14:58 28/09/2010

ADB điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Anh Quân

Báo cáo mới của ADB đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2010 từ mức 6,5% lên mức 6,7%

Thị trường thuận lợi và tiêu dùng nội địa tăng hỗ trợ sản xuất trong nước - Ảnh: Bobi.
Thị trường thuận lợi và tiêu dùng nội địa tăng hỗ trợ sản xuất trong nước - Ảnh: Bobi.
Báo cáo cập nhật về triển vọng phát triển châu Á 2010 do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thực hiện, được công bố sáng 28/9, đã nhìn nhận lạc quan hơn về tăng trưởng của Việt Nam.

Báo cáo của ADB đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2010 từ mức 6,5% tại dự báo được công bố vào tháng 4 năm nay lên mức 6,7%. Với năm 2011, dự báo mới nhất của ADB cũng được điều chỉnh từ mức tăng GDP 6,8% lên 7%.

Đồng thời, tổ chức này cũng hạ mức dự báo lạm phát năm 2010 xuống 8,5% và năm 2011 xuống 7,5%.

Tuy nhiên, tại khu vực Đông Nam Á, mức điều chỉnh tăng dự báo GDP của Việt Nam trong năm 2010 chỉ cao hơn Myanmar (giảm 0,2 điểm phần trăm) và Brunei (giữ nguyên mức tăng trưởng 1,1%) và thấp hơn các nước còn lại (mức điều chỉnh của Singapore đạt cao nhất với 7,7 điểm phần trăm).

Mặc dù tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam vẫn thấp hơn trung bình khu vực Đông Nam Á khoảng 0,7 điểm phần trăm, nhưng vẫn đứng thứ 5 trong các quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất khu vực, chỉ xếp sau Singapore, Lào, Thái Lan và Malaysia.

Chính sách tài khóa chặt chẽ hơn

Những thay đổi trong dự báo của ADB chịu ảnh hưởng từ kết quả phục hồi kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay.

“Việc chuyển từ biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ trong giai đoạn suy thoái toàn cầu sang chính sách cân đối hơn đã giúp ổn định tình hình tài chính và kinh tế, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, động thái này đã tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế vững chắc trong năm nay”, báo cáo của ADB nhận xét.

Cầu trong nước ổn định, thể hiện qua doanh số bán lẻ tăng 27% trong 8 tháng đầu năm, so với cùng kỳ; môi trường thương mại thuận lợi giúp cho xuất khẩu tăng kim ngạch khoảng 20,6% tính đến tháng 8/2010, hỗ trợ sản xuất trong nước và đẩy các ngành công nghiệp, dịch vụ phục hồi.

Cũng theo ADB, thâm hụt thương mại đã giảm, kiều hối phục hồi, thu nhập từ du lịch tăng khiến thâm hụt cán cân vãng lai đã giảm xuống. Nhờ tài khoản vốn được cải thiện nên cán cân thanh toán tổng thể thặng dư nhẹ trong quý 2/2010, sau khi liên tục thâm hụt kể từ đầu năm ngoái.

Tổng dự trữ ngoại hối ước tính đạt 13,5 tỷ USD vào cuối tháng 6/2010, tương đương 9,6 tuần nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, cao hơn mức 11,8 tỷ USD hồi tháng 3 năm nay, mặc dù vẫn thấp hơn mức 14,1 tỷ USD vào cuối năm 2009, báo cáo của ADB cho biết.

Cũng theo nguồn tin này, thâm hụt thương mại đáng kể và lạm phát khá cao, đi đối với việc người dân chuyển đồng nội tệ sang vàng và USD, tiếp tục làm giảm giá VND. Chênh lệch tỷ giá thị trường tự do và tỷ giá tham chiếu của Ngân hàng Nhà nước dẫn tới 2 lần điều chỉnh tỷ giá trong năm nay.

Các biện pháp thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước bao gồm tăng lãi suất cơ bản, bãi bỏ quy định về trần lãi suất và hỗ trợ lãi suất đã được triển khai. Vào tháng 6/2010, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,7% so với cuối năm 2009 và tăng 23,7% so với cùng kỳ. Lãi suất ngân hàng được đẩy lên mức 15% trước khi giảm lại 13-14% trong quý 3. Chỉ số VN-Index giảm 8% trong 8 tháng đầu năm.

So với cuối năm 2009, tín dụng chỉ tăng 3,6% trong quý 1/2010, song đến giữa năm đã tăng 11,7%. Nhưng so với cùng kỳ, mức tăng đến cuối tháng 6/2010 mới đạt 28,9%, thấp hơn con số tương ứng khoảng 40% cách đó 1 năm.

Phần lớn các chính sách kích thích tài khóa được thực hiện trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu đã kết thúc vào cuối năm 2009. Chính phủ đặt chỉ tiêu thâm hụt ngân sách năm 2010 tương đương 6,2% GDP, thấp hơn so với mức thâm hụt ngân sách thực tế năm 7,0% của năm 2009, cho thấy phương hướng chính sách tài khóa chặt chẽ hơn, ADB ghi nhận.

Triển vọng sáng hơn, rủi ro vẫn còn

Dựa trên cơ sở giả định Chính phủ sẽ tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong giai đoạn dự báo,  các cơ quan chức năng đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 25% và duy trì những nỗ lực để bảo vệ và tăng cường sự an toàn, vững chắc của hệ thống ngân hàng, ADB cho rằng, hạn chế của việc thắt chặt ngân sách sẽ được “bù đắp” bằng sự phục hồi của nền thương mại thế giới, và tình hình tài chính sẽ làm cơ sở cho đầu tư tư nhân tăng trưởng.

“Tăng trưởng tiêu dùng tư nhân sẽ tăng lên trong giai đoạn dự báo, nhờ thu nhập cao hơn và luồng kiều hối phục hồi trở lại”, ADB dự báo.

Theo phân tích của báo cáo, Việt Nam có lợi đáng kể từ sự phục hồi của thương mại thế giới. Mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào khoảng 30% trong giai đoạn tháng 7-8/2010 đã giúp cho sự tăng trưởng của ngành công nghiệp, và một phần cho sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Đặc biệt, thương mại với Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông, Trung Quốc) đã tăng mạnh nhờ sự hồi phục của các nền kinh tế này, thêm vào đó là hiệp định thương mại tự do giữa Trung Quốc và ASEAN bắt đầu có hiệu lực từ tháng Giêng 2010.

Tuy nhiên, nhận định về ảnh hưởng của việc VND giảm giá đến tăng trưởng xuất khẩu và cải thiện nhập siêu của Việt Nam, ADB cho rằng tác động trên thực tế là không lớn, chủ yếu do việc xuất khẩu các mặt hàng chế tác thường đòi hỏi phải sử dụng nhiều nguyên vật liệu và thiết bị ngoại nhập.

Mức thâm hụt tài khoản vãng lai hiện nay tính trên GDP được dự báo sẽ giảm bớt nhờ cán cân thương mại cải thiện, kiều hối tăng và ngành du lịch phục hồi. Theo ADB, thâm hụt cán cân vãng lai sẽ vào khoảng 7,5% GDP trong năm 2010 và 5,4% trong năm 2011. Cán cân thanh toán tổng thể dự báo sẽ tiếp tục được cải thiện, nhờ tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài được cải thiện do nền kinh tế tăng trưởng và luồng vốn đổ vào tăng. Dự trữ ngoại hối dự báo sẽ tăng nhẹ, về mức an toàn hơn.
 
Tuy nhiên, báo cáo nhìn nhận, với kỳ vọng về việc tiền đồng mất giá, cho thấy rằng kỳ vọng lạm phát cũng không hoàn toàn chắc chắn.

“Chính phủ đang đưa ra các quy định cho phép kiểm soát giá cả đối với một số mặt hàng của các doanh nghiệp tư nhân bán ra. Những biện pháp kiểm soát này nếu được thực hiện có thể hạn chế việc tăng giá trong ngắn hạn ở một chừng mực nào đó, song đi kèm với rủi ro là làm ảnh hưởng xấu đến tinh thần của doanh nghiệp”, ADB bình luận.

Về tác động của chính sách điều tiết, theo ADB, những rủi ro trong nước đối với triển vọng kinh tế trong giai đoạn dự báo chủ yếu tập trung vào khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc tài khóa (hoặc cả hai) một cách vội vàng, hoặc việc thị trường tài chính và các nhà đầu tư trong nước cho rằng chính sách đã nới lỏng.

Việc nới lỏng quá sớm hoặc cho rằng chính sách đã được nới lỏng có thể làm chệch hướng những nỗ lực bình ổn kinh tế vĩ mô, làm cho lạm phát leo thang trở lại và gây áp lực đối với các cán cân đối ngoại. Trong khi, những biến chuyển này có thể làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, làm cho dự trữ ngoại hối vốn đã thấp lại càng eo hẹp hơn.

“Kinh tế vĩ mô khi mất ổn định sẽ đòi hỏi các chính sách thắt chặt mạnh hơn, và ảnh hưởng xấu đến triển vọng tăng trưởng năm sau”, báo cáo phân tích.

Điều quan trọng nhất là các cơ quan chức năng phải duy trì lập trường chính sách vững chắc và nhất quán, và thông tin về lập trường chính sách của mình một cách hiệu quả nhất tới cho thị trường, cho đến khi lạm phát giảm rõ rệt và dự trữ ngoại hối tăng trở lại, ADB khuyến nghị.