08:37 11/05/2014

ASEAN không thể im lặng về vấn đề biển Đông

Nhật Minh

Lần đầu tiên sau gần hai thập niên, ASEAN ra một tuyên bố riêng về tình hình biển Đông

"Những vụ việc mới nhất trên biển Đông là vấn đề hết sức nghiêm trọng", Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore, ông K. Shanmugam nói hôm 10/5 - Ảnh: AFP.<br>
"Những vụ việc mới nhất trên biển Đông là vấn đề hết sức nghiêm trọng", Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore, ông K. Shanmugam nói hôm 10/5 - Ảnh: AFP.<br>
Các bộ trưởng bộ ngoại giao ASEAN đã cảnh báo về tình trạng căng thẳng đang leo thang tại biển Đông, sau khi hai nước thành viên là Việt Nam và Philippines đồng loạt lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền.

Hôm nay (10/5), hội nghị các bộ trưởng ngoại giao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã diễn ra tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar. Theo hãng tin AFP, tại hội nghị này, các bộ trưởng đã lên tiếng "bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về những sự việc đang xảy ra" ở khu vực biển Đông, làm gia tăng tình hình căng thẳng ở khu vực.

Căng thẳng trên biển Đông đã tăng cao trong tuần này, sau khi Trung Quốc di chuyển một giàn khoan dầu khí biển sâu vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Không những thế, tàu thuyền của Trung Quốc còn cố tình đâm nhiều lần vào các tàu của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam và dùng vòi rồng tấn công, khiến một số tàu Việt Nam bị hư hại và 6 thuyền viên bị thương.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon hôm 9/5 cũng đã phải nêu sự lo lắng về sự gia tăng căng thẳng tại biển Đông, đồng thời hối thúc các bên liên quan kiềm chế tối đa và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hiệp quốc.

Cũng trong tuần này, lực lượng cảnh sát biển Philippines đã tiến hành bắt giữ một tàu cá của Trung Quốc tại vùng nước tranh chấp trên biển Đông. Vụ việc cảnh sát biển Philippines bắt giữ chiếc tàu cá của Trung Quốc diễn ra cùng thời điểm với việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu khí biển sâu vào vùng biển của Việt Nam trên biển Đông.

Trong tuyên bố đưa ra tại hội nghị, các ngoại trưởng ASEAN kêu gọi, các bên liên quan trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982, cần kiềm chế, tránh có các hành động có thể phương hại hòa bình và ổn định ở khu vực; và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Các bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, cũng như các tuyên bố nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về biển Đông và tuyên bố chung cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 15 kỷ niệm 10 năm tuyên bố về ứng xử của các bên ở khu vực biển Đông (DOC).

Đồng thời, các bộ trưởng bộ ngoại giao ASEAN kêu gọi tất cả các bên tham gia DOC thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC nhằm tạo môi trường tin cậy và xây dựng lòng tin. Bên cạnh đó, cũng cần thiết phải sớm đạt được Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở khu vực biển Đông (COC).

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Marty Natalegawa, cho biết các vấn đề hàng hải chiếm phần lớn thời gian tại hội nghị này. Ông nói rằng, tuyên bố được đưa ra tại hội nghị này là nhằm "ủng hộ hòa bình và việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình".

Có thể nói, đây là lần đầu tiên sau gần hai thập niên (kể từ năm 1995 tới nay), ASEAN ra một tuyên bố riêng về tình hình phức tạp đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực biển Đông.

Theo giới phân tích, việc các bộ trưởng bộ ngoại giao ASEAN hôm nay đạt được sự đồng thuận trong việc bày tỏ quan điểm đối với vấn đề biển Đông, đã thể hiện sự lo lắng cao độ trước những hành động quyết tâm gây hấn của Bắc Kinh trong các cuộc tranh chấp chủ quyền kéo dài lâu nay ở khu vực này.

"Những vụ việc mới nhất trên biển Đông là vấn đề hết sức nghiêm trọng", Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore, ông K. Shanmugam, nói bên lề hội nghị trước khi bản tuyên bố trên được đưa ra. "Đã có sự đồng thuận rằng, ASEAN phải coi đây là một vấn đề nghiêm trọng và cần phải đưa ra một tuyên bố độc lập".

Ông Shanmugam cũng nhấn mạnh rằng, một tuyên bố ASEAN thống nhất không có nghĩa là ASEAN sẽ chọn bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền này. Tuy nhiên, "trung lập không giống với việc giữ im lặng", Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore nói. Theo ông, nếu giữ im lặng về các tranh chấp gần đây, thì "uy tín của ASEAN, vốn đã bị tổn hại trong vài năm gần đây, sẽ bị tổn hại nghiêm trọng hơn".