14:11 26/08/2022

Ăn uống hay sưởi ấm: Câu hỏi đau đầu của người châu Âu về mùa đông 2022

An Huy

Trong khi người dân ở châu Âu đứng trước lựa chọn ăn uống hay sưởi ấm, các chính phủ trong khu vực đối mặt lựa chọn không kém phần khó khăn giữa đảm bảo an ninh năng lượng và chống biến đổi khí hậu trong mùa đông này...

Một đường điện cao áp ở Warngau, Đức, tháng 9/2018 - Ảnh: Reuters.
Một đường điện cao áp ở Warngau, Đức, tháng 9/2018 - Ảnh: Reuters.

Châu Âu đang đối mặt với một bài kiểm tra xã hội lớn trước khi bước vào mùa đông, thể hiện qua việc các nước trong khu vực đối mặt cùng lúc với sự bất mãn gia tăng của người dân trước tình trạng giá năng lượng tăng chóng mặt và sức ép từ các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu, giữa lúc cuộc chiến tranh Nga-Ukraine tiếp diễn song song với cuộc chiến năng lượng giữa Moscow với Liên minh châu Âu (EU).

Ở Anh, tổ chức “Don’t Pay UK” đang kêu gọi người dân tẩy chay hoá đơn năng lượng từ ngày 1/10 và chiến dịch “Enough is Enough” do công đoàn hậu thuẫn đã khởi động một loạt cuộc tuần hành và hành động từ cuối tháng 8 nhằm kêu gọi tăng lương, áp trần giá thuê nhà, giá cả phải chăng cho năng lượng và lương thực-thực phẩm, và thuế đánh vào người giàu.

Một cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí ngày càng tồi tệ ở châu Âu đã dẫn tới các cuộc biểu tình của người lao động trong các lĩnh vực giao thông công cộng, y tế và hàng không ở Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ. Người biểu tình kêu gọi tăng lương để giúp họ ứng phó với tốc độ lạm phát bùng nổ.

Trong khi đó, EU đã cam kết đến cuối năm nay cắt giảm 2/3 nhập khẩu năng lượng hoá thạch từ Nga và giảm 15% nhu cầu tiêu thụ khí đốt. Trước khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, khu vực này đặt mục tiêu trở thành châu lục đầu tiên trên thế giới đạt carbon trung tính vào năm 2050.

Lượng nhập khẩu dầu thô và khí đốt từ Nga sụt giảm kể từ khi chiến tranh nổ ra đã khiến các nước châu Âu phải triển khai một loạt biện pháp để lấp đầy chỗ trống, bao gồm tiết kiệm năng lượng, tăng cường hoạt động của các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, và thúc đẩy các dự án năng lượng tái sinh.

KHỦNG HOẢNG SINH HOẠT PHÍ CHƯA TỪNG CÓ TIỀN LỆ

Một số chuyên gia kinh tế nói rằng nhu cầu trước mắt phải đảm bảo đủ điện và nhiệt sưởi sẽ ảnh hưởng bất lợi đến các mục tiêu trung và dài hạn của châu Âu về tăng cường sử dụng năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu, nhất là khi khu vực này bước vào những tháng mùa đông lạnh giá sắp tới.

“Chẳng ai muốn bị cúp điện cả”, chuyên gia cấp cao Simone Tagliapietra của viện nghiên cứu kinh tế Bruegel ở Brussels phát biểu, nói thêm rằng tất cả các lựa chọn đều phải được xem xét nhằm tránh kịch bản đó, bao gồm cả những biện pháp gây ô nhiễm.

Tuy nhiên, các nhà vận động về khí hậu muốn các chính phủ ở châu Âu quay lưng hoàn toàn với năng lượng hoá thạch, đầu tư nhiều hơn vào các biện pháp cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, và tăng tỷ trọng năng lượng tái sinh trong tổng tiêu thụ năng lượng.

 

“Cho tới khi mọi người cảm thấy nhu cầu năng lượng của họ được lắng nghe, tôi không cho là có lý do để họ dừng biểu tình”.

Giáo sư Naomi Hossain, Đại học Mỹ ở Washington DC

Nhưng dù châu Âu chọn con đường nào, mùa đông sắp tới nhiều khả năng sẽ tràn ngập bất bổn xã hội - theo giáo sư chính trị phát triển Naomi Hossain thuộc Đại học Mỹ ở Washington DC, một người chuyên nghiên cứu về các cuộc biểu tình và bạo loạn vì lý do liên quan đến năng lượng và lương thực. Trao đổi với hãng tin Reuters, bà Hossain cho biết theo một ước tính thận trọng, từ tháng 11 năm ngoái đến nay, đã có 10.000 cuộc biểu tình như vậy xảy ra trên khắp thế giới.

“Nếu tôi là một chính trị gia, tôi sẽ thực sự lo ngại”, vị giáo sư nói.

Đối mặt với nguy cơ phải cúp điện liên miên, các nước EU đã đưa ra một loạt biện pháp để vừa tiết kiệm năng lượng, vừa hạn chế hoá đơn năng lượng trong bối cảnh lạm phát ở khu vực Eurozone đã lên tới mức kỷ lục 8,9%. Trong con số lạm phát này, 4 điểm phần trăm là do năng lượng ngày càng đắt đỏ.

Người dân Tây Ban Nha đã cảm nhận rõ thời tiết nóng bức trong mùa hè năm nay, sau khi Chính phủ nước này giới hạn nhiệt độ điều hoà không khí ở mức không thấp hơn 27 độ C tại các toà nhà công cộng, khách sạn, nhà hàng và trung tâm mua sắm.

Trong khi đó, Pháp đang tập trung vào “sự điều độ năng lượng” bằng các biện pháp dự kiến sẽ triển khai từ cuối mùa hè này, bao gồm tắt đèn của các biển hiệu quảng cáo ngoài trời vào ban đêm và phạt những cửa hiệu để cửa mở trong lúc đang sưởi ấm hoặc làm mát.

Đức - nước châu Âu có mức độ phụ thuộc lớn nhất vào năng lượng hoá thạch của Nga - đã đưa ra mức trần nhiệt độ sưởi ấm là 19 độ C trong mùa đông năm nay đối với các toà nhà công cộng và bể bơi công cộng. Một số thành phố như Augsburg đang tính tắt bớt đèn giao thông.

Những nỗ lực như vậy là một phần trong cố gắng lớn của châu Âu nhằm cắt giảm nhu cầu tiêu thụ khí đốt để làm đầy dự trữ khí đốt trước khi mùa đông bắt đầu. Các nước trong khu vực đang lo sợ rằng Nga có thể cắt hoàn toàn cung cấp khí đốt trong mùa đông năm nay để trả đũa các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga liên quan đến chiến tranh Nga-Ukraine.

Nhưng tiết kiệm năng lượng chưa thể giúp giải toả áp lực từ hoá đơn năng lượng ngày càng đắt đỏ. Và hàng loạt cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch từ Madrid tới London trong mùa thu này để phản đối cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

RỦI RO CỦA CÁC CHÍNH PHỦ CHÂU ÂU

Khi người dân bắt đầu đồng loạt phản đối vì mất khả năng trang trải các nhu cầu cơ bản, và buộc phải lựa chọn giữa ăn uống hay sưởi ấm, các chính phủ có thể trở nên lung lay - bà Hossain nói. “Một cuộc biểu tình về năng lượng thường biến thành một cuộc biểu tình chính trị, giống như đã xảy ra ở Sri Lanka” - nơi làn sóng biểu tình phản đối khủng hoảng kinh tế đã khiến Tổng thống của nước này bị lật đổ hồi tháng 7, bà Hossain nhấn mạnh.

Những bất ổn như vậy cũng có thể dẫn tới việc các đảng cực hữu hoặc cực tả “nắm bắt năng lượng chính trị từ sự bất mãn của người dân”, trong lúc các chính trị gia theo trường phái trung dung tập trung vào việc kiểm soát giá cả hoặc cải thiện các dịch vụ công, theo vị giáo sư.

Nhà hoạt động Cassie Sutherland của C40 Cities - một mạng lưới gồm các thành phố lớn với mục tích hành động nhanh trong việc chống biến đổi khí hậu - cho rằng cần phải có các biện pháp sao cho vừa giảm bớt ảnh hưởng của lạm phát năng lượng, vừa cắt giảm ô nhiễm đủ nhanh để hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, mục tiêu thấp nhất được các chính phủ đưa ra trong thoả thuận Paris 2015.

 

Chủ nghĩa thực dụng đang thúc đẩy các quyết định về đưa các nhà máy điện gây ô nhiễm hoạt động trở lại.

Chuyên gia Simone Tagliapietra, viện nghiên cứu kinh tế Bruegel

Bà Sutherland kêu gọi tập trung chính sách vào “3 chữ R” gồm “relief, retrofit, và renewables” (trợ giúp, trang bị thêm, và tái sinh), được hiểu là: hỗ trợ tài chính cho người nghèo; nâng cấp các toà nhà để tiết kiệm năng lượng, bắt đầu từ các khu nhà ở xã hội; và tăng cường đầu tư vào năng lượng gió, mặt trời và các dạng năng lượng tái sinh khác. C40 Cities hiện đang hối thúc Uỷ ban châu Âu (EC) cam kết nâng cấp khả năng tiết kiệm năng lượng cho 6 triệu căn nhà trong năm tới, theo đó đẩy mạnh tốc độ nâng cấp nhà từ 1% lên 3%.

Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng châu Âu BEUC nhất trí rằng các quốc gia nên triển khai các kế hoạch nâng cấp quy mô lớn để bảo vệ các hộ gia đình khỏi sự biến động giá năng lượng.

“Năng lượng rẻ nhất là năng lượng mà chúng ta không tiêu thụ”, Tổng giám đốc BEUC Monique Goyens phát biểu. “Xét tới những biến động gần đây, chúng ta không được phép chờ đợi thêm nữa”.

Đối mặt với nỗi lo mất an ninh năng lượng ngày càng lớn, Đức, Italy, Áo và Hà Lan đều đã phát tín hiệu sẽ cho phép các nhà máy điện than đã đóng cửa được mở cửa trở lại và những nhà máy chưa đóng cửa sẽ được kéo dài hoạt động hơn dự kiến.

Chủ nghĩa thực dụng đang thúc đẩy các quyết định về đưa các nhà máy điện gây ô nhiễm hoạt động trở lại - ông Tagliapietra nhận định, và nói thêm rằng nếu không có các biện pháp như vậy để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng, hệ quả về mặt kinh tế và xã hội sẽ rất tồi tệ.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường lập luận rằng việc dựa quá nhiều vào năng lượng hoá thạch để phát điện và sưởi ấm, ngay cả trong ngắn hạn, sẽ làm căng thẳng thêm giá năng lượng và phá hỏng nỗ lực giảm ô nhiễm không khí. “Việc này sẽ dẫn tới vấn đề giá cả biến động kéo dài”, bà Sutherland nhận định, nhấn mạnh rằng ảnh hưởng nặng nề nhất của giá năng lượng cao đang rơi vào những hộ gia đình dễ tổn thương. Ngoài ra, theo bà Sutherland, việc tiếp tục gắn bó với năng lượng hoá thạch sẽ làm gia tăng mức độ ô nhiễm, đặt các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu vào thế rủi ro.

Một bản báo cáo mới từ Nhóm Tư vấn khủng hoảng năng lượng (CCAG), một uỷ ban gồm 16 chuyên gia quốc tế về khí hậu, kêu gọi các chính phủ nhân cuộc khủng hoảng năng lượng này cắt giảm khí thải nhà kính “một cách sâu sắc và nhanh chóng” đồng thời đẩy nhanh cuộc dịch chuyển sang các nguồn năng lượng tái sinh.

“Nếu chúng ta đi theo hướng đó, chúng ta sẽ tạo ra môt tương lai an toàn hơn”, Chủ tịch David King của CCAG phát biểu. Tuy nhiên, ông King thừa nhận rằng các dự án điện mặt trời và điện gió đòi hỏi thời gian nhiều năm để đi vào hoạt động và sẽ không kịp để giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng trong mùa đông này.

Trong khi đó, cảm giác “đau ví” của cử tri là “điềm báo” không lành cho các chính phủ ở châu Âu - theo bà Hossain, người hối thúc các chính phủ trong khu vực lắng nghe những gì đang xảy ra trên đường phố và tìm biện pháp để giải toả sự căng thẳng đó. “Cho tới khi mọi người cảm thấy nhu cầu năng lượng của họ được lắng nghe, tôi không cho là có lý do để họ dừng biểu tình”, bà Hossain nhận định.