16:37 04/08/2021

Áp dụng quy định mới về phụ cấp thâm niên cho nhà giáo 

Thanh Xuân

Điểm mới trong Nghị định 77/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2021 là quy định rõ đối tượng, thời gian được hưởng phụ cấp thâm niên, cách tính mức phụ cấp thâm niên...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 77/2021/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Theo đó, Nghị định áp dụng với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về tiền lương đối với các bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Cụ thể:

Nhà giáo bao gồm viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (mang mã số có các ký tự đầu là V.07) và viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp (mang mã số có các ký tự đầu là V.09) thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động.

Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thí nghiệm tại các tàu huấn luyện, xưởng trường, trạm, trại, trung tâm thực hành, phòng thí nghiệm, phòng bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học công lập.

Những nhà giáo không thuộc 2 nhóm đối tượng trên mà giữ mã số có các ký tự đầu là V.07 và V.09 thì không được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng các thời gian sau:

Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập.

Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập).

Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên, gồm: thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, dự trữ quốc gia, kiểm tra đảng; thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an, cơ yếu và thời gian làm việc được tính hưởng thâm niên ở ngành, nghề khác (nếu có).

Thời gian đi nghĩa vụ quân sự theo luật định mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự đang được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề.

Nghị định 77/2021/NĐ-CP cũng quy định cụ thể mức phụ cấp thâm niên. Theo đó, nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ 6 trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.

Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Cách tính phụ cấp thâm niên hàng tháng cũng được quy định rõ trong nghị định.

Cụ thể, mức tiền phụ cấp thâm niên = (hệ số lương theo chức danh nghề nghiệp của viên chức + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có hiện hưởng) x mức lương cơ sở do Chính phủ quy định từng thời kỳ x mức (%) phụ cấp thâm niên được hưởng.

Các địa phương, cơ sở giáo dục công lập đã thực hiện chi trả chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo từ ngày 1/7/2020 đến nay, thì tiếp tục thực hiện theo Nghị định này.

Đối với nhà giáo đang giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập vẫn giữ ngạch viên chức ngành giáo dục, đào tạo (có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15) mà chưa được chuyển xếp sang chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (mã số V07), chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp (mã số V09) thì vẫn được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo theo quy định tại Nghị định này.