16:19 17/09/2019

85% doanh nghiệp không tuyển được nhân sự cấp cao

Nhật Dương

Có đến 85% doanh nghiệp cho biết không thể tuyển được lao động chất lượng cao, theo điều tra của VCCI

Trình độ tay nghề của lao động Việt Nam dù đã được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp. Ảnh minh họa.
Trình độ tay nghề của lao động Việt Nam dù đã được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp. Ảnh minh họa.

Thông tin này được đưa ra tại hội thảo EVFTA: Cơ hội và thách thức đối với nguồn nhân lực Việt Nam, tổ chức ngày 17/9.

Với việc xóa bỏ đến 99% thuế quan xuất khẩu, EVFTA sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội cạnh tranh về giá cả hàng hóa khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Điều này được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập cho lao động Việt Nam.

Tuy nhiên, EVFTA có thể sẽ đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước những cạnh tranh về nguồn lao động cũng như thách thức về nhân lực chất lượng cao, nhằm đáp ứng các đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn về chất lượng hàng hóa, dịch vụ của thị trường châu Âu.

Lao động Việt Nam khó đạt được vị trí nhân sự cao cấp

Đánh giá về nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Euro Cham) cho biết, hiện chủ yếu tập trung vào một số ngành nghề chính như: bất động sản, khách sạn, du lịch, năng lượng tái tạo, thương mại, dịch vụ.

Tuy nhiên, khi EVFTA có hiệu lực thì xu hướng dịch chuyển mới của các doanh nghiệp châu Âu sẽ là phân phối lại quá trình sản xuất giữa châu Âu và châu Á. Riêng tại châu Á, doanh nghiệp sẽ lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trở thành đối tác xuất khẩu, cũng như tận dụng tối đa các lợi thế về thuế quan và thương mại.

Đại diện Euro Cham đánh giá, trong thời gian đầu, các doanh nghiệp châu Âu có thể nghiên cứu và hướng đến những ngành sản xuất đòi hỏi sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, do đó đây sẽ là hai ngành công nghiệp hưởng lợi đầu tiên. Tuy nhiên, về dài hạn, doanh nghiệp có thể hướng đến sản xuất các sản phẩm có độ phức tạp cao hơn như dược phẩm.

Điều đáng lưu ý là đặc thù kinh doanh cũng của các doanh nghiệp châu Âu chính là dựa vào công nghệ, nên yêu cầu lao động đối với các doanh nghiệp này không chỉ đơn thuần là nhân công giá rẻ mà bắt buộc đòi hỏi có kỹ năng và trình độ chuyên môn.

"Đây vẫn là vấn đề tồn đọng rất lớn của lao động Việt Nam mà chúng ta vẫn chưa giải được. Doanh nghiệp châu Âu yêu cầu rất nhiều kỹ năng, kinh nghiệm chuyên ngành, khả năng ngoại ngữ. Đó là những điều doanh nghiệp đang kỳ vọng Chính phủ Việt Nam có thể cải thiện chất lượng nguồn lao động", đại diện Euro Cham cho biết.

Bài toán khó tuyển dụng nhân sự cấp cao cũng là thực tế được ông Phạm Hồng Quân, Giám đốc nhân sự khu vực châu Á – Thái Bình Dương Piaggio thừa nhận, khi tại doanh nghiệp này những vị trí đòi hỏi khả năng tư duy chiến lược và khả năng lãnh đạo khá là hiếm hoi để tìm được nhân sự đáp ứng được ở thị trường Việt Nam. Do đó, Piaggio trong thực tế đã phải tìm nhân sự thay thế đến từ các quốc gia khác như Pháp, Đức…

Theo ông Quân, tại Piaggio, về cơ bản lao động Việt Nam chỉ đang giữ vị trí cấp trung chứ chưa đạt được vị trí cao cấp, tức là chỉ ở cấp báo cáo thứ ba so với vị trí tổng giám đốc cao nhất.

Lý do là tầm nhìn chiến lược trong việc hoạch định công việc với chiến lược phát triển kinh doanh của công ty, cũng như khả năng quản lý lãnh đạo của lao động Việt Nam chưa đủ tầm. Thậm chí, ông Quân khẳng định, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư vì mong muốn có chất lượng nhân sự cao cấp nên sẵn sàng bỏ ra số tiền cao hơn hẳn mức lương trên thị trường để thu hút lao động, song vẫn rất khó khăn trong việc tuyển người.

Thúc đẩy hợp tác công tư trong đào tạo nghề

Thực tế này cũng được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thừa nhận khi cho rằng bức tranh chung về trình độ tay nghề của lao động Việt Nam là tương đối thấp.

Dẫn kết quả một cuộc điều tra do VCCI thực hiện cho thấy, có đến 85% doanh nghiệp cho biết không thể tuyển được lao động chất lượng cao hay nhân sự quản trị. "Chúng tôi cũng chứng kiến một số doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của thế giới vào Việt Nam muốn phát triển các trung tâm nghiên cứu nhưng không thể tuyển dụng được lao động", ông Lộc nêu thực trạng và nhấn mạnh rằng tới đây sẽ cần tăng cường việc kết hợp đào tạo, đặc biệt giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Thậm chí, Chủ tịch VCCI đề nghị rút ngắn thời gian đào tạo ở bậc đại học như các trường cao đẳng, song cần gắn liền với thực tiễn thì mới góp phần tích cực nâng cao chất lượng lao động. Hơn hết là tăng cường hợp tác công tư, đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp vào giáo dục nghề nghiệp.

Đồng tình với quan điểm cho rằng cần thúc đẩy hợp tác công tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề, Phó Chủ tịch Euro Cham Nguyễn Hải Minh nhấn mạnh rằng chỉ có doanh nghiệp mới hiểu rõ nhu cầu cần cái gì hay xu hướng biến động trên thị trường ra sao.

Ông cũng đề xuất thêm là cần có hành lang pháp lý về hợp tác công tư rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư cũng như thúc đẩy nhiều ưu đãi hơn nữa cho doanh nghiệp khi bỏ chi phí cho hoạt động đào tạo nghề.