Áp lực lạm phát buộc Fed sớm thắt chặt chính sách tiền tệ?
Cho tới gần đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn nói rằng lạm phát cao ở nước này chỉ là vấn đề tạm thời. Nhưng các dữ liệu gần đây cho thấy có vẻ Fed đã lầm, và ngân hàng trung ương này có thể phải bắt đầu rút lại chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo thời đại dịch Covid-19 từ tháng 11/2021...
Biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ tháng 9 được Fed công bố ngày 13/10 cho thấy trong lần họp vừa rồi, các quan chức Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) – bộ phận đưa ra quyết sách trong Fed – lo ngại về tình trạng lạm phát kéo dài, theo đó dự kiến sẽ bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản từ tháng 11, tiến tới kết thúc chương trình này vào giữa năm sau.
So với những lần họp trước, các quan chức FOMC lần này thể hiện sự đồng thuận lớn hơn trong chủ trương cắt giảm chương trình mua 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng. Điều này không gây bất ngờ lớn cho thị trường, bởi áp lực lạm phát ở Mỹ đang ngày càng lớn khi giá nhiên liệu không ngừng leo thang gần đây và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng chưa được khắc phục trong khi nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục hồi phục từ đại dịch Covid-19.
CẮT GIẢM QE, TIẾN TỚI NÂNG LÃI SUẤT
Theo kế hoạch mà các quan chức Fed thảo luận trong cuộc họp ngày 21-22/9, Fed sẽ cắt giảm mỗi tháng 15 tỷ USD trong chương trình mua tài sản hay còn gọi là nới lỏng định lượng (QE). Nếu việc cắt giảm bắt đầu vào tháng 11 đúng như dự kiến, chương trình sẽ kết thúc vào tháng 6/2022. Kế hoạch này nhanh hơn so với những gì các nhà đầu tư kỳ vọng cách đây vài tháng, qua đó cho thấy lạm phát leo thang và kéo dài hơn dự kiến đang gây áp lực buộc Fed phải hành động gấp rút hơn.
Việc cắt giảm QE sẽ mở đường cho việc nâng lãi suất. Rõ ràng, các quan chức Fed không muốn bị đặt vào một tình thế mà họ buộc phải tăng lãi suất trong lúc vẫn còn đang mua vào trái phiếu. Việc nâng lãi suất chỉ có thể diễn ra sau khi chương trình mua tài sản đã khép lại. Nội dung biên bản cho thấy Fed muốn đóng hoàn toàn QE để có được sự linh hoạt trước khi bắt đầu nâng lãi suất trong năm tới nếu cần thiết, bởi họ lo ngại rằng lạm phát có thể tiếp tục vượt mục tiêu 2% mà Fed đề ra.
Việc cắt giảm QE sẽ mở đường cho việc nâng lãi suất. Rõ ràng, các quan chức Fed không muốn bị đặt vào một tình thế mà họ buộc phải tăng lãi suất trong lúc vẫn còn đang mua vào trái phiếu. Việc nâng lãi suất chỉ có thể diễn ra sau khi chương trình mua tài sản đã khép lại.
Chính sách của Fed nhằm phản ứng với tác động của đại dịch bao gồm hai trụ cột: lãi suất giảm về 0-0,25% và QE - với 80 tỷ USD mua trái phiếu kho bạc Mỹ và 40 tỷ USD mua trái phiếu đảm bảo bằng nợ địa ốc mỗi tháng - được Fed triển khai ngay sau khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu vào tháng 3 năm ngoái. Chính sách này, cộng thêm vaccine và gần 2,8 nghìn tỷ USD tiền kích cầu được Chính phủ liên bang Mỹ bơm ra từ tháng 12 năm ngoái, đã đưa nền kinh tế Mỹ phục hồi ngoạn mục chưa từng thấy trong lịch sử gần đây. Tuy nhiên, một “tác dụng phụ” của quá trình hồi phục, đó là lạm phát tăng vọt trong năm nay.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ ngày 13/10 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của nước này tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mức tăng này cao hơn so với dự báo tăng tương ứng 0,3% và 5,3% mà giới phân tích đưa ra trước đó, đồng thời là mức tăng cả năm cao nhất trong 13 năm. Không tính giá năng lượng và thực phẩm, CPI lõi tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, so với dự báo tăng tương ứng 0,3% và 4%.
Biên bản cuộc họp tháng 9 của Fed nói rằng các nhà kinh tế học của Fed vẫn tin rằng đà tăng của lạm phát trong năm nay chỉ là tạm thời, dự báo rằng lạm phát sẽ giảm về dưới mục tiêu 2% trong năm tới, trước khi quay trở lại ngưỡng 2% vào năm 2024.
Ban đầu, lạm phát ở Mỹ năm nay chỉ tập trung vào một số nhóm mặt hàng, bao gồm ô tô cũ và vé máy bay – những hàng hoá và dịch vụ có liên quan trực tiếp đến sự mở cửa trở lại của nền kinh tế. Tuy nhiên, báo cáo CPI mới nhất lại cho thấy sự tăng giá trên diện rộng ở hầu hết các nhóm hàng hoá và dịch vụ, đặc biệt là nhóm nhà ở và nhà hàng ăn uống.
Bởi thế, cho dù Fed giữ quan điểm “lạm phát là chuyện tạm thời”, việc Fed chủ trương cắt giảm QE từ tháng 11 cho thấy Fed không muốn rơi vào thế bị động, vì khả năng lạm phát giữ ở mức cao trong thời gian dài là không thể loại trừ.
MỐI LO VỀ KỲ VỌNG LẠM PHÁT
Trước đây, một số nhà phân tích cũng đã dự báo Fed sẽ đưa ra tuyên bố cắt giảm chương trình này trong cuộc họp tháng 11, nhưng cho rằng Fed đợi sang tháng 12 hoặc đầu năm sau mới chính thức bắt đầu việc cắt giảm. Dù vậy, kế hoạch mà Fed đang bàn thảo là hành động luôn.
“Nếu họ tuyên bố trong tháng 11, thì tôi không thấy có lý do gì để họ phải đợi. Họ sẽ tiến hành luôn”, chiến lược gia Kathy Jones của Charles Schwab nói với hãng tin CNBC. Bà Jones cũng nhấn mạnh nội dung của biên bản cuộc họp tháng 9 cho thấy một số thành viên của Fed muốn đẩy nhanh việc cắt giảm QE. “Điều đó phản ánh một sự mạnh dạn. Hẳn đã có một số người thẳng thắn đưa ra quan điểm cho rằng họ nhận thấy Fed cần phải hành động nhanh hơn”, vị chiến lược gia nói.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng thừa nhận rằng Fed đang đối mặt với một tình thế mà ngân hàng trung ương này đã rất lâu không gặp phải, trong đó có sự mâu thuẫn giữa hai mục tiêu của Fed là lạm phát thấp và ổn định cùng với tỷ lệ việc làm cao.
Phát biểu hôm 12/10, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta Raphael Bostic nói rằng đã đến lúc nên dừng gọi mức lạm phát cao hiện nay là tạm thời. “Ngày càng rõ ràng là sự gián đoạn đầy căng thẳng và trên diện rộng của chuỗi cung ứng sẽ không sớm chấm dứt. Bởi thế, những lực lượng gây lạm phát cao không phải là tạm thời”, ông nói.
Trong một cuộc thảo luận vào hôm 29/9, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng thừa nhận rằng Fed đang đối mặt với một tình thế mà ngân hàng trung ương này đã rất lâu không gặp phải, trong đó có sự mâu thuẫn giữa hai mục tiêu của Fed là lạm phát thấp và ổn định cùng với tỷ lệ việc làm cao. “Vượt qua trở ngại này trong hai năm tới sẽ là một việc đầy thách thức, bởi chúng ta có giả thiết là lạm phát chỉ là vấn đề tạm thời. Chúng tôi nghĩ giả thiết đó là đúng, nhưng chúng tôi lo ngại rằng các kỳ vọng lạm phát sẽ duy trì ở mức cao, như cho tới thời điểm này”, ông nói.
Phương pháp tiếp cận lập trường chính sách tiền tệ của ông Powell là quản lý những rủi ro về tăng trưởng yếu hơn kỳ vọng hoặc tăng trưởng mạnh hơn kỳ vọng. Điều đó có nghĩa là Fed có thể dịch chuyển chính sách không phải bởi nền kinh tế yếu đi hay mạnh lên, mà bởi có sự thay đổi trong những rủi ro liên quan đến triển vọng tăng trưởng.
“Những con số lạm phát đang xấu, và tin tức về chuỗi cung ứng cũng tệ. Lạm phát có vẻ không phải là tạm thời và những vấn đề về chuỗi cung ứng sẽ kéo dài một thời gian”, ông William English, một cựu chuyên gia kinh tế cấp cao của Fed, hiện là giáo sư Trường quản lý Yale, nhận định trên tờ Wall Street Journal.
“Câu hỏi chính đặt ra lúc này là liệu thực trạng đó có khiến công chúng thay đổi quan niệm rằng lạm phát sẽ sớm giảm về ngưỡng 2%? Nếu so với cách đây vài tháng, rủi ro lạm phát giờ đây lớn hơn nhiều”, ông English nói.
Phát biểu hôm 12/10, Phó chủ tịch Fed Richard Clarida nói rằng Fed sẽ phải tăng lãi suất nếu có những dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng và doanh nghiệp bắt đầu kỳ vọng rằng những sức ép lạm phát gần đây sẽ kéo dài. “Chính sách tiền tệ sẽ phản ứng với điều đó, dù chưa phải là việc cần thiết vào lúc này”, ông Clarida nói.