15:34 23/08/2010

Áp lực giảm điểm tiếp tục đeo bám chứng khoán châu Á

An Huy

Lại thêm một ngày mối lo về triển vọng u ám của kinh tế toàn cầu đè nặng tâm lý của các nhà đầu tư cổ phiếu trong khu vực

Các nhà xuất khẩu của Nhật Bản và Hàn Quốc cùng chứng kiến giá cổ phiếu trượt mạnh trong phiên này - Ảnh: Reuters/Daylife.
Các nhà xuất khẩu của Nhật Bản và Hàn Quốc cùng chứng kiến giá cổ phiếu trượt mạnh trong phiên này - Ảnh: Reuters/Daylife.
Số cổ phiếu mất giá vẫn chiếm ưu thế so với số cổ phiếu tăng giá trong phiên giao dịch hôm nay tại thị trường chứng khoán châu Á. Lại thêm một ngày mối lo về triển vọng u ám của kinh tế toàn cầu đè nặng tâm lý của các nhà đầu tư trong khu vực.

Lúc 15h19 theo giờ Tokyo, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương đứng ở mức 118,26 điểm, không có thay đổi đáng kể so với mức chốt của phiên liền trước. Tuy nhiên, tỷ lệ số cổ phiếu mất giá so với số cổ phiếu tăng giá tính tới thời điểm trên là 3:2.

Hôm nay, không có thông tin kinh tế vĩ mô gây chú ý lớn nào được thông báo ở khu vực châu Á. Tác động nhiều tới thị trường vẫn là dư âm của những thống kê bất lợi của kinh tế Mỹ hồi tuần trước, cùng với nguy cơ trì trệ của những nền kinh tế đầu tàu.

Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật đóng cửa với mức giảm 0,7%, Kospi của Hàn Quốc trượt 0,4%.

Hàn thử biểu S&P/ASX 200 của thị trường Australia giảm 0,04% khi chốt phiên, dù trước đó đã có thời điểm tăng 1,4% trong phiên giao dịch. Giới đầu tư ở Australia tỏ ra thất vọng khi cuộc bầu cử ở nước này lần đầu tiên trong 70 năm qua không chọn ra được một quốc hội đa số.

Cổ phiếu các công ty liên quan tới lĩnh vực tiêu dùng là nhóm cổ phiếu mất giá mạnh nhất tại châu Á phiên hôm nay, với mức giảm chung của nhóm là 0,6% tính tới thời điểm 15h19 theo giờ Tokyo.

Các nhà xuất khẩu của Nhật Bản và Hàn Quốc cùng chứng kiến giá cổ phiếu trượt mạnh trong phiên này. Cổ phiếu hãng máy ảnh Canon tại thị trường Tokyo mất 1,4%. Tại thị trường Seoul, cổ phiếu của nhà sản xuất ôtô Hyundai sụt 4,3%, cổ phiếu công ty sản xuất màn hình LG Display trượt 4%.

Đêm nay, theo lịch, thị trường Mỹ sẽ không có thông tin kinh tế nào được công bố. Tuy nhiên, giới đầu tư đang lo ngại, doanh số nhà chờ bán tháng 7 tại Mỹ công bố vào ngày mai sẽ cho thấy mức giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, nỗi lo về kinh tế thế giới còn gia tăng sau khi ông Axel Weber, một quan chức của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề xuất việc giúp đỡ các nhà băng trong khu vực vượt qua những khó khăn thanh khoản cuối năm bằng cách xách định thời điểm cho phép tiếp cận với các biện pháp cho vay khẩn cấp.

“Sự quan ngại của quan chức ECB sẽ khiến thị trường dành sự chú ý trở lại đối với những vấn đề kinh tế của châu Âu. Triển vọng phục hồi kinh tế bấp bênh khiến giới đầu tư không dám chấp nhận rủi ro”, ông Yoshinori Nagano, chiến lược gia cao cấp thuộc công ty Daiwa Asset Management có trụ sở ở Tokyo, phát biểu trên Bloomberg.

Chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Kông đóng cửa phiên này với mức giảm 0,6%, Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải giảm 0,1%. Trong số các chỉ số thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương được Bloomberg theo dõi, hai chỉ số VN-Index và HNX Index của Việt Nam giảm mạnh nhất trong phiên đầu tuần, với mức giảm tương ứng là 1,52% và 1,77%.