5 nhóm giải pháp cấp bách xử lý điểm nóng ô nhiễm môi trường nước các dòng sông Hà Nội
Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; phòng, chống tội phạm về môi trường và xử lý vi phạm về môi trường với các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vào các lưu vực sông; đồng thời áp dụng triệt để các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm, đình chỉ hoạt động xả thải và yêu cầu nâng cấp, hoàn thiện, các công trình xử lý nước thải phải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường...

UBND Tp.Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước tại các lưu vực sông Nhuệ- Đáy, sông Ngũ Huyện Khê, sông Cầu Bây và hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn thành phố.
Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đã không ngừng được đẩy mạnh, hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường được hoàn thiện, hệ thống quan trắc môi trường được củng cố, công tác quản lý và kiểm soát các nguồn ô nhiễm, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường được tăng cường.
Tuy nhiên, trước áp lực của phát triển kinh tế, xã hội, các nỗ lực về bảo vệ môi trường còn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tế. Tình trạng xả nước thải, đặc biệt là nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung, cụm dân cư và làng nghề chưa qua xử lý theo quy chuẩn môi trường vẫn còn tồn tại;
Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật về môi trường chưa được đầu tư, vận hành đúng mức; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thực sự quyết liệt; nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư chưa cao; nguồn lực tài chính cho công tác thu gom, xử lý nước thải đô thị, làng nghề và cải tạo, phục hồi môi trường tại các đoạn sông bị ô nhiễm còn hạn chế. Một số điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước đã hình thành trong thời gian dài trên các lưu vực sông, nhưng chưa có dấu hiệu cải thiện rõ nét.
QUẢN LÝ, KIỂM SOÁT, GIÁM SÁT NGUỒN THẢI
Trước thực trạng trên, kế hoạch của thành phố Hà Nội đặt mục tiêu tăng cường hiệu quả kiểm soát, xử lý ô nhiễm nước tại sông Nhuệ- Đáy, sông Ngũ Huyện Khê, sông Cầu Bây và hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị liên quan trong công tác bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng và quản lý sông. Việc thực hiện sẽ được tích hợp với các kế hoạch, chương trình hành động liên quan đã được ban hành trước đây và còn hiệu lực.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, UBND thành phố xây dựng kế hoạch với 5 nhóm giải pháp trọng tâm.
Về đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường, thành phố nhấn mạnh việc đầu tư đồng bộ công trình hạ tầng về bảo vệ môi trường cho các khu đô thị, khu dân cư tập trung, làng nghề, cụm công nghiệp; bố trí quỹ đất và triển khai các thủ tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy hoạch được phê duyệt; ban hành đơn giá dịch vụ xử lý nước thải; đầu tư kinh phí, hoàn thành đúng tiến độ các dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường lưu vực sông đã được phê duyệt.

Cùng với đó huy động mọi nguồn lực để thực hiện các dự án thu gom, xử lý nước thải tập trung đối với nước thải sinh hoạt từ khu dân cư, làng nghề, khu, cụm công nghiệp; xác định các dự án xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, khu dân cư tập trung ưu tiên để kêu gọi, thu hút đầu tư; chủ động đề xuất các giải pháp, phương án, cơ chế chính sách hỗ trợ để thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đối với khu vực dân cư phân tán.
Đầu tư các hệ thống quan trắc nước thải tự động đối với các nguồn nước thải có lưu lượng xả thải lớn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Dữ liệu quan trắc môi trường được truyền, cập nhật, lưu trữ về các cơ quan có thẩm quyền liên quan để giám sát theo quy định.
Về quản lý, kiểm soát, giám sát nguồn thải, sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý các nguồn thải ra các lưu vực sông phục vụ công tác quản lý, kiểm soát và giám sát nguồn thải.
Đáng chú ý, kế hoạch của thành phố Hà Nội nêu rõ việc xây dựng và tổ chức triển khai quản lý, kiểm soát, giám sát đối với từng nguồn thải theo nguyên tắc cấp nào, đơn vị nào phê duyệt, cấp giấy phép môi trường thì cấp đó, đơn vị đó phải quản lý, kiểm soát, giám sát được nguồn thải đã cấp phép.
Kiên quyết không cấp phép đầu tư, cấp giấy phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án, cơ sở không đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam (QCVN) trước khi xả ra các lưu vực sông.
TĂNG CƯỜNG THANH, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM VỀ MÔI TRƯỜNG
Về quản lý chất lượng nước mặt các lưu vực sông, sẽ tập trung thực hiện quan trắc, đánh giá diễn biến chất lượng nước các lưu vực sông; rà soát mạng lưới các điểm quan trắc, bổ sung các điểm, trạm quan trắc (bao gồm cả tự động, liên tục) tại vị trí đặc biệt ô nhiễm; trường hợp mực nước thấp, dòng chảy lưu thông kém, thông báo kịp thời cho cơ quan, đơn vị liên quan để điều tiết hoạt động bổ cập nước, tạo nguồn nhằm tăng khả năng tự làm sạch của sông.
Về thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm về môi trường, kế hoạch nêu rõ việc tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường; phòng, chống tội phạm về môi trường và xử lý vi phạm môi trường đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vào các lưu vực sông, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Đồng thời, áp dụng triệt để các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm, đình chỉ hoạt động xả thải và yêu cầu nâng cấp, hoàn thiện, các công trình xử lý nước thải phải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan của pháp luật, cũng như các quy định của Thành phố nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước trong quá trình thẩm định, xét duyệt, triển khai thực hiện và hoạt động của dự án đầu tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý đối với các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường…
Thành phố cũng đề cao vai trò tăng cường tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành để mỗi doanh nghiệp, người dân nắm được các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình trong bảo vệ môi trường.
Tuyên truyền, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội trong công tác giám sát, phản biện xã hội, tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường nước.
Ngoài ra, thành phố cũng yêu cầu triển khai 14 nhiệm vụ cụ thể, trong đó tập trung vào các hoạt động như: hoàn thiện danh mục nguồn thải có ảnh hưởng đến chất lượng nước tại các lưu vực sông; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở xả thải; quan trắc và đánh giá diễn biến chất lượng nước tại các lưu vực này.