10:40 09/04/2007

An toàn vệ sinh lao động: “Doanh nghiệp có lợi nếu thực hiện đúng tiêu chuẩn”

Hà Lê

Nội dung cuộc phỏng vấn bà Đoàn Minh Hòa, Cục trưởng Cục An toàn lao động về Hiệp định Hàng rào kỹ thuật thương mại

"Khi các doanh nghiệp thực hiện các quy định này thật tốt, họ cũng sẽ thỏa mãn được các ISO quốc tế."
"Khi các doanh nghiệp thực hiện các quy định này thật tốt, họ cũng sẽ thỏa mãn được các ISO quốc tế."
Gia nhập WTO, Việt Nam phải chấp nhận 16 hiệp định chính, trong đó có Hiệp định Hàng rào kỹ thuật thương mại.

Hiệp định này có liên quan tới các tiêu chuẩn về kỹ thuật đối với hàng hóa và các thủ tục để kiểm tra, đánh giá các tiêu chuẩn đó, bao gồm tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh lao động.

Sau đây là nội dung cuộc trao đổi của chúng tôi với bà Đoàn Minh Hòa, Cục trưởng Cục An toàn lao động thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thực hiện hiệp định này.

Thưa bà, cho đến thời điểm này, đã có bao nhiêu tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh lao động của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế?

Với sự rà soát và đánh giá cho thấy, tiêu chuẩn Việt Nam có liên quan đến an toàn vệ sinh lao động là 122 tiêu chuẩn. Trong đó, xét bước đầu, có 38 tiêu chuẩn đã tương ứng với các tiêu chuẩn quốc tế (ISO quốc tế). Nhưng hiện nay các tiêu chuẩn này cũng đã khá cũ, chỉ 25-26 tiêu chuẩn còn phù hợp.

Vậy để cho tiêu chuẩn phù hợp và thích ứng theo luật chơi quốc tế, với chức năng quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh lao động, Cục An toàn lao động đã tham gia điều chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật thế nào khi mà hiện nay còn rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không thực hiện được?

Trong năm vừa qua, Cục An toàn lao động đã tiến hành rà soát các nội dung, quy định của văn bản pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (an toàn vệ sinh lao động) khi thực hiện Hiệp định Hàng rào kỹ thuật thương mại cũng như các tiêu chuẩn và quy chuẩn.

Theo thống kê, hiện có đến 211 loại văn bản có liên quan đến các quy trình kiểm định, quy phạm an toàn và mới đây có liên quan đến cả quy định về kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, trong đó, có 11 văn bản gồm bộ luật, nghị định, thông tư, chỉ thị, quyết định và 100 tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh lao động.

Để rà soát được các văn bản này, trước tiên, chúng tôi nghe tiếng nói của các doanh nghiệp thông qua cuộc điều tra ở 395 doanh nghiệp, với sự tham gia của thanh tra các địa phương.

Hiện nay, các quy định về đăng ký, kiểm định đối với loại máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động được thực hiện khá tốt ở các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp liên doanh và khu vực FDI.

Nhưng còn rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân, họ cũng sử dụng rất nhiều loại máy này trong quá trình sản xuất, nhưng không thực hiện theo quy định của luật pháp.

Để bổ sung hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang quản lý 22 loại hàng hóa có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động.

Theo đó, các quy định tiêu chuẩn, thủ tục liên quan đến các loại hàng hóa này phải được tiến hành theo quy định của Hiệp định Hàng rào kỹ thuật thương mại.

Ngay trong quý 1, chúng tôi đã bổ sung quy định về kiểm tra chất lượng sản phẩm đối với số hàng hóa quản lý, còn trước đó mới được quy định về kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên cho đến thời điểm này, mới chỉ làm được 1/5 khối lượng công việc, tức cần tiếp tục rà soát rất kỹ để các tiêu chuẩn không chỉ phù hợp với quốc tế mà phải phù hợp ngay trong khu vực.

Thưa bà, liệu những tiêu chuẩn kỹ thuật mới này có làm “khó” cho doanh nghiệp?

Tôi nghĩ rằng đây là điều rất tốt cho doanh nghiệp để đảm bảo an toàn cho người lao động.

Hiện nay, các doanh nghiệp đều đang cố gắng làm thủ tục đăng ký các loại hàng hóa, quy trình kiểm định các loại máy trước khi đưa vào sử dụng cũng như các quy định kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa...

Như vậy có thể khẳng định vai trò Hiệp định Hàng rào kỹ thuật thương mại đối với an toàn và sức khỏe của người lao động, thưa bà?

Hiệp định Hàng rào cản kỹ thuật thương mại sẽ giúp chúng ta hội nhập tốt và giúp cho doanh nghiệp nhận thấy vai trò trách nhiệm của mình, nghĩa là các doanh nghiệp tự giác chấp nhận các quy định đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động chứ không khiên cưỡng, buộc phải theo nó trong “sân chơi WTO”.

Khi các doanh nghiệp thực hiện các quy định này thật tốt, họ cũng sẽ thỏa mãn được các ISO quốc tế.

Điều rất thuận lợi là từ cuối năm 2005, chúng ta có chương trình hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, trọng tâm là doanh nghiệp vừa và nhỏ tư nhân, do Chính phủ Đan Mạch tài trợ.

Thông qua chương trình này, chúng tôi không chỉ tuyên truyền, hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện cải thiện điều kiện lao động một cách cụ thể, mà qua đó còn tiến hành điều tra doanh nghiệp vừa và nhỏ theo chương trình của hiệp định này, để nghe tiếng nói của họ và tìm hiểu xem họ thực hiện các quy định đăng ký, kiểm định này như thế nào.

Rất nhiều doanh nghiệp có nguyện vọng được tiếp cận sâu hơn với các quy định về an toàn vệ sinh lao động.

Việc thu hút được các doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề này là rất thuận lợi bởi qua đó doanh nghiệp sẽ được nâng cao nhận thức về hàng rào thương mại cũng như thực hiện tốt pháp luật lao động để tăng năng suất, đảm bảo sức khỏe cho người lao động.