông tin đáng chú ý về tình hình kinh tế đất nước trong 9 tháng qua.

Sản xuất trong nước được hỗ trợ bởi ngành nông, lâm, ngư nghiệp đang tạo đà đi lên, xuất nhập khẩu diễn biến có lợi cho cán cân thương mại, thu hút vốn FDI tăng cao nhất từ trước đến nay, chỉ số giá tiêu dùng được khống chế ở mức thấp đầy ấn tượng…

Cụ thể, bản báo cáo có một số nội dung đáng lưu ý như sau:

1. Tốc độ tăng trưởng GDP trong  9 tháng đầu năm nay đạt 6,52%. Tuy thấp hơn con số 8,16% của cùng kỳ năm 2007 nhưng GDP 9 tháng đã nhích lên chút ít so với con số 6,5% của 6 tháng đầu năm nay.

Sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng so với cùng kỳ có nguyên nhân từ tăng trưởng kém hơn của khu vực sản xuất công nghiệp - xây dựng khi chỉ tăng 7,09% (cùng kỳ năm ngoái tăng 10,15%)  và lĩnh vực dịch vụ cũng chỉ tăng 7,23% (cũng kỳ năm ngoái tăng 8,54%).

Riêng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp có tốc độ tăng trưởng 9 tháng năm nay cao hơn cùng kỳ năm ngoái với tương quan con số là 3,57% so với 3,02%.

2. Nền sản xuất trong nước có sự phân hóa, trong khi công nghiệp tăng trưởng chậm lại thì nông - lâm - thủy sản tăng trưởng khả quan.

Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm đạt 493,2 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ (con số cùng kỳ so với năm trước đó là 17,1%).

Nguyên nhân được báo cáo chỉ ra là do giá nguyên vật liệu tuy đã giảm nhưng vãn còn ở mức cao so với cùng kỳ, lãi suất ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức cho vay 20-21% khiến các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh và đầu tư.

Thêm vào đó, sức ép cạnh tranh của hàng nhập khẩu tiếp tục gia tăng sau khi mức thuế nhập khẩu các mặt hàng điện tử, thực phẩm chế biến… giảm xuống theo lộ trình hội nhập WTO.

Kết quả là nhiều sản phẩm công nghiệp tăng chậm lại. Một số sản phẩm có mức tăng thấp hơn so với mức tăng bình quân toàn ngành là bia các loại tăng 15,8%; điện thương phẩm tăng 14,3%, nước máy thương phẩm tăng 12,4%, khí đốt thiên nhiên dạng khí tăng 7,6%, than đá tăng 1,6%...

Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ gồm khí hóa lỏng giảm 8,3%, giầu mỏ thô khai thác giảm 7,6%, lốp ô tô, máy kéo giảm 3,1%, thép tròn các loại giảm 1%...

Trái lại, mặc dù nhiều yếu tố không thuận tác động đến sản xuất kinh doanh song giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp 9 tháng vẫn tăng 5,43% so với cùng kỳ 2007 và đạt 144,4 nghìn tỷ đồng (cùng kỳ tăng 4,2%).

Cụ thể sản xuất nông nghiệp đạt 103,3 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ; lâm nghiệp đạt 4,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5%; thủy sản đạt 36,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9% só với cùng kỳ. Nuôi trồng thủy sản phát triển tốt, sản lượng 9 tháng ước đạt 1,8 triệu tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2007.

3. Thu chi ngân sách đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách Nhà nước tính đến hết ngày 15/9 đã đạt 292,3 nghìn tỷ đồng, bằng 90,5% dự toán năm.

Đóng góp vào con số thu ngân sách 9 tháng đầu năm, thu nội địa đạt 160,5 nghìn tỷ đồng, bằng 84,8% dự toán năm, thu từ dầu thô đạt 56,4 nghìn tỷ đồng, bằng 86% dự toán năm, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 71,6 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán năm 11%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước đến 15/9 đạt 311,2 nghìn tỷ đồng, bằng 78% dự toán năm (cùng kỳ đạt 66,6% dự toán năm), trong đó chi đầu tư phát triển đạt 68,4 nghìn tỷ đồng, bằng 68,6% dự toán (riêng phần chi đầu tư xây dựng cơ bản mới đạt 64,8% dự toán).

4. Vốn FDI tiếp tục được khơi nguồn với nhiều dự án lớn, trong khi nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển Nhà nước thực hiện chậm so kế hoạch.

Nguồn vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Tổng số vốn FDI cấp mới và tăng thêm trong 9 tháng đầu năm đạt 57,1 tỷ USD, tăng 398,5% so với cùng kỳ năm 2007. Giải ngân vốn FDI 9 tháng đạt 8,1 tỷ USD, tăng 37,3% so với cùng kỳ.

Thu hút vốn ODA đến 23/9 đạt tổng giá trị trên 1,8 tỷ USD, giải ngân nguồn vốn này đạt trên 1,4 tỷ USD, bằng 74,5% kế hoạch giải ngân năm 2008.

Trái lại, đến hết tháng 9, vốn tín dụng đầu tư ước thực hiện mới đạt 25,6 nghìn tỷ đồng, bằng 59,7% kế hoạch năm, trong đó nguồn vốn trong nước cho vay theo kế hoạch chỉ đạt 9,6 nghìn tỷ đồng, bằng 35,7% kế hoạch năm.

Nguồn vốn ODA cho vay lại đạt 5 nghìn tỷ đồng, bằng 55,6% kế hoạch năm, dư nợ bình quân hỗ trợ xuất khẩu đạt 9,3 nghìn tỷ đồng, bằng 233% kế hoạch năm.

5. Hoạt động thương mại, dịch vụ vẫn duy trì tăng trưởng. Dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 9 tháng qua đạt 694,4 nghìn tỷ đồng, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2007.

Theo Tổng cục Thống kê cho biết, bán lẻ hàng hóa tăng cao trong 9 tháng qua chủ yếu do yếu tố giá tăng so với hồi đầu năm. Nếu loại trừ yếu tố giá, sức mua hàng hóa trong dân tăng không nhiều, chỉ khoảng 6%-7%.

6. Giá tiêu dùng lần đầu tiên “nằm” dưới ngưỡng tăng 1% vào tháng 9 khi chỉ tăng 0,18% so với tháng trước đó. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng một tháng kể từ tháng 4/2007.

Tuy nhiên, do CPI đã tăng cao trong 8 tháng trước đó nên nếu so với tháng 12/2007, CPI tháng 9 đã tăng 21,87%, so với cùng kỳ tăng 27,9%. Chỉ số giá bình quân 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ 2007 đã tăng 22,76%.

7. Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm trong tháng 9 nhưng tính chung cả năm vẫn tăng trưởng ở mức cao.

Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đã đạt 48,6 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2007. Hỗ trợ cho sức tăng kim ngạch xuất khẩu là sự tăng nhanh về lượng hàng xuất khẩu sản phẩm đá quý và kim loại quý (tăng 433%), hạt điều (tăng 51,5%), sản phẩm nhựa (tăng 34,3%)...

Nhưng riêng tăng giá một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dầu thô, than đá, gạo… đã làm kim ngạch xuất khẩu tăng thêm gần 6,3 tỷ USD.

Kim ngạch nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu khi đạt 64,4 tỷ USD, tăng 48,3% so với cùng kỳ năm 2007.

Tăng về lượng có các mặt hàng ô tô (gần 3 lần), máy móc, thiết bị (35,4%), máy tính và linh kiện (tăng 31%)…

Tăng về giá có xăng dầu (tăng 67,6%), sắt thép tăng (48,3%), chất dẻo tăng (18,6%)... Riêng tăng giá các mặt hàng này đã chiếm 5,8 tỷ USD trong kim ngạch nhập khẩu.

Nhập siêu 9 tháng đầu năm hiện ở mức 15,8 tỷ USD, bằng 32,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
 
8. Hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách tiếp tục tăng khá. Trong 9 tháng đầu năm, khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 418,3 triệu tấn và 119 tỷ tấn/km, tăng 21,5% về tấn và 57,4% về tấn/km so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng hành khách vận chuyển đạt 1.317 triệu lượt và 61 tỷ hành khách/km. tăng 11,4% về lượt hành khách vận chuyển và 14,8% về hành khách luân chuyển.

9. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm 6% trong tháng 9 (so với tháng 9/2007). Tuy nhiên, tính chung 9 tháng lượng khách vẫn tăng 6,8% so với cùng kỳ và đạt 3,35 triệu lượt.

10. Lĩnh vực bưu chính viễn thông vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Riêng trong tháng 9 đã phát triển mới 3,7 triệu thuê bao điện thoại, tăng 362% so với cùng kỳ năm 2007, nâng tổng số thuê bao điện thoại phát triển trong 9 tháng đầu năm lên 23,4 triệu thuê bao.

Tổng số thuê bao toàn mạng đến hết tháng 9 đã là 70,4 triệu, đạt mật độ 81,8 mày/100 dân. Thuê bao di động chiếm 80,8%.

Trong tháng 9 đã phát triển mới 70 nghìn thuê bao internet, nâng tổng số thuê bao internet quy đổi trên toàn mạng lên 6,1 triệu, đạt mật độ 7 thuê bao/100 dân. Số người sử dụng dịch vụ internet đến nay đã là 20 triệu người, đạt mật độ 23%.