5G có được triển khai rầm rộ như 4G, 3G?
"Việc triển khai 5G sớm và đầu tiên chắc chắn giá thiết bị 5G cũng sẽ đắt hơn nhiều so với thời điểm chín muồi của công nghệ"
Các nhà mạng triển khai hạ tầng 4G, 3G trước đây đều trên phạm vi rộng và toàn quốc, liệu điều này có lặp lại với 5G?
Việc phát triển hạ tầng mạng lưới 5G cũng như các thế hệ mạng di động trước đó luôn được doanh nghiệp tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở giá (chi phí) thiết bị, khả năng đáp ứng hay tận dụng của các thế hệ công nghệ trước đáp ứng việc sử dụng dịch vụ thời điểm hiện tại, và đặc biệt là nhu cầu thị trường đối với thế hệ công nghệ mới được triển khai.
Giá thiết bị 5G đắt gấp 5-6 lần 4G
Thời điểm hiện tại, các nhà mạng lớn Viettel, VinaPhone-VNPT và MobiFone vẫn đang trong quá trình triển khai thử nghiệm 5G. Dự kiến cuối năm 2020, dịch vụ 5G mới bắt đầu được thương mại hóa.
Đại diện một nhà mạng cho biết, do trong giai đoạn thử nghiệm nên doanh nghiệp có thể sử dụng thiết bị của nhiều hãng khác nhau, sau đó sẽ đánh giá, phân tích (về cả thương hiệu, tính an ninh bảo mật, giá cả thiết bị…) để quyết định lựa chọn thiết bị của đơn vị cung cấp cho việc triển khai đại trà của nhà mạng.
Vị đại diện này cho biết, kinh nghiệm từ nhiều chuyên gia viễn thông và chính các nhà sản xuất, cho rằng, ở góc độ thương mại, các nước trên thế giới sẽ triển khai mang tính phổ cập từ 2021, và họ cũng khuyến nghị ở thời điểm đó Việt Nam mới nên đầu tư/triển khai mạng lưới rộng rãi.
Theo ông, ở thời điểm hiện tại hoặc đầu năm 2020, nếu đầu tư mang tính quy mô thì giá thành thiết bị 5G sẽ rất cao, đắt hơn 4G, 3G (thời điểm triển khai) khoảng 5-6 lần. Còn lộ trình thương mại hóa 5G vào cuối năm sau tất nhiên không có nghĩa sẽ triển khai rộng rãi ngay mà đây chỉ là thời điểm đánh dấu Việt Nam chính thức cung cấp dịch vụ 5G ra thị trường ở những địa điểm, thành phố nhất định.
Ở hai thế hệ công nghệ mạng di động cung cấp dịch vụ data trước là 3G và 4G thì sau khi thế giới triển khai công nghệ 3G, tận 9 năm sau (tháng 10/2019) mạng 3G của Việt Nam mới bắt đầu được thương mại hóa. Còn mạng 4G, thế giới triển khai từ những năm 2010 thì 7 năm sau, đầu năm 2017, công nghệ mạng di động thứ 4 này mới chính thức được cung cấp tới người dùng Việt.
Trong khi 5G, Việt Nam nằm trong nhóm các nước đầu tiên trên thế giới triển khai 5G, vì vậy theo lãnh đạo một nhà mạng, việc triển khai 5G sớm và đầu tiên chắc chắn giá thiết bị 5G cũng sẽ đắt hơn nhiều so với thời điểm chín muồi của công nghệ.
Sẽ triển khai 5G theo nhu cầu
Một lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, sau khi kết thúc thời gian thử nghiệm vào tháng 1/2020, để khai thác thương mại cho 5G cần phải đấu thầu băng tần. Tần số cho 5G hiện nay không nhiều, kể cả băng cband 3.500 – 3.900 là băng tần tương đối tốt vẫn đang bị nhiễu vệ tinh.
Vì thế, theo lãnh đạo Viettel, điều kiện cần là phải có đấu giá băng tần 5G và doanh nghiệp viễn thông trông chờ Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sớm đấu giá băng tần cho công nghệ này.
"Nếu năm 2020 có đấu giá thì khoảng giữa hoặc cuối năm 2020 có thể có khai thác thương mại đầu tiên về 5G", vị lãnh đạo của Tập đoàn Viettel nói và cho biết, cần một khoảng thời gian như vậy (sau khi có băng tần cho 5G) để doanh nghiệp lập dự án đầu tư, mua sắm thiết bị, thực hiện lắp đặt…
Thực tế, đối tượng sử dụng 5G tương đối khác so với 3G và 4G nên việc triển khai hạ tầng mạng lưới 5G cũng sẽ không có tính liền mạch như hai thế hệ công nghệ di động trước đó - là triển khai đồng loạt ở nhiều tỉnh thành hoặc thậm chí trên toàn quốc. Hạ tầng 5G sẽ được triển khai theo hình thức "nơi nào có nhu cầu – nơi đó có 5G".
Đại diện nhiều nhà mạng cho rằng, 5G cũng là công nghệ data (dữ liệu) và thuần túy data như 4G nhưng có tốc độ rất cao, nhanh gấp 20-30 lần so với 4G, có độ trễ vô cùng thấp. Tuy nhiên, hiện nay, đối với nhu cầu của cá nhân về sử dụng dữ liệu thì 4G hoàn toàn có thể đáp ứng và đáp ứng với chất lượng tốt. Còn 5G với đặc điểm như trên (tốc độ cao, độ trễ vô cùng thấp) thích hợp hơn cho nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp, đô thị thông minh…
Ví dụ như giải pháp cho nhà máy thông minh, xe tự lái, ứng dụng lắp máy (các kỹ sư ở những điểm khác nhau và thực hiện lắp máy ở chỗ khác), đô thị thông minh… là có nhu cầu sử dụng 5G. Chính vì thế, theo lãnh đạo nhiều nhà mạng, việc triển khai mạng 5G sẽ được thực hiện ở những điểm, những thành phố có nhu cầu.
Tất nhiên nhu cầu cho xe tự lái, nhà máy thông minh… ở Việt Nam được đánh giá vẫn chưa thể có nhiều trong thời gian tới, sau khi thương mại hóa, 5G được triển khai tại các điểm có nhu cầu trước (hotspot) để giải quyết những điểm nghẽn của 4G.
Tuy nhiên, theo các nhà mạng, hiện 4G, đặc biệt sắp tới sẽ có băng tần cho 4G thì chất lượng 4G phủ sóng trên toàn quốc sẽ rất tốt, do đó việc sử dụng 5G để "cứu cánh" cho "điểm nghẽn 4G" cũng không phải lớn.