50% công ty tăng trưởng nhanh nhất thế giới nằm ở châu Á
Dẫn đầu về tăng trưởng tại khu vực châu Á là hãng công nghệ Tencent của Trung Quốc với vốn hóa tăng gấp 33 lần trong 10 năm
10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, châu Á đang phát triển bùng nổ. Được thúc đẩy bởi những người tiêu dùng giàu có hơn, các công ty tại khu vực này đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng bùng nổ.
Theo dữ liệu của Nikkei, có tới 1.679 công ty tại châu Á tăng trưởng gấp hơn 10 lần về vốn hóa trong thập kỷ qua, chiếm hơn một nửa tổng số trên toàn cầu. Số liệu này không bao gồm các công ty ở Trung Đông, Trung Á và Nhật Bản.
Doanh nghiệp châu Á đang tăng trưởng nhanh chóng nhờ sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế trong khu vực. Trong 10 năm qua, GDP của các nền kinh tế mới nổi châu Á đã tăng trưởng 160%, trong khi tốc độ tăng trưởng toàn cầu là khoảng 30%, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Châu Á cũng là nam châm hút vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài - những người đặt cược vào tăng trưởng của khu vực này.
Sử dụng dữ liệu do QUICK FactSet thu thập, Nikkei phân tích khoảng 30.000 công ty niêm yết trên khắp thế giới và lọc ra những công ty có giá cổ phiếu tăng từ 10 lần trở lên trong vòng 10 năm tính tới tháng 3/2019. Theo đó, có tổng cộng 3.346 công ty đạt tiêu chí này, chiếm tỷ lệ hơn 10%.
Phân tích theo khu vực, châu Á dẫn đầu với số lượng nhiều nhất (1.679 công ty), theo sau là Mỹ (482 công ty), châu Âu (470 công ty) và Nhật Bản (193 công ty).
Tại châu Á (không tính Nhật Bản), Ấn Độ dẫn đầu với 494 đại diện, trong đó chủ yếu là các hãng công nghệ thông tin. Nổi bật là công ty Tata Consultancy Services với vốn hóa tăng gấp 10 lần lên 108,3 tỷ USD trong thập kỷ qua. Công ty này cũng xây dựng được vị thế dẫn đầu trong các lĩnh vực như điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo.
Theo sau Ấn Độ là Trung Quốc với 334 công ty. Trong đó, dẫn đầu là hãng công nghệ Tencent với vốn hóa tăng gấp 33 lần lên 437,8 tỷ USD - mức tăng lớn thứ 2 toàn cầu, chỉ sau hãng thương mại điện tử Amazon của Mỹ.
Nguồn: Nikkei.
Động lực chính cho sự tăng trưởng ngoạn mục này của Tencent là ứng dụng thanh toán di động và tin nhắn WeChat. Với 1,1 tỷ người dùng, WeChat phủ sóng cả những ngôi làng xa xôi của Trung Quốc. Thông qua ứng dụng này, Tencent đã mở rộng các dịch vụ tạo ra nhiều nguồn doanh thu như game di động, giao đồ ăn trực tuyến, âm nhạc trực tuyến, đặt dịch vụ du lịch.
Tuy nhiên, các chuyên gia tỏ ra hoài nghi về khả năng các công ty châu Á có thể duy trì tốc độ tăng trưởng trên bởi kinh tế khu vực này đang có xu hướng chững lại. Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế của châu Á sẽ giảm từ 5,9% năm 2018 xuống còn 5,7% năm 2019 và 5,6% năm 2020. Dù nhu cầu tiêu dùng tại nhiều nước châu Á được dự báo sẽ vẫn ở mức cao, khu vực này cũng phải đối mặt với nhiều bất ổn, một phần do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp châu Á là đưa được sản phẩm và dịch vụ ra toàn cầu, khi thị trường nội địa và khu vực đang dần bão hòa.