11:00 26/04/2014

2014, Bảo Việt tiếp tục tìm đối tác chiến lược

Hoàng Xuân

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 của Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH-HOSE) diễn ra sáng ngày 24/4/2014

Một trong những vấn đề nóng được nhiều cổ đông quan tâm nhất là Hội đồng
 quản trị đã làm gì sau sự cố một cựu lãnh đạo của Tập đoàn bị khởi tố 
cách đây vài ngày.
Một trong những vấn đề nóng được nhiều cổ đông quan tâm nhất là Hội đồng quản trị đã làm gì sau sự cố một cựu lãnh đạo của Tập đoàn bị khởi tố cách đây vài ngày.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 của Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH-HOSE) diễn ra sáng ngày 24/4/2014. Với hơn 96% phiếu biểu quyết đồng ý, đại hội đã nhất trí thông qua báo cáo kết quả kinh doanh năm 2013, định hướng kinh doanh năm 2014, phương án tăng vốn điều lệ của Tập đoàn Bảo Việt. 

Năm 2013, Tập đoàn Bảo Việt đã đạt được sự tăng trưởng ổn định về doanh thu và lợi nhuận. Tổng doanh thu hợp nhất của toàn Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt là 17.096 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2012, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 1.234 tỷ đồng.

Tổng doanh thu của Tập đoàn Bảo Việt - Công ty mẹ là 1.352 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 1.104 tỷ đồng, tăng 2,1% so với năm 2012, vượt 0,1% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ của công ty mẹ đạt 16,2%, đảm bảo mức chi trả cổ tức là 15% trên mệnh giá cổ phiếu, tương ứng số tiền 1.021 tỷ đồng, bằng 92,43% lợi nhuận sau thuế. Lĩnh vực kinh doanh truyền thống là bảo hiểm đạt kết quả tốt.

Bảo Việt tiếp tục giữ vị trí số 1 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ với 23,1% thị phần và trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, doanh thu khai thác mới của Bảo Việt nhân thọ đạt 1.596 tỷ đồng, tăng 24%. Các lĩnh vực kinh doanh khác như: chứng khoán, quản lý quỹ, ngân hàng,… đạt được sự tăng trưởng ổn định.

Tập đoàn Bảo Việt đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2014 đạt 18.329 tỷ đồng, tăng 7,2% so với năm 2013. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 1.500 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến đạt 1.183 tỷ đồng. Tổng doanh thu công ty mẹ dự kiến đạt 1.416 tỷ đồng, tăng trưởng 4,7% so với năm 2013; lợi nhuận sau thuế dự kiến 1.120 tỷ đồng.

Trong phần thảo luận trước khi biểu quyết thông qua các nội dung của đại hội, nhiều câu hỏi cụ thể và trực tiếp đến từng chỉ tiêu thể hiện hiệu quả kinh doanh năm 2013 và kế hoạch năm 2014 của BVH như: doanh thu, lợi nhuận, cổ tức.

Liên quan đến phương án tăng vốn mà Hội đồng quản trị trình Đại hội đồng cổ đông lần này cũng nhận được nhiều chất vấn rất cụ thể như: tại sao BVH lại tăng vốn vào lúc này? Vốn huy động sẽ được phân bổ cho đơn vị thành viên nào trong số 3 lĩnh vực kinh doanh lõi của BVH: nhân thọ, phi nhân thọ, dịch vụ tài chính (chứng khoán, quỹ...)?...

Trả lời nội dung này, ông Lê Quang Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Việt, cho biết, mục tiêu mà Bảo Việt thực hiện phát hành riêng lẻ từ 40 triệu đến 61,5 triệu cổ phần trong năm 2014 là để tiếp tục đầu tư cho phát triển dài hạn, nhằm khai thác thị trường tài chính còn nhiều tiềm năng, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng đồng thời để tăng cường thêm cổ đông chiến lược nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, dịch vụ tài chính.

Thời điểm hoàn thành phát hành trước ngày 31/3/2015. Mức giá phát hành sẽ theo thỏa thuận giữa Tập đoàn Bảo Việt và nhà đầu tư trên nguyên tắc sử dụng giá thị trường (giá niêm yết trên sàn HOSE) và giá trị sổ sách tại thời điểm kết thúc quý gần nhất với thời điểm phát hành làm tiêu chí tham chiếu.

Dự kiến sau đợt phát hành, số vốn điều lệ Tập đoàn sẽ tăng thêm khoảng 400 tỷ đồng đến 615 tỷ đồng, nâng số vốn điều lệ mới của Tập đoàn lên tương đương 7.205 tỷ đồng đến 7.420 tỷ đồng.

Bảo Việt sẽ chào bán cho từ 1 - 3 nhà đầu tư tiềm năng đáp ứng được các tiêu chí về sức mạnh tài chính, uy tín và thương hiệu, có năng lực hỗ trợ kỹ thuật cho Bảo Việt trên một hoặc nhiều lĩnh vực như quản trị doanh nghiệp, bảo hiểm phi nhân thọ, dịch vụ tài chính (ngân hàng, chứng khoán, quản lý quỹ), đầu tư, quản lý rủi ro, mở rộng thị trường, sản phẩm mới…

Trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan đến lộ trình thoái vốn Nhà nước tại Bảo Việt, đại diện Hội đồng quản trị cho biết là từ nay đến năm 2015, theo Nghị quyết số 15 thì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Bảo Việt là 65%. Tuy nhiên, việc thoái vốn sẽ được thực hiện theo hình thức là tăng quy mô vốn điều lệ của Bảo Việt và Nhà nước không bỏ thêm vốn.

Một trong những vấn đề nóng được nhiều cổ đông quan tâm nhất là Hội đồng quản trị đã làm gì sau sự cố một cựu lãnh đạo của Tập đoàn bị khởi tố cách đây vài ngày. Một số cổ đông đặt câu hỏi rằng, thông tin đó đã có ảnh hưởng thế nào tới hoạt động điều hành cũng như hoạt động kinh doanh của Tập đoàn? Tập đoàn đã làm gì để khắc phục rủi ro?

Trước những câu hỏi khá thời sự, ông Lê Quang Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Việt, đã dành thời gian khá dài để trả lời cặn kẽ các băn khoăn, lo lắng của cổ đông.

"Đây là những câu hỏi chính đáng thể hiện quan tâm rất cao của cổ đông đối với từng bước đi của Bảo Việt. Là một định chế tài chính bảo hiểm lớn nhất trên thị trường hiện nay, sự cố vừa qua có ảnh hưởng không tốt tới Bảo Việt trên nhiều phương diện như: uy tín, lòng tin của khách hàng, nhà đầu tư, cổ đông, bản thân trong nội bộ của Tập đoàn cũng băn khoăn, lo lắng, chúng tôi cũng rất day dứt. Chúng tôi đã họp và bàn giải pháp ngay khi sự việc xảy ra", ông Lê Quang Bình thừa nhận.

Được biết, nguyên Tổng giám đốc Bảo Việt Trần Trọng Phúc đã xin từ chức vào cuối tháng 3/2014 với lý do cá nhân và ngày 31/3/2014 Hội đồng quản trị Tập đoàn đã có quyết định về việc được thôi giữ chức vụ đối với ông Phúc. Ông Trần Trọng Phúc cũng thôi là Thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Việt.

Hơn hai tuần sau, cơ quan chức năng có lệnh khởi tố với ông này. Đồng thời, Hội đồng quản trị cũng đã quyết định tạm thời bổ nhiệm ông Dương Đức Chuyển - thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc Khối đầu tư của Bảo Việt, giữ chức vụ Tổng giám đốc cho đến khi Hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Việt có quyết định mới.  

Sau khi đánh giá những sai sót và triển khai khắc phục, Tập đoàn cũng đã tăng cường kiếm tra kiểm soát, chấn chỉnh những sai sót. Sự việc đáng tiếc này, theo đại diện Hội đồng quản trị, đã xảy ra từ năm 2011 và ngay sau đó, từ năm 2012 Tập đoàn đã chỉ đạo Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt và các công ty thành viên rà soát việc chi hoa hồng đảm bảo đúng quy định pháp luật, rà soát lại kênh phân phối đại lý.

Giải pháp căn cơ lâu dài được Tập đoàn triển khai để khắc phục các rủi ro trong hoạt động kinh doanh, theo ông Bình, chính là giải pháp khắc phục những hạn chế của mô hình hiện nay, chuyển đổi từ phương thức quản lý kinh doanh phân tán sang hình thức quản lý tập trung trên cơ sở đầu tư hệ thống công nghệ thông tintt, chuẩn hoá từ quản lý nghiệp vụ, từ trụ sở chính đến các cơ sở. Trên thực tế, Bảo Việt đã thực hiện cải cách thành công đối với Bảo Việt Nhân thọ từ hai năm nay.

Hiện nay, cuộc cải cách này đang được tiến hành thí điểm tại một số đơn vị của Bảo Việt Việt Nam trước khi được nhân rộng ra toàn hệ thống. Giải pháp này đang được quyết liệt thực thi, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro trong hoạt động, từ thu chi bảo hiểm, bồi thường bảo hiểm và thu chi hoa hồng, làm một cách thận trọng và có thời gian.

Ngoài giải pháp chuyển đổi mô hình, giải pháp được xem là căn bản nhất để khắc phục lỗi hệ thống, một loạt các giải pháp đã và đang được áp dụng như đa dạng hoá sản phẩm, cơ cấu lại và đào tạo người nhân lực, chuẩn hoá lại các lãnh đạo từ trụ sở chính đến thành viên, tăng cường kiểm tra kiểm soát sau khi cơ cấu lại.