07:44 01/10/2015

11 nghìn tỷ USD đã “bốc hơi” khỏi chứng khoán toàn cầu

Minh Tuấn

Trong quý 3, chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất trong 4 năm, còn thị trường Trung Quốc sụt giảm hơn 28%

Trong quý 3, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 7,64%, chỉ số S&P 500 giảm 6,99%, chỉ số Nasdaq mất 7,43% - Ảnh: Reuters.
Trong quý 3, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 7,64%, chỉ số S&P 500 giảm 6,99%, chỉ số Nasdaq mất 7,43% - Ảnh: Reuters.
Dù tăng điểm trên 1% trong phiên giao dịch cuối cùng của quý 3 nhưng điều này không thể giúp thị trường chứng khoán Mỹ lấy lại được số điểm đã mất trong quý. Trong quý vừa qua, chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất trong 4 năm. 

Theo Reuters, phiên ngày thứ Tư (30/9), chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 236 điểm, tương đương 1,5% lên mức 16.295 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 36 điểm, tương đương 1,9% lên mức 1.920 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 103 điểm, tương đương 2,3% lên mức 4.620 điểm.

Cổ phiếu năng lượng, hàng hóa, công nghệ tăng hơn 2% trong phiên giao dịch cuối quý và ghi nhận mức tăng cao hơn hẳn so với cổ phiếu các nhóm ngành khác. Cổ phiếu công ty kinh doanh hàng xa xỉ Ralph Lauren tăng 12% trong phiên hôm qua sau thông tin hãng đã thay CEO. 

Thông tin mới công bố ngày thứ Tư cho thấy số lượng việc làm trong lĩnh vực tư nhân tăng 200 nghìn trong tháng 9. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất vùng Trung Tây nước Mỹ lại đi xuống.

Thông tin kinh tế Mỹ phát đi nhiều tín hiệu trái chiều khiến nhà đầu tư khó đoán được chính xác về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có nâng lãi suất cơ bản đồng USD hay không.

Trong quý 3, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 7,64%, chỉ số S&P 500 giảm 6,99%, chỉ số Nasdaq mất 7,43%.

Từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 giảm 7,76%. Cổ phiếu năng lượng, hàng hóa giảm sâu nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ quý 3, mức hạ lên đến gần 20%.

Thông tin về tỷ lệ thất nghiệp Mỹ tháng 9 sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày thứ Sáu tuần này. Giới chuyên gia dự báo thêm 173 nghìn người có việc làm trong tháng 9.

Những biến động bất lợi gần đây trên thị trường tài chính Mỹ dường như không tác động đến hoạt động tuyển dụng của các doanh nghiệp, đó là nhận định được đưa ra bởi ông Stuart Hoffman, chuyên gia kinh tế trưởng tại tổ chức tài chính PNC Financial Services Group.

Nhiều thị trường chứng khoán khác của thế giới cũng đồng loạt giảm điểm mạnh trong quý 3, trong đó thị trường Trung Quốc mất 28,63%,; thị trường Nhật giảm 14,07%, thị trường Ấn Độ mất 5,85, thị trường Pháp sụt 6,99%, thị trường Anh giảm 7,04%, thị trường Úc mất 8,42%.

Tính chung trên toàn thế giới, trong quý vừa qua, 11 nghìn tỷ USD đã bốc hơi khỏi các thị trường chứng khoán toàn cầu.