17:10 24/03/2010

120 tỷ USD giải quyết khó khăn cán cân thanh toán cho ASEAN+3

Anh Quân

Thỏa thuận đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) đã chính thức có hiệu lực vào ngày hôm nay, 24/3

CMIM có tổng trị giá 120 tỷ USD, trong đó 80% do Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cam kết đóng góp, tương đương với 96 tỷ USD.
CMIM có tổng trị giá 120 tỷ USD, trong đó 80% do Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cam kết đóng góp, tương đương với 96 tỷ USD.
Thỏa thuận đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) đã chính thức có hiệu lực vào ngày hôm nay, 24/3, sau tuyên bố của các bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân hàng trung ương các nước thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông (Trung Quốc), thông cáo báo chí của Bộ Tài chính cho biết.

CMIM có tổng trị giá 120 tỷ USD, trong đó 80% do Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cam kết đóng góp, tương đương với 96 tỷ USD. Việt Nam cam kết tham gia 1 tỷ USD, bằng 0,83% và đứng thứ 10 về mức đóng góp.

Thỏa thuận CMIM có mục tiêu chính nhằm giải quyết những khó khăn về cán cân thanh toán, thanh khoản ngắn hạn trong khu vực; bổ sung cho các thỏa thuận tài chính quốc tế hiện có. CMIM sẽ cung cấp các hỗ trợ về tài chính thông qua các giao dịch hoán đổi tiền tệ giữa các thành viên tham gia CMIM, trong những trường hợp cần thanh khoản.

Mỗi quốc gia tham gia, theo các điều kiện và thủ tục được nêu trong Thỏa thuận, sẽ thực hiện hoán đổi đồng bản tệ sang USD với một mức tối đa tương đương mức cam kết đóng góp nhân với hệ số được áp dụng cho nước đó (Việt Nam có hệ số là 5 và cũng là một trong 5 quốc gia được áp hệ số cao nhất).

Bản thông cáo của Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc khởi động thành công CMIM, cùng với việc hình thành sớm một cơ quan giám sát độc lập trong khu vực, thể hiện những cam kết vững chắc và nỗ lực của các nước thành viên ASEAN+3 trong việc tăng cường hơn nữa năng lực của khu vực để đối phó với những rủi ro suy giảm và thách thức của kinh tế toàn cầu.

* CMIM là một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ đa phương giữa các nước trong khu vực ASEAN+3 (bao gồm 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và được phát triển từ mạng lưới của các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương của Sáng kiến Chiềng Mai, nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện các giao dịch hoán đổi tiền tệ đồng thời và nhanh chóng thông qua việc thành lập một cơ chế ra quyết định chung trong khuôn khổ của một thỏa thuận.