10:46 23/12/2020

5 tỷ phú mất nhiều tiền nhất năm 2020

Ngọc Trang

Người giàu nhất tại Mexico - Carlos Slim Helú, trùm sòng bạc Sheldon Adelson là hai trong số những tỷ phú thiệt hại nhiều nhất trong năm nay

Năm 2020, hơn 60% trong hơn 2.200 tỷ phú trên thế giới ghi nhận tài sản tăng và khoảng 36% có tài sản giảm. Trong khi Elon Musk, Jeff Bezos kiếm thêm hàng trăm tỷ USD năm nay, một số tỷ phú như người giàu nhất Mexico Carlos Slim Helú hay trùm sòng bạc Sheldon Adelson lại có một năm thất bát.

Dưới đây là 5 tỷ phú mất nhiều tiền nhất năm 2020, theo thống kê của Forbes từ ngày 31/12/2019 đến 11/12/2020. 

1. Carlos Slim Helú

5 tỷ phú "thất thu" nhiều nhất năm 2020 - Ảnh 1.

Tỷ phú Carlos Slim - Ảnh: Getty Images

Quốc gia: Mexico

Tài sản giảm: 5 tỷ USD 

Tài sản: 58,2 tỷ USD 

Slim Helú và gia đình sở hữu América Móvil, hãng viễn thông lớn nhất tại Mỹ Latin. Dù hoạt động kinh doanh của América Móvil vẫn duy trì ổn định trong đại dịch Covid-19, tài sản của Slim vẫn giảm 5 tỷ USD do đồng Peso mất giá. Hồi tháng 3, giá trị đồng nội tệ Mexico giảm kỷ lục tới 26% so với USD. Từ đó đến nay, đồng tiền này đã phục hồi nhưng vẫn thấp hơn khoảng 5% so với thời điểm cuối năm 2019. 

Dù tài sản giảm, Slim vẫn là người giàu nhất tại Mexico. Ngoài América Móvil, ông cũng nắm cổ phần tại một số công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, hàng tiêu dùng, khai khoáng và bất động sản tại Mexico. Ông cũng sở hữu 17% cổ phần tờ báo New York Times của Mỹ.

2. Sheldon Adelson

5 tỷ phú "thất thu" nhiều nhất năm 2020 - Ảnh 2.

Trùm sòng bạc Mỹ Sheldon Adelson - Ảnh: Getty Images

Quốc gia: Mỹ

Tài sản giảm: 5 tỷ USD 

Tài sản: 35,1 tỷ USD

2020 là một năm thất bát với ngành công nghiệp cờ bạc, khiến tài sản của ông trùm sòng bạc Sheldon Adelson cũng sụt giảm mạnh. Adelson hiện là chủ tịch kiêm CEO của Las Vegas Sands, công ty sở hữu các sòng bạc nổi tiếng ở Las Vegas như Venetian và Palazzo. Dù du lịch nội địa tại Mỹ bắt đầu phục hồi trong mùa hè, doanh thu quý 3/2020 của Las Vegas Sands vẫn sụt 82% so với cùng kỳ năm trước. Tính tới ngày 11/12, giá cổ phiếu công ty này đã tăng 18% so với thời điểm cuối tháng 10 nhờ những tin tức khả quan về vaccine Covid-19. 

3. Sun Hongbin

5 tỷ phú "thất thu" nhiều nhất năm 2020 - Ảnh 3.

Sun Hongbin - Chủ tịch Sunac China Holdings Limited - Ảnh: AFP

Quốc gia: Trung Quốc

Tài sản giảm: 4,8 tỷ USD

Tài sản: 8,1 tỷ USD

Đại dịch Covid-19 là cơn ác mộng với các công viên chủ đề. Khi dịch bệnh bùng phát, các công viên chủ đề tại Trung Quốc buộc phải đóng cửa trong nhiều tháng. Khi được mở cửa trở lại, họ lại phải triển khai hàng loạt biện pháp phòng dịch, hạn chế lượng khách. 

Sunac China Holdings, công ty bất động sản của tỷ phú Sun Hongbin, đã mua lại các công viên chủ đề của tập đoàn Dalian Wanda vào năm 2017 và đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Tính từ đầu năm tới ngày 11/12, giá cổ phiếu của Sunac giảm gần 40%, "thổi bay" 1/3 tài sản của ông Sun Hongbin - người hiện là chủ tịch công ty. 

4. Hui Ka Yan

5 tỷ phú "thất thu" nhiều nhất năm 2020 - Ảnh 4.

Tỷ phú Hui Ka-yan - Ảnh: SCMP

Quốc gia: Trung Quốc

Tài sản giảm: 4,6 tỷ USD

Tài sản: 27,7 tỷ USD

Hui Ka Yan là chủ tịch của Evergrande Group, một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất tại Trung Quốc. Báo cáo nửa đầu năm 2020 của Evergrande cho thấy công ty này đang có khối nợ lên tới 128 tỷ USD sau nhiều năm mạnh tay rót tiền cho các thương vụ thâu tóm và phát triển mảng ôtô điện. 

Đầu tháng 12, Evergrande cố gắng huy động vốn với việc niêm yết mảng dịch vụ bất động sản. Tuy nhiên, IPO này không nhận được phản ứng như mong đợi từ giới đầu tư. Tính tới ngày 11/12, giá cổ phiếu Evergrande sụt gần 22% trong năm nay. Theo đó, tài sản của ông Hui Ka Yan giảm 4,6 tỷ USD, xuống còn 27,7 tỷ USD. 

Harold Hamm

5 tỷ phú "thất thu" nhiều nhất năm 2020 - Ảnh 5.

Quốc gia: Mỹ

Tài sản giảm: 4,3 tỷ USD

Tài sản: 5,6 tỷ USD

Hamm, chủ tịch kiêm CEO của nhà sản xuất dầu mỏ Continental Resources, mất gần 50% tài sản trong năm 2020. Năm nay, ngành công nghiệp dầu mỏ đón cú sốc mạnh từ đại dịch Covid-19. Hồi cuối tháng 4, lần đầu tiên trong lịch sử giá dầu rơi xuống mức âm. Do các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại trong đại dịch trên toàn cầu, người dân lái xe và di chuyển bằng máy bay ít hơn, khiến nhu cầu dầu lao dốc.

Đến nay, giá cổ phiếu của Continental Resources đã phục hồi phần nào so với mức thấp kỷ lục, nhưng vẫn giảm 45% so với hồi đầu năm.