10:44 19/03/2007

An toàn lao động công nghiệp: Báo động!

Nguyễn Mạnh

Theo thống kê, trong năm 2006 tại Việt Nam có tới 5.881 vụ tai nạn lao động, với 6.088 người bị nạn

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn là sự lơ là, thậm chí coi thường coi thường tính mạng của người lao động.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn là sự lơ là, thậm chí coi thường coi thường tính mạng của người lao động.
Theo thống kê, trong năm 2006 tại Việt Nam có tới 5.881 vụ tai nạn lao động, với 6.088 người bị nạn.

Trong đó, theo số liệu của Bộ Công nghiệp và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số bị chết là 536 người, bị thương nặng 1.142 người.

Điều đáng lưu ý, nguyên nhân của hiểm họa này chủ yếu bắt nguồn từ ý thức chấp hành chưa nghiêm quy tắc an toàn lao động của người lao động và chủ sử dụng lao động. 

Các vụ tai nạn lao động nói trên chủ yếu xảy ra từ các ngành nghề và tổng công ty lớn. Báo cáo cho thấy, năm 2006, số vụ tai nạn của Tập đoàn Than và Khoáng sản chiếm 12,7% tổng số vụ và 16,98% tổng số người chết còn Tổng công ty Vinaconex chiếm 2,05% tổng số vụ và 1,89% tổng số người chết.

Tương tự như vậy, con số này ở Tổng công ty Sông Đà là 1,64% và 1,51%, ở Tổng công ty Điện lực Việt Nam là 1,64% và 1,51%, ở Tổng công ty Hàng hải là 1,64% và 1,51%, ở Tổng công ty xây dựng Thăng Long là 1,23% và 1,13%.

Theo ông Bùi Hồng Lĩnh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, những lĩnh vực sản xuất thường xảy ra nhiều tai nạn lao động như là xây lắp công trình dân dụng, công nghiệp và công trình giao thông chiếm 34,43% tổng số vụ và 32,45% tổng số người chết, khai thác than chiếm 12,7% tổng số vụ và 16,98% tổng số người chết, sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 9,02% tổng số vụ và 8,3% tổng số người chết, cơ khí chế tạo chiếm 7,8% tổng số vụ và 7,17% tổng số người chết.

Trong đó, các doanh nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp chiếm tới 16,8% tổng số vụ và 20,75 tổng số người chết, con số này ở Bộ Xây dựng là 11,07% và 10,19%.

Hà Nội là trung tâm công nghiệp, mà ở đó người lao động và chủ sử dụng lao động thường xuyên được cập nhật những quy tắc an toàn và phương pháp quản trị lao động tiên tiến nhưng số vụ tai nạn lao động cũng không ít: 152 vụ (chiếm 2,53%), 158 người bị nạn, trong đó 16 người chết, 50 người bị thương nặng.

Có thể thấy, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng tai nạn lao động gia tăng là do công tác quản lý và chỉ đạo chưa kịp thời. Rất nhiều ngành công nghiệp còn thiếu các quy định quản lý an toàn lao động và chưa hoàn thiện các tiêu chí nhằm đánh giá, xác định điều kiện, trình độ, năng lực, nhu cầu kỹ thuật an toàn trong môi trường lao động cụ thể.

Một nguyên nhân khác rất quan trọng, đó là sự lơ là, thậm chí coi thường tính mạng chính mình của người lao động. Theo thống kê, người bị nạn vi phạm quy trình, quy phạm an toàn lao động chiếm 15,57% tổng số vụ và 16,23% tổng số người chết.

Ông Đỗ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Kiểm tra an toàn công nghiệp (Bộ Công nghiệp) nói: "Rất nhiều vụ tai nạn lao động đều có nguyên nhân từ người lao động vi phạm các quy định của quy phạm, quy trình kiểm tra an toàn. Họ chưa thực sự có ý thức tự giác thực hiện nội quy kỷ luật sản xuất và vẫn xem nhẹ sự an toàn của chính mình".

Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất làm gia tăng tai nạn lao động chết người lại xuất phát từ ý thức coi thường tính mạng người lao động của người sử dụng lao động, đặc biệt là trong các lĩnh vực khai thác mỏ, xây lắp điện và xây dựng.

Ví dụ: người sử dụng lao động vi phạm tiêu chuẩn, quy phạm, kỹ thuật an toàn chiếm 17,62% tổng số vụ và 16,23% tổng số người chết, thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 13,11% tổng số vụ và 12,45% tổng số người chết v.v...

Vụ tai nạn lao động do cháy, nổ khí mê tan trong lò khai thác than ngày 06/3/2006 tại Công ty than Thống Nhất thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam làm chết 8 người mới đây là do công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các quy trình về an toàn lao động chưa sâu sát, cán bộ chỉ huy sản xuất thiếu kiên quyết.

Trước tình hình tai nạn lao động chưa có biểu hiện giảm, Ban Chỉ đạo an toàn công nghiệp (Bộ Công nghiệp) và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề ra 5 biện pháp cấp bách.

Một là, cần tăng cường thanh tra việc thực hiện các quy định Nhà nước và an toàn, vệ sinh lao động ở tất cả các thành phần kinh tế và các lĩnh vực sản xuất có tỷ lệ tai nạn lao động.

Hai là, các bộ ngành và chủ sử dụng lao động phải tăng cường tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho người sử dụng lao động theo quy định tại Thông tư số 37/2005/TT - BLĐTBXH ngày 29/12/2005.

Ba là, người sử dụng lao động phải thường xuyên đôn đốc kiểm tra tình trạng an toàn của máy móc, tình hình chấp hành quy tắc an toàn của người lao động.

Bốn là, nghiêm túc thực hiện việc thống kê tình hình tai nạn lao động trong các đơn vị của mình, đồng thời, áp dụng các chế tài xử lý nghiêm khắc với những doanh nghiệp không thực hiện chế độ thông tin báo cáo đầy đủ.

Năm là, người lao động cần tự mình trang bị những kiến thức cần thiết trong lao động công nghiệp và kiên quyết từ chối làm việc khi môi trường lao động không an toàn.