13:00 14/09/2022

ACBS: Ngân hàng Nhà nước đã bán khoảng 21 tỷ USD

Theo ACBS, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã hạ xuống mức 89 tỷ USD, tương đương 12 tuần nhập khẩu và vẫn nằm trong ngưỡng an toàn...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trong báo cáo triển vọng thị trường tháng 9 mới công bố, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, tỷ giá USD/VND vẫn tiếp tục xu hướng tăng trong tháng 8/2022 với tỷ giá trung tâm đóng cửa tháng tăng nhẹ lên 23.219 VND (+0,19%). Tỷ giá bình quân các ngân hàng lên 23.451 VND (+0,46%) trước áp lực gia tăng từ việc đồng USD mạnh lên (chỉ số DXY tăng 2,6%) sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong các cuộc họp gần đây.

Tỷ giá trên thị trường tự do giảm mạnh 1,5% giúp thu hẹp khoảng cách với thị trường chính thức. Ngân hàng Nhà nước đã tăng tỷ giá giao ngay tham chiếu thêm 300 đồng lên 23.700 đồng vào ngày 7/9 do đồng Việt Nam chịu nhiều áp lực đến từ các bất lợi trên thế giới.

Theo ước tính của ACBS, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 21 tỷ USD từ đầu năm 2022 từ nguồn dự trữ ngoại hối, tương đương 19% tổng dự trữ, đưa dự trữ hiện tại ở mức ước tính 89 tỷ USD và đã giảm tỷ lệ bao phủ nhập khẩu xuống còn khoảng 12 tuần, vẫn nằm trong ngưỡng an toàn.

ACBS: Ngân hàng Nhà nước đã bán khoảng 21 tỷ USD - Ảnh 1

Tại thị trường mở, trong tháng 8/2022, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành hơn 160 nghìn tỷ đồng và để hơn 94 nghìn tỷ đồng đáo hạn thông qua kênh tín phiếu. Ngoài ra, 35 nghìn tỷ đồng cũng được đấu thầu trong tháng 8/2022 kết hợp với hơn 74 tỷ đồng đáo hạn trong tháng thông qua kênh cầm cố (OMO).

Bên cạnh đó, ACBS ước tính rằng Ngân hàng Nhà nước đã bán ra hơn 3 tỷ USD trong tháng 8/2022, tức là đã gián tiếp hút hơn 70 nghìn tỷ đồng khỏi hệ thống xuyên suốt tháng 8/2022.

Như vậy, luỹ kế cả tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng hơn 75 nghìn tỷ đồng qua kênh tín phiếu, reverse repo OMO và bán USD.

Theo đánh giá của ACBS, Ngân hàng Nhà nước sẽ khó duy trì lãi suất liên ngân hàng thấp trong thời gian tới vì FED có thể sẽ có thêm 3 đợt tăng lãi suất nữa từ giờ cho tới cuối năm, gây áp lực mất giá lên tỷ giá VND/USD. Đồng thời, nhà điều hành tiền tệ tại Việt Nam sẽ phải giữ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD liên ngân hàng dương nhằm hỗ trợ tỷ giá VND/USD.

Theo đó, ACBS nâng nhẹ kỳ vọng rằng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước có thể tăng dần trong khoảng 0,5 - 0,75 điểm phần trăm từ đây cho tới cuối năm 2022

ACBS: Ngân hàng Nhà nước đã bán khoảng 21 tỷ USD - Ảnh 2

Đáng chú ý, trong khi Ngân hàng Nhà nước duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14% cho năm 2022, tăng trưởng tín dụng đã đạt 9,9% tính tới cuối tháng 8, tăng nhẹ so với mức 9,3% vào đầu tháng 6 do nhiều ngân hàng thương mại đã sử dụng hết hạn mức tín dụng được giao. Với áp lực gia tăng hạn mức tín dụng, áp lực lạm phát giảm bớt, hệ thống ngân hàng được đánh giá là đang trong tình trạng lành mạnh.

Sau ba tháng chờ tăng hạn mức tín dụng, ngày 7/9 thông tin Ngân hàng Nhà nước cấp thêm room tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng được nhiều người quan tâm.

Mặc dù hạn mức tăng được ước tính ít hơn 4% so với mức cần thiết để đạt được mục tiêu 14% cả năm, nhưng hạn mức mới được cấp có thể giúp tháo gỡ những điểm khó khăn nhất và thúc đẩy nền kinh tế duy trì xu hướng đi lên mà không gây thêm áp lực lên lạm phát do tăng trưởng quá nóng.

Dù vậy, hạn mức bổ sung có thể tạo thêm áp lực tăng lãi suất trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng không ổn định trước áp lực giảm giá của VND so với USD. Tuy nhiên, tác động này được cho là không đáng kể vì mặt bằng lãi suất đã điều chỉnh tăng để hạn chế sự mất giá của VND.

"Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% hàng năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ cần một đợt điều chỉnh hạn mức khác trước khi kết thúc năm", nhóm nghiên cứu tại ACBS nhận định.