2007: Kinh tế châu phi sẽ tăng trưởng nhanh hơn
Trong các quốc gia ở châu Phi, Mautritana là nước có nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất
Theo Ủy ban Kinh tế châu Phi (Liên Hợp Quốc), kinh tế các nước khu vực châu Phi sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong năm nay.
Dự báo của tổ chức này cho rằng, kinh tế châu lục này sẽ tăng trưởng ở mức trung bình 5,8% trong năm nay, tăng nhẹ so với mức 5,7% trong năm ngoái. Đây là năm thứ 4 liên tiếp kinh tế châu Phi tăng trưởng trên mức trung bình 5%.
Theo các chuyên gia, sự quản lý tốt hơn và nhu cầu tiêu thụ hàng hoá nội địa tăng là những yếu tố thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.
Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc cũng khuyến cáo, để giữ vững mức tăng trưởng này, châu Phi cần đa dạng hoá các mặt hàng xuất khẩu và chú trọng đến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
“Các nền kinh tế khu vực châu Phi cần tiếp tục duy trì cái gọi là động lực thúc đẩy tăng trưởng của những năm qua”, ông Eloho Otobo, chuyên gia của Uỷ ban Kinh tế châu Phi, nói.
Mặc dù vậy, theo ông, những động lực tăng trưởng kinh tế này dựa trên những nền tảng rất “mong manh”.
Cũng theo báo cáo, vẫn còn nhiều rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế châu Phi, đó là sự lây truyền của bệnh dịch HIV/Aids làm suy giảm nguồn nhân và hiệu suất lao động.
Do vậy, các quốc gia châu Phi cần giảm sự phụ thuộc vào một số ngành công nghiệp chính, mở cửa biên giới thương mại và hướng tới việc đa dạng hoá sản xuất và xuất khẩu để tự bảo vệ mình trước những cú sốc bên ngoài hay sự sụp đổ của thị trường.
Bên cạnh đó, các nước cũng nên đầu tư nhiều hơn cho các dự án hạ tầng cơ sở để đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định cũng như mạng lưới giao thông và điện lực quốc gia được tốt hơn.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, trong các quốc gia ở châu Phi, Mautritana là nước có nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất. Năm ngoái, tăng trưởng của nước này là 19,8%, chủ yếu nhờ vào nguồn thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ.
Đứng thứ hai là Angola, năm ngoái nước này tăng trưởng với mức 17,6%. Mozambique đứng thứ ba với mức 7,9%.
Zimbabwe là nước có mức tăng trưởng “tồi tệ” khu vực. Sự bất ổn về chính trị đã khiến cho kinh tế Zimbabwe trì trệ hơn. Năm ngoái kinh tế nước này đã tăng trưởng âm với mức - 4,4% do khủng chính trị và nạn hạn hán tiếp diễn.
(Theo BBC)