15:47 17/11/2022

Anh chặn đứng thương vụ Trung Quốc thâu tóm hãng chip

Trang Linh

Thương vụ trị giá 75 triệu USD được thực hiện bởi một công ty có trụ sở tại Hà Lan nhưng nhưng thuộc sở hữu một phần của chính phủ Trung Quốc...

Đầu năm nay, Anh mở cuộc điều tra về an ninh quốc gia đối với thương vụ thâu tóm của Nexperia - Ảnh: Getty Images
Đầu năm nay, Anh mở cuộc điều tra về an ninh quốc gia đối với thương vụ thâu tóm của Nexperia - Ảnh: Getty Images

Chính phủ Anh vừa chặn thương vụ thâu tóm Newport Wafer Fab - nhà sản xuất chip lớn nhất nước này - của một công ty thuộc sở hữu Trung Quốc do lo ngại về an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Chiến lược Kinh doanh, Năng lượng và Công nghiệp Anh, ông Grant Shapps, ngày 16/11 đã yêu cầu hãng chip Nexperia bán lại số cổ phần tại Newport Wafer Fab mà công ty này đã thâu tóm với giá 63 triệu Bảng Anh (75 triệu USD) trước đó.

Nexperia đặt trụ sở tại Hà Lan nhưng thuộc sở hữu của Wingtech - công ty thuộc sở hữu một phần của một công ty nhà nước Trung Quốc và đang niêm yết ở Thượng Hải. Nexperia đã hoàn tất thương vụ mua lại đa số cổ phần tại Newport Wafer Fab vào năm 2021 và sau đó đổi tên Newport Wafer Fab thành Nexperia Newport Limited (NNL).

“Yêu cầu này buộc Nexperia bán ít nhất 86% cổ phần tại NNL trong khoảng thời gian nhất định và tuân thủ một quy trình cụ thể”, Bộ Chiến lược Kinh doanh, Năng lượng và Công nghiệp Anh cho biết trong một tuyên bố.

Nexperia ban đầu nắm giữ 14% cổ phần Newport Wafer Fab, nhưng đã nâng tỷ lệ cổ phần lên 100% vào tháng 7/2021.

“Chúng tôi hoan nghênh hoạt động đầu tư và thương mại của các doanh nghiệp nước ngoài giúp mang lại việc làm và tăng trưởng cho nước Anh”, ông Shapps đăng tải trên Twitter ngày 16/11. “Nhưng nếu phát hiện rủi ro với an ninh quốc gia, chúng tôi sẽ hành động dứt khoát”.

Trong khi đó, về phía Nexperia, ông Toni Versluijs - giám đốc quốc gia của công ty tại Anh - nói rằng đây là một quyết định sai lầm và công ty sẽ kháng cáo để phản đối.

“Chúng tôi thực sự bị sốc”, ông Versluijs nói trong một thông cáo ngày 16/11. “Đây là một quyết định sai lầm, chúng tôi sẽ kháng cáo để đảo ngược yêu cầu bắt chúng tôi phải thoái vốn này, để bảo vệ hơn 500 việc làm tại Newport”.

Trước đó, các quan chức Chính phủ và giới làm luật tại Anh bày tỏ quan ngại rằng nước này đang bán một tài sản quý giá cho một công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc giữa lúc tình trạng thiếu chất bán dẫn toàn cầu vẫn đang diễn ra và được dự báo sẽ kéo dài tới năm 2024.

Đầu năm nay, Anh mở cuộc điều tra về an ninh quốc gia đối với thương vụ thâu tóm của Nexperia. Đây là cuộc điều tra bình thường đối với các thương vụ thâu tóm của nước ngoài trong những lĩnh vực nhạy cảm.

Chính phủ Anh ngày 16/11 nói rằng địa điểm đặt nhà máy Newport, thuộc khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp bán dẫn tại Wales, là một trong những nguyên nhân khiến thương vụ này được cho là một mối đe dọa với an ninh quốc gia.

Dù không phải là một công ty quy mô đặc biệt lớn, Newport Wafer Fab hiện vận hành cơ sở sản xuất chip lớn nhất tại Anh, xuất xưởng khoảng 32.000 tấm wafer silicon mỗi tháng.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đang tìm cách giành thế chủ động trong các ngành công nghiệp có tầm quan trọng chiến lược như chất bán dẫn. Những gián đoạn trong chuỗi cung ứng thời gian qua cho thấy thế giới đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc - nơi đóng vai trò là một trung tâm sản xuất toàn cầu.

Theo các nhà phân tích, động thái trên có thể làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Anh và Trung Quốc. Trước đó, quan hệ giữa hai nước này đã xấu đi sau các động thái của London như cấm thiết bị 5G của tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc), cấp cho người Hồng Kông thị thực đặc biệt để vào Anh…

Trước đó, Anh cũng mở cuộc điều tra thương vụ thâu tóm công ty thiết kế chip Arm (Anh) của công ty Mỹ Nvidia vì lo ngại an ninh quốc gia. Tháng 2 năm nay, Nvidia đã từ bỏ thương vụ này.