10:02 07/11/2022

Ảnh hưởng từ động thái tăng lãi suất của Fed đến kinh tế Mỹ và thế giới

An Huy

Thiếu vắng một tín hiệu mềm mỏng từ Fed, khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái gần như đã chắc chắn. Không chỉ vậy, sự cứng rắn của Fed còn có thể kéo kinh tế toàn cầu suy thoái theo và thị trường tài chính cũng khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực...

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Reuters.

Động thái tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ tư liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 2/11 là sự tiếp tục của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt nhất của Ngân hàng Trung ương này kể từ đầu thập niên 1980. Điều khiến giới chuyên gia lo ngại hơn là tín hiệu từ Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng chưa đến lúc giảm tốc độ của chiến dịch chống lạm phát và đỉnh của lãi suất sẽ phải cao hơn.

Thiếu vắng một tín hiệu mềm mỏng từ Fed, khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái gần như đã chắc chắn. Không chỉ vậy, sự cứng rắn của Fed còn có thể kéo kinh tế toàn cầu suy thoái theo và thị trường tài chính cũng khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực.

CÁNH CỬA “HẠ CÁNH MỀM” CỦA KINH TẾ MỸ THÊM HẸP

Chu kỳ thắt chặt này của Fed bắt đầu từ tháng 3 năm nay. Sau hai đợt nâng “rón rén” đầu tiên với bước nhảy 0,25 và 0,75 điểm phần trăm, Fed đã mạnh dạn áp dụng bước nhảy 0,75 điểm phần trăm lần đầu tiên kể từ năm 1994 và trong 4 cuộc họp liên tiếp kể từ tháng 6 tới nay. Như vậy, chỉ trong vòng 8 tháng, lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate) đã tăng thêm 3,75 điểm phần trăm, lên mức 3,75-4%, cao nhất kể từ tháng 1/2008.

Fed nói “sẽ tính đến mức độ thắt chặt đã đạt được trong chính sách tiền tệ, độ trễ của hiệu ứng chính sách tiền tệ đối với hoạt động kinh tế và lạm phát, cùng các diễn biến kinh tế và tài chính” khi quyết định các đợt nâng lãi suất trong tương lai. Tuy nhiên, Chủ tịch Powell đã “dội gáo nước lạnh” vào kỳ vọng của thị trường về một sự giảm tốc của lãi suất. Về cơ bản, ông Powell bác bỏ ý tưởng rằng Fed có thể sớm dừng tăng lãi suất, dù ông có nói Fed có thể bàn chuyện tăng lãi suất chậm lại trong 1-2 cuộc họp tới. Ông cũng tái khẳng định quan điểm rằng việc chống lạm phát đòi hỏi quyết tâm và kiên nhẫn, và đỉnh của lãi suất - mức mà ở đó Fed dừng tăng - sẽ phải cao hơn.

“Chúng tôi vẫn còn những chặng đường phải đi và các dữ liệu kinh tế được đưa ra kể từ sau lần họp trước cho thấy mức đỉnh của lãi suất trong chu kỳ thắt chặt này sẽ phải cao hơn nhiều so với dự tính trước đây”, ông Powell phát biểu. Nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới nói thêm rằng “còn quá sớm” để nói về việc dừng tăng lãi suất.

“Tôi muốn mọi người thấu hiểu cam kết của chúng tôi đối với việc hoàn thành nhiệm vụ này và không phạm sai lầm hành động không đủ, hay sai lầm là rút lại chính sách thắt chặt quá sớm.  Chúng tôi vẫn phải đi tiếp”, ông Powell phát biểu.

Nhận định về những phát biểu trên của ông Powell, các chuyên gia kinh tế của Bloomberg Intelligence nói: “Ông Powell đã gửi đi một thông điệp rõ ràng đến thị trường: không cần kỳ vọng chúng tôi lần nào cũng tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, nhưng chúng tôi cũng không vì thế mà chuyển sang mềm mỏng hơn đâu”.

Ảnh hưởng từ động thái tăng lãi suất của Fed đến kinh tế Mỹ và thế giới - Ảnh 1

Trước khi diễn ra cuộc họp ngày 1-2/11 của Fed, một nhóm thượng nghị sỹ thuộc Đảng Dân chủ của Mỹ đã gửi một lá thư tới ông Powell, bày tỏ lo ngại về kế hoạch tiếp tục tăng lãi suất mạnh tay của Fed. Nhóm nghị sỹ bao gồm bà Elizabeth Warren và ông Bernie Sanders đã dẫn bình luận của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Fed đang “quá tay” trong việc chống lạm phát, rằng tốc độ tăng lãi suất như vậy là “đáng báo động”. 

Một số chuyên gia bày tỏ sự “thông cảm” với ông Powell khi ông phải đưa ra một quan điểm cứng rắn như vậy. “Có sức ép từ nhiều phía đòi hỏi ông Powell phải tạm dừng việc tăng lãi suất và chờ độ trễ của các đợt tăng đã có. Nhưng tôi không cho là sẽ có một lựa chọn khác ngoài việc chấp nhận một cuộc suy thoái kinh tế. Chẳng còn cách nào khác để chống lại tình trạng lạm phát cao này mà không phải hứng chịu những cơn đau”, chuyên gia kinh tế Veronique de Rugy thuộc Đại học George Mason phát biểu.

Bản thân ông Powell cũng thừa nhận rằng cơ hội “hạ cánh mềm” - nền kinh tế chỉ giảm tốc ở mức vừa đủ để kéo lạm phát xuống, thay vì rơi vào suy thoái - của kinh tế Mỹ đã giảm đi nhiều, bởi sau những đợt tăng lãi suất liên tiếp vừa qua, lạm phát cao “cứng đầu” trong nền kinh tế dường như vẫn chưa hề lùi bước trước lãi suất lên cao. “Cơ hội hạ cánh mềm đã thu hẹp lại ư? Đúng là như vậy”, ông Powell nói.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 45 phát hành ngày 07-11-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Ảnh hưởng từ động thái tăng lãi suất của Fed đến kinh tế Mỹ và thế giới - Ảnh 2