17:27 03/06/2023

26 đoàn công tác Chính phủ tiếp nhận hơn 1.000 kiến nghị, xử lý ngay 300 kiến nghị

Anh Nhi

Lần đầu tiên Chính phủ tổ chức 26 Đoàn công tác do các Thanh viên Chính phủ chủ trì làm việc trực tiếp với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tiếp nhận hơn 1.000 kiến nghị, trong đó, giải quyết ngay 300 kiến nghị…

Toàn cảnh Họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/6.
Toàn cảnh Họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/6.

Thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ đưa ra tại Họp báo thường kỳ Chính phủ về tình hình kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm chiều ngày 3/6.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm tiếp tục phải ứng phó với diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới. Trong khi đó, nền kinh tế trong nước có quy mô khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế nên chịu tác động mạnh bởi diễn biến tình hình thế giới, đưa lại khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.

Trong bối cảnh đó, trong 5 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 25 Nghị định, 101 Nghị quyết, 15 quyết định quy phạm pháp luật, 618 quyết định cá biệt, 36 công điện, 17 chỉ thị.

“Đặc biệt, lần đầu tiên Chính phủ tổ chức 26 Đoàn công tác do các Thanh viên Chính phủ chủ trì làm việc trực tiếp với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đã tiếp nhận hơn 1.000 kiến nghị, trong đó, giải quyết ngay 300 kiến nghị và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết các kiến nghị còn lại”, ông Sơn cho biết.

NỀN KINH TẾ CÒN ĐỐI MẶT VỚI NHIỀU KHÓ KHĂN

Đánh giá về tình hình kinh tế 5 tháng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng tình hình kinh tế có nhiều điểm sáng. Đó là lạm phát được kiểm soát, “thu đủ chi, xuất đủ nhập và làm đủ ăn”. Cùng với đó là thị trường tiền tệ được ổn định, hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều chuyển biến, đầu tư được thúc đẩy và an sinh xã hội được đảm bảo…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn chủ trì họp báo Chính phủ - Ảnh: VGP..
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn chủ trì họp báo Chính phủ - Ảnh: VGP..

Tuy vậy, nền kinh tế còn không ít tồn tại, khó khăn, thách thức phải đối mặt, cần xử lý. Trong đó, một là ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Hai là lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn chịu nhiều sức ép.

Ba là doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục gặp khó khăn, nhất là về khả năng tiếp cận vốn, đơn hàng sụt giảm.

Bốn là mặt bằng lãi suất cho vay dù đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao.

Năm là giá cả nguyên vật liệu đầu vào trong nông nghiệp ở mức cao, nhất là thức ăn chăn nuôi.

Sáu là việc triển khai một số chính sách của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội còn chậm.

Bảy là tình hình lao động, việc làm gặp nhiều thách thức.

Tám là rủi ro dịch bệnh, bão lũ, nắng nóng, hạn hán, biến đổi khí hậu… tiếp tục cần quan tâm.

Chín là đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Do vậy, để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế…, ông Trần Văn Sơn cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu các nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn, yêu cầu các bộ, ngành địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả.

ĐẨY MẠNH 3 ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG

Cụ thể, từ kết quả thực hiện tốt mục tiêu kiểm soát lạm phát, tạo thêm dư địa từ nay tới cuối năm, Thủ tướng yêu cầu cần ưu tiên thực hiện hiện quả hơn nữa mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường, tận dụng tốt các cơ hội và tạo không gian phát triển mới.

Đặc biệt, tập trung  đẩy mạnh 3 động lực tăng trưởng.

Về tiêu dùng, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, khai thác và phát triển mạnh thị trường trong nước.

Về đầu tư, quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, xử lý, giải quyết nhanh các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư; tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư.

Về xuất nhập khẩu, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, giữ vững và củng cố các thị trường truyền thống hiện có; tận dụng tốt các FTA đã ký kết và đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định FTA mới.

Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Bảo đảm thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh. Tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên.

Thực hiện tốt công tác lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Tiếp tục sắp xếp, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước tham gia vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Đẩy nhanh các dự án công nghiệp có quy mô lớn, khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu; mở rộng đầu ra cho sản phẩm công nghiệp. Phát triển thị trường vốn, khoa học công nghệ, lao động... an toàn, lành mạnh, bền vững, phục vụ hiệu quả cho phát triển đất nước.

Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị tưởng bất động sản; rà soát, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến phòng cháy chữa cháy. Triển khai thực hiện tốt Quy hoạch điện VIII, xử lý dứt điểm những vấn đề tồn tại của Quy hoạch điện VII; bảo đảm không để thiếu điện.

Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh yêu cầu lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung hơn nữa đối với nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh;xử lý công việc và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại địa phương theo thẩm quyền, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Theo đó, “kiên quyết xử lý cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ, đồng thời bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.