10:48 12/01/2012

2012 và hy vọng có thêm “một ấn tượng đẹp”...

Nguyên Hà

Chưa có thông tin chính thức nào về việc “giải cứu” hàng chục nghìn lao động đang sống cảnh “khổ sai” nơi xứ người

Trong một xưởng may "đen" tại Nga. “Nô lệ lao động” là cụm từ đã được sử dụng để nói về tình trạng của hàng ngàn lao động Việt Nam ở các cơ sở lao động không hợp pháp tại nước này - Ảnh: BBC.
Trong một xưởng may "đen" tại Nga. “Nô lệ lao động” là cụm từ đã được sử dụng để nói về tình trạng của hàng ngàn lao động Việt Nam ở các cơ sở lao động không hợp pháp tại nước này - Ảnh: BBC.
Những ngày áp tết nhiều tâm trạng, lang thang trên mạng, người viết vô tình đọc được bài viết “Trầm ngâm ngoái nhìn năm cũ” của nhà thơ Trần Đăng Khoa trên VOV Online.

Bài viết có đoạn: “Có một hình ảnh đã để lại trong tôi một ấn tượng rất đẹp. Đó là cuộc giải cứu hơn vạn người Việt Nam trong cuộc chiến tranh đẫm máu ở Libya. Lần đầu tiên, chúng ta đã tổ chức thành công đưa hơn mười nghìn người Việt Nam thoát khỏi lửa đạn. Một công việc không thể nói là dễ dàng, vậy mà chúng ta đã làm được một cách ngoạn mục. Đây cũng là dấu ấn đẹp nhất của Chính phủ ta trong năm vừa qua”.

Cùng chung niềm vui của nhà thơ, chỉ có điều niềm vui của người viết đã không được trọn vẹn. Khi ngay sau đó bắt gặp comment của bạn đọc gửi về VnEconomy.

Đó là tâm tư của bạn nguyenhuuduyphap ở địa chỉ nguyenduyphap@..., sau khi đọc bài “Chuyện khó tin về lao động Việt tại Nga”.

Bạn viết: “Tôi cũng là một trong những người lao động cực khổ ở bên Nga, đúng là khốn nạn..., làm việc 3 năm rồi mà xin ông chủ để về nước nhưng không giải quyết, gia đình, người thân đang mong mỏi, chờ con về. Bây giờ không biết kêu ai, đăng một bài viết lên đây mong được sự giúp đỡ của các cấp các ngành. Hiện tôi đang ở thành phố Ivantreska xưởng may Goodtas (có 3 ông chủ Dũng, Dương, Thành). Thay mặt gần 200 công nhân khốn khổ tôi xin đa tạ”.

Chưa có điều kiện để kiểm chứng độ chính xác của thông tin này, song những thông tin từng có được cũng đủ để người viết đồng cảm nỗi niềm của bạn đọc này.

Bởi, như VnEconomy đã phản ánh tại một số bài viết vào giữa năm 2011, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga trong một văn bản gửi tới một loạt cơ quan chức năng Việt Nam từ cuối năm 2008 đã phải sử dụng đến cụm từ “nô lệ lao động” để nói về tình trạng của hàng chục nghìn lao động Việt Nam tại các xưởng may bất hợp pháp tại Nga.

Ở đó “người lao động đã bị bóc lột một cách thậm tệ, bị nhốt dưới khu vực ngầm cách biệt với thế giới bên ngoài, bị thu hoàn toàn giấy tờ tùy thân, không được liên lạc với bên ngoài”…

Tháng 4/2011, khi đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa đặt chân đến Nga cũng là lúc một số phương tiện truyền thông đưa tin 4 người Việt Nam đã thiệt mạng khi một kho chứa vải bị cháy, vì họ không thể thoát thân trong tình cảnh bị chủ nhốt.

Ghi nhận từ chuyến đi này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, thực trạng “khổ sai” của hàng chục ngàn lao động Việt Nam dường như vẫn chưa được cải thiện.

Là thành viên trong đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế, ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM cũng day dứt: “Nghe những cán bộ có trách nhiệm ở Đại sứ quán Việt Nam tại Moskva nói về tình cảnh người lao động Việt tại các xí nghiệp đen thật quá đỗi đau lòng”.

Khi đó, đại biểu Lịch đã đề nghị, với quyền hạn được trao, các ủy ban liên quan của Quốc hội có thể tổ chức một phiên “điều trần” xung quanh vấn đề lao động Việt tại Nga để qua đó làm rõ hơn thực trạng cũng như giải pháp giải quyết căn cơ vấn đề đã kéo dài nhiều năm và đang trở nên trầm trọng này.

Nhưng…

Từ đó đến nay đã không có một phiên điều trần nào như thế diễn ra.

Cũng chưa có thông tin chính thức nào từ các cơ quan chức năng về việc “giải cứu” hàng chục nghìn lao động đang sống cảnh “khổ sai” nơi xứ người.

Mà, theo như trao đổi của ông Lê Minh Dần, Bí thư thứ nhất, Thường trực Ban Công tác cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga với VnEconomy tại thời điểm tháng 7/2011 thì giải quyết vấn đề này phải ở tầm của hai nhà nước vì từng bộ, từng ngành không thể làm được.

Bởi thế, ngay khi niềm vui đón hàng nghìn lao động Việt Nam trở về từ Libya đang “nóng rực”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa 12 Hà Văn Hiền vẫn “giục giã” người viết “hãy tìm cách thâm nhập thực tế để có thể có thêm tiếng nói giúp hàng nghìn lao động Việt tại Nga có thể hồi hương”.

Đại biểu Trần Du Lịch, người từng rất "khó tin" vào câu chuyện mà ông đã nghe về lao động tại Nga cũng vẫn chưa thôi đợi chờ một kết thúc có hậu cho câu chuyện này.

Trao đổi với VnEcnomy, ông nói, “có lẽ dưới cách nhìn của những cơ quan nhà  nước có trách nhiệm, vấn đề lao động Việt Nam trong các “xí nghiệp đen” ở Nga chưa phải là vấn đề phải giải quyết hoặc chưa đến mức bức xúc phải làm ngay, nên đến nay vẫn chưa vào cuộc. Riêng tôi cho đến giờ vẫn là điều trăn trở mãi nhưng “lực bất tòng tâm”…

Và, cũng bởi thế, trong sự đồng cảm với nhà thơ Trần Đăng Khoa về "dấu ấn đẹp nhất" của năm qua, người viết vẫn ngậm ngùi cùng nỗi niềm của một bạn đọc chưa từng quen biết. Song cũng vẫn không ngừng hy vọng sẽ có thêm “một ấn tượng đẹp” trong năm 2012.