07:32 12/06/2024

6.000 khóa học trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thay đổi chất lượng quản trị

Vy Vy

Khoảng 500 khóa học vào năm 2025 và 6.000 khóa học vào năm 2035 sẽ được triển khai trên nền tảng trực tuyến để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thay đổi quản trị, nâng cao năng lực phát triển theo hướng bền vững…

Các khóa học trực tuyến sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị theo hướng bền vững hơn.
Các khóa học trực tuyến sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị theo hướng bền vững hơn.

Dự án đào tạo trực tuyến “Nâng tầm tri thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam” được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thực hiện nhằm đẩy mạnh triển khai chủ trương tăng cường đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân, doanh nghiệp của Bộ Chính trị nêu tại Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị (về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới) và Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW được ban hành tại Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 09/5/2024 của Chính phủ.

Dự án được triển khai tại nền tảng www.smelearning.vn; hướng tới nâng cao trình độ, tri thức cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam theo từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Các khóa học được thiết kế theo 6 giai đoạn phát triển, bao gồm: ý tưởng kinh doanh; thành lập doanh nghiệp; vận hành doanh nghiệp; tăng trưởng; trưởng thành/ổn định và niêm yết chứng khoán (IPO).

Đồng thời, các khóa học được phân chia theo nguyên lý “kiềng ba chân” (Quản trị; Vốn và tài chính; Sale và Marketing) tương ứng 6 giai đoạn phát triển của doanh nghiệp.

Dự án “Nâng tầm tri thức doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam” sẽ xây dựng khoảng 500 khoá học vào năm 2025 và khoảng 6.000 khoá học vào năm 2035, với 1,5 triệu doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc và 6.000 người lao động của doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận các khoá học miễn phí, chất lượng.  

Dự án được thực hiện bằng hình thức xã hội hóa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là cơ quan đồng chủ trì Dự án.

Lế ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về việc triển khai Dự án đào tạo trực tuyến "Nâng tầm tri thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam".
Lế ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về việc triển khai Dự án đào tạo trực tuyến "Nâng tầm tri thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam".

Phát biểu tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiều ngày 11/6, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông kỳ vọng dự án sẽ góp phần từng bước nâng cao kỹ năng, trình độ quản trị cho các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới nền quản trị chuyên nghiệp, hiện đại theo chuẩn quốc tế. Có tác động tích cực nâng cao văn hóa học tập trong doanh nghiệp cũng như cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là lãnh đạo và người quản lý của doanh nghiệp. Góp phần hình thành lực lượng doanh nghiệp dân tộc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ.

“Để dự án được triển khai hiệu quả, tôi đề nghị các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp thông báo rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp để đăng ký tham gia học tập. Đề nghị các địa phương quan tâm, tham gia, phối hợp với hiệp hội cùng triển khai tích cực để khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn không ngừng học tập, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh mới. Đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chủ động phối hợp với cộng đồng nhà tài trợ, các doanh nghiệp huy động nguồn lực triển khai dự án theo đúng mục tiêu, định hướng, phù hợp với quy định pháp luật và các cam kết trong biên bản ghi nhớ hợp tác”, ông Đông nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, hiệp hội đã khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp hội viên một cách kỹ lưỡng, từ đó đưa ra các chương trình chi tiết, cụ thể để đáp ứng từng nhóm doanh nghiệp khác nhau, từ sản xuất – kinh doanh cho tới dịch vụ.

Thông qua dự án, các doanh nghiệp có nhu cầu sẽ được đào tạo những kiến thức về thị trường và được kết nối trực tiếp với khách hàng tiềm năng. Từ đó, giải quyết được nhu cầu nâng cấp năng lực nội tại cũng như khai thông được đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp.

 

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 917.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98% trong tổng số doanh nghiệp cả nước.

Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp duy trì hoạt động sau 5 năm thành lập chỉ đạt khoảng 30%, cho thấy sự bền vững của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế.