12:38 17/08/2022

Áp lực bán tăng, thị trường điều chỉnh trên cổ phiếu

Kim Phong

Đợt chốt lời xuất hiện trong khoảng 45 phút cuối phiên sáng đã ép VN-Index tụt về sát tham chiếu. Tuy chỉ số vẫn tăng 1,94 điểm tương đương 0,15% nhưng những đợt bán liên tiếp trong phiên như vậy xuất hiện liên tục và chưa có dấu hiệu kết thúc là tín hiệu cần lưu ý...

Các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất đang không đồng thuận, nên quán tính tăng của VN-Index ngày một chậm lại.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất đang không đồng thuận, nên quán tính tăng của VN-Index ngày một chậm lại.

Đợt chốt lời xuất hiện trong khoảng 45 phút cuối phiên sáng đã ép VN-Index tụt về sát tham chiếu. Tuy chỉ số vẫn tăng 1,94 điểm tương đương 0,15% nhưng những đợt bán liên tiếp trong phiên như vậy xuất hiện liên tục và chưa có dấu hiệu kết thúc là tín hiệu cần lưu ý.

Sáng nay VN-Index phải nhờ tới VIC để duy trì độ cao. Trụ này tăng 1,82% và đi ngược xu hướng tụt dần của chỉ số. VIC cộng cho VN-Index khoảng 1,2 điểm, nghĩa là nếu VIC không được đẩy dần lên chống lại xu hướng tụt giá ở các mã khác, VN-Index đã về sát tham chiếu.

VN30-Index kết phiên sáng tăng 0,39% với 17 mã tăng/11 mã giảm. Độ rộng này vẫn phản ánh rổ blue-chips khá tích cực. Tuy vậy diễn biến tụt giá ở nhóm này cũng khá rõ, chỉ là số giảm đủ nhiều để rơi xuống dưới tham chiếu vẫn chưa khiến độ rộng tiêu cực. Thực vậy, lúc mạnh nhất, toàn bộ 30 cổ phiếu trong rổ này đều tăng, nhưng đến cuối phiên 11 mã đã điều chỉnh đỏ.

Ngoài ra, hiện rổ VN30 cũng chỉ còn 3 cổ phiếu duy nhất giữ được giá cao nhất phiên sáng là PDR tăng 3,3%, TPB tăng 0,35% và VNM tăng 0,7%. Tất cả các mã còn lại đều bị ép giá xuống ở mức độ khác nhau. Ví dụ GAS từ chỗ tăng 1,23% hiện đã giảm 0,97%, tương đương tụt giá tới 2,22% so với đỉnh. SAB đang giảm 1,91% tương đương cũng sụp 2,22% từ đỉnh. HPG, GVR, BVH, PLX là các blue-chips tăng trước giảm sau và đều bốc hơi trên 1% so với giá đỉnh.

Độ rộng của VN-Index cũng cho thấy trạng thái điều chỉnh này khá rõ. Quá nửa thời gian phiên sáng số cổ phiếu tăng giá nhiều gấp đôi số giảm nhưng đến khoảng 11h20 thì độ rộng đã cân bằng. Cuối phiên VN-Index chỉ còn 197 mã tăng/213 mã giảm.

Dĩ nhiên với độ rộng như vậy và khoảng 76 cổ phiếu vẫn còn tăng trên tham chiếu tối thiểu 1%, giao dịch vẫn không xấu. Dù vậy điểm đáng chú ý là những đợt chốt lời đang xuất hiện và ép giá xuống liên tục xảy ra. Thị trường đang tăng nên việc nhà đầu tư giữ cổ phiếu lại để cho lãi chạy là điều bình thường, quyết định “xuống tàu” mới là bất thường và trên thị trường, những gì bất thường đáng quan tâm hơn, vì xu hướng như vậy có thể lan rộng ra rất nhanh nếu thị trường có thêm các tín hiệu bất lợi khác.

VN-Index.
VN-Index.

Trước khi thị trường thật sự thay đổi đáng chú ý, xu hướng chính vẫn đang là tăng và dòng tiền vẫn đang duy trì khá ổn định. Sáng nay giá trị khớp lệnh hai sàn đạt 9.509 tỷ đồng, tăng gần 11% so với sáng hôm qua và ở mức cao nhất 4 phiên. Rõ ràng vẫn đang có nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào mua, thu gom lượng cố phiếu ngắn hạn bị bán ra.

Tuy vậy lúc này thị trường không có dòng cổ phiếu dẫn dắt nổi trội, mà chỉ có cổ phiếu trụ nổi trội. Nhóm ngân hàng sáng nay chỉ vài mã ít quan trọng như PGB, MBB, HDB là tăng khá tốt trong khi cũng có nhiều trụ lớn giảm như BID, SHB hay không tăng như VCB, các mã này thực ra là bị xả ép giá lùi xuống như vậy. Nhóm dầu khí đang chiết khấu rủi ro giá dầu giảm, nhóm chứng khoán sau nhịp tăng nóng cũng rơi rụng lại khá nhiều. Sáng nay blue-chips chỉ có VCI, HCM là đáng kể, tăng 3,19% và 1,87%. Điểm số phụ thuộc nhiều vào các trụ đơn lẻ như VIC và cũng không có khả năng đồng thuận với nhiều blue-chips lớn khác. Do vậy VN-Index đang ngày càng giảm quán tính đi lên.

Khối ngoại sáng nay cũng xả khá nhiều với -134,8 tỷ đồng ròng trên HoSE, trong đó HPG bị bán ròng lớn nhất 62,7 tỷ đồng, VHM -29,1 tỷ, VND -27,9 tỷ, SSI -20 tỷ. Phía mua ròng có HDB +35,2 tỷ, PVD +20 tỷ, DXG +17,6 tỷ. Tổng giá trị bán đạt 494,7 tỷ, mua vào 359,9 tỷ đồng.