IMF hạ triển vọng tăng trưởng, cảnh báo về lạm phát toàn cầu
Trong báo cáo mới nhất, IMF cảnh báo rằng triển vọng lạm phát toàn cầu “đang nghiêng về tăng” và triển vọng tăng trưởng đang “nghiêng về giảm”...
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bày tỏ lo ngại về tình trạng mất đà và không đồng đều của sự phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời cảnh báo các ngân hàng trung ương về sự leo thang của lạm phát.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) cập nhật công bố ngày 12/10, định chế có trụ sở ở Washington dự báo nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng 5,9% trong năm nay, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 7. Tuy nhiên, đây vẫn là một sự khởi sắc mạnh nếu so với việc kinh tế thế giới giảm 3,1% trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2022 được IMF giữ nguyên ở mức 4,9%.
IMF nhận định rằng những nguy cơ đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã gia tăng, bao gồm biến chủng Delta, những gián đoạn chuỗi cung ứng, và lạm phát leo thang, đặc biệt là sự tăng giá thực phẩm và nhiên liệu. Đặc biệt, báo cáo giảm mạnh dự báo tăng trưởng đối với một số quốc gia, nhất là những nước thu nhập thấp không được tiếp cận đầy đủ với vaccine.
“Nhìn chung, rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế đã tăng lên, và sự đánh đổi chính sách càng trở nên phức tạp hơn”, Giám đốc phụ trách nghiên cứu của IMF, bà Gita Gopinath, nhận định khi công bố báo cáo. “Sự khác biệt nguy hiểm về triển vọng kinh tế giữa các quốc gia vẫn đang là một rủi ro lớn.
Trong lúc các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về nguy cơ xuất hiện “stagflation” – tình trạng kết hợp giữa tăng trưởng trì trệ và lạm phát cao – IMF mang đến một chút trấn an khi dự báo rằng lạm phát tại các nền kinh tế phát triển sẽ hạ về mức 2% vào giữa năm 2022 sau khi đạt đỉnh trong những tháng cuối cùng của năm nay. Tuy nhiên, IMF cho rằng giá cả tiêu dùng tại các nền kinh tế mới nổi và phát triển vẫn sẽ tăng 4,9% trong 2022 và tăng 5,5% trong năm nay.
IMF cảnh báo rằng triển vọng lạm phát “đang nghiêng về tăng” và triển vọng tăng trưởng đang “nghiêng về giảm”.
Trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế 2021 của Mỹ tròn 1 điểm phần trăm, còn 6%, chủ yếu do các nút thắt về chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, IMF nâng triển vọng kinh tế Mỹ 2022 lên 5,2%, từ mức 4,9% trong lần dự báo cách đây 3 tháng.
Cũng theo dự báo của IMF, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8% trong năm nay và 5,6% trong năm tới, đều giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7. Dự báo tăng trưởng khu vực Eurozone là 5% trong năm nay, so với mức dự báo cũ 4,6%, và là 4,3% trong năm 2022.
Dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật, Anh, Đức và Canada đều bị cắt giảm cho năm 2021 nhưng nâng cho năm 2022. Các nước thu nhập thấp được nhận định đạt tăng trưởng kinh tế chỉ 3% trong năm nay, giảm 0,9 điểm phần trăm so với dự báo cũ.
Theo ước tính của IMF, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của các nền kinh tế phát triển sẽ trở lại mức trước đại dịch vào năm 2022, và thậm chí sẽ vượt ngưỡng trước đại dịch vào năm 2024. Tuy nhiên, chỉ 2/3 trong số các nền kinh tế phát triển được cho là sẽ đạt được số lượng việc làm như trước đại dịch trong năm tới.
Đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, IMF cho rằng đến năm 2024 nhóm này vẫn chứng kiến GDP thấp hơn 5,5% so với trước đại dịch.
Theo IMF, sự khác biệt nói trên chủ yếu xuất phát từ chênh lệch trong khả năng tiếp cận vaccine và các chính sách hỗ trợ. Tỷ lệ được tiêm chủng đủ ở các nước phát triển hiện đạt khoảng 60% dân số, trong khi con số này tại các nước thu nhập thấp mới đạt chưa đầy 5%. Các nền kinh tế mới nổi cũng rút lại các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng sớm hơn và chịu tác động lớn hơn từ tình trạng giá lương thực-thực phẩm tăng.
IMF nói rằng các ngân hàng trung ương nhìn chung không cần lo lắng nhiều vấn đề lạm phát mang tính chuyển giao giai đoạn và nên tránh thắt chặt chính sách cho tới khi tình hình trở nên rõ ràng hơn. Tuy vậy, IMF cũng khuyến nghị các ngân hàng trung ương nên chuẩn bị sẵn sàng để hành động nhanh chóng nều nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn dự kiến và nếu các kỳ vọng lạm phát gia tăng mạnh.
Về thị trường tài chính, IMF cho rằng “định giá tài sản bị kéo căng” đồng nghĩa tâm lý nhà đầu tư có thể thay đổi nhanh chóng nếu xuất hiện những thông tin bất lợi về đại dịch hoặc chính sách. Trong số những mối lo cấp bách được IMF nhắc đến có vấn đề trần nợ quốc gia của Mỹ và rủi ro về thị trường bất động sản của Trung Quốc.
Nhìn xa hơn, IMF nhận định rằng nếu Covid-19 gây ảnh hưởng kéo dài, GDP toàn cầu có thể thiệt hại 5,3 nghìn tỷ USD trong 5 năm tới so với mức dự báo hiện tại. Thiệt hại này có thể tránh được nếu các chính phủ tăng cường nỗ lực nhằm tạo sự tiếp cận vaccine bình đẳng giữa các quốc gia.