16:18 24/03/2015

7 câu nói mang đặc trưng Lý Quang Diệu

Diệp Vũ

"Chúng tôi quyết định điều gì là đúng. Đừng bao giờ bận tâm chuyện mọi người nghĩ gì”

Ông Lý Quang Diệu từ trần lúc 3h18 ngày 23/3/2015, hưởng thọ 91 tuổi. Ông là người có công đưa đất nước Singapore phát triển từ một làng chài nhỏ trở thành một quốc gia giàu có bậc nhất ở châu Á chỉ trong vòng có 3 thập kỷ.
Ông Lý Quang Diệu từ trần lúc 3h18 ngày 23/3/2015, hưởng thọ 91 tuổi. Ông là người có công đưa đất nước Singapore phát triển từ một làng chài nhỏ trở thành một quốc gia giàu có bậc nhất ở châu Á chỉ trong vòng có 3 thập kỷ.
Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu sẽ được nhớ đến với công lao đưa nước này thoát cảnh đói nghèo, cho dù điều đó đồng nghĩa với việc ông quản lý từng điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống người dân.

Theo tờ Global Post, hầu hết các nhà lãnh đạo chuyên quyền thường đưa đất nước của họ tới chỗ lụn bại. Nhưng Lý Quang Diệu, một nhà lãnh đạo cũng từng bị chỉ trích là chuyên quyền, lại làm được điều ngược lại. Trong 3 thập kỷ giữ vai trò Thủ tướng Singapore từ năm 1959 đến năm 1990, ông đã đưa đảo quốc này đạt tới những thành công vào hàng đáng nhớ nhất trong lịch sử nhân loại.

Lý Quang Diệu đã biến một làng chài hỗn độn và chịu sự hoành hành của căn bệnh sốt rét trở thành một quốc gia hiện đại bậc nhất với GDP bình quân đầu người vượt Mỹ.

Thành công này có được là nhờ phong cách lãnh đạo theo chủ nghĩa độc đoán đã trở thành đặc trưng của Lý Quang Diệu.

Một trong những chính sách nổi tiếng mà Chính phủ của ông áp dụng là chính sách cấm nhai kẹo cao su trên đường phố - một trong những quy định nhằm giữ cho đường phố tránh khỏi tình trạng khạc nhổ, vứt rác bừa bãi.

Singapore là một đất nước đặc biệt. Người dân tộc Hoa chiếm đa số ở nước này, nhưng họ đều nói tiếng Anh. Singapore có những nhà vệ sinh công cộng siêu sạch, cảnh sát ở Singapore không nhận tiền hối lộ - rất khác so với ở các nước Đông Nam Á khác.

Hầu hết những thành công này đều được cho là xuất phát từ tầm nhìn và chính sách của Lý Quang Diệu. Tuy vậy, song song với thành công, người dân Singapore phải tuân thủ một chính phủ - mà ngoài những cuộc bầu cử thi thoảng được tổ chức - vận hành như một quốc gia đơn đảng hầu như không dung thứ đối lập chính trị.

Báo Global Post đã điểm lại một số câu nói thể hiện sự độc đoán của Lý Quang Diệu khi lãnh đạo đất nước.

Về trao quyền lực chính trị cho quần chúng

“Khi người ta nói “Hãy hỏi mọi người đi”, thì đó chỉ là chuyện trẻ con vớ vẩn… Người ta nói người dân có thể nghĩ cho bản thân mình ư?

Các bạn có thực sự tin là một người không qua nổi bậc tiểu học biết được những hậu quả từ sự lựa chọn của anh ta, khi anh ta dùng bản năng để trả lời những câu hỏi về ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo?... Chúng tôi sẽ chết đói, chúng tôi sẽ có xung đột sắc tộc. Chúng tôi sẽ bị chia năm xẻ bảy”.

(Trích cuốn “Lee Kuan Yew: The Man and His Ideas”, 1998)


Về đặt thịnh vượng lên trên dân chủ

“Các bạn đang nói về Rwanda hay Bangladesh, Campuchia hay Philippines. Họ có dân chủ… Nhưng liệu ở đó có cuộc sống văn minh hay không?

Trước tiên và hơn tất cả, người dân cần phát triển kinh tế. Trong khi nhà lãnh đạo có thể lại đang nói tới chuyện khác. Các bạn thử thăm dò ý kiến người dân bất kỳ nước nào xem họ muốn gì? Có phải là quyền viết một bài xã luận theo ý muốn hay không? Họ cần nhà ở, thuốc men, việc làm, trường học”.

(Trích cuốn “Lee Kuan Yew: The Man and His Ideas”, 1997)

Về các cuộc thăm dò dư luận

“Tôi chưa bao giờ quá lo ngại hay bị ám ảnh bởi những cuộc thăm dò dư luận hay khảo sát tỷ lệ ủng hộ. Tôi nghĩ một nhà lãnh đạo quan tâm tới những chuyện đó là một nhà lãnh đạo yếu ớt.

Giữa một bên là được yêu quý và một bên bị nể sợ, tôi luôn tin Machiavelli đúng. Nếu không ai sợ tôi, tôi chỉ là một kẻ vô nghĩa”.

(Trích cuốn: “The Singapore Story: Memoirs of Lee Kuan Yew”, 1997)


Về đối thủ và những người chỉ trích

“Do phong cách và cách phản ứng của tôi như vậy, không ai nghi ngờ về việc nếu anh đấu với tôi, tôi sẽ dùng tới quả đấm sắt và dồn anh vào ngõ cụt… Nếu anh nghĩ anh có thể khiến tôi đau hơn những gì tôi có thể làm với anh, hãy thử xem.

Không còn cách nào khác ngoài cách này để có thể lãnh đạo một xã hội người Hoa”.

(Trích cuốn Lee Kuan Yew: The Man and His Ideas”, 1998)


Về can thiệp vào đời sống riêng tư của người dân

“Tôi thường bị chỉ trích là can thiệp vào đời sống riêng tư của người dân. Vâng, nhưng nếu tôi không làm vậy, thì chúng ta không thể có ngày hôm nay.

Và tôi không hề hối tiếc một chút nào cả khi nói rằng, chúng ta không thể đạt được tiến bộ kinh tế nếu không can thiệp vào những vấn đề rất riêng tư như láng giềng của anh là ai, anh sống ra sao, anh gây tiếng ồn gì, anh khạc nhổ thế nào, hay anh dùng ngôn ngữ nào...

Chúng tôi quyết định điều gì là đúng. Đừng bao giờ bận tâm chuyện mọi người nghĩ gì”.

(Ông Lý Quang Diệu phát biểu trên tờ Straits Times, 1987)


Về đạo Hồi

“Tôi nghĩ rằng mọi chuyện đã diễn ra êm đẹp cho tới khi xuất hiện làn sóng người theo đạo Hồi tới đây.

Nếu bạn hỏi về quan điểm của tôi, thì tôi nói là các cộng đồng khác hòa nhập dễ dàng hơn - về kết bạn, kết hôn... - so với người Hồi giáo…

Hôm nay, tôi muốn nói là chúng tôi có thể hòa nhập tất cả các tôn giáo và sắc tộc, trừ người theo đạo Hồi”.

(Trích cuốn “Lee Kuan Yew: Hard Truths to Keep Singapore Going”, 2011. Về sau, ông Lý Quang Diệu đã rút lại câu nói này)


Về tự do báo chí

“Chúng tôi cho phép các nhà báo người Mỹ tới Singapore để đưa tin về Singapore cho người dân nước họ biết… Nhưng chúng tôi không thể cho phép họ chiếm vai trò ở Singapore như truyền thông Mỹ có ở Mỹ. Đó là vai trò giám sát, đối nghịch và thẩm tra chính quyền”.

(Ông Lý Quang Diệu phát biểu trước Hiệp hội Biên tập báo Mỹ, 1988)