ASEAN Summit 2020: Khi doanh nghiệp đồng hành cùng khát vọng Việt
Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam khép lại với điểm nhấn là việc ký kết thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)
Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam khép lại với điểm nhấn là việc ký kết thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - "trái ngọt" sau hơn 8 năm đàm phán, với sự tham gia của 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Đồng hành cùng Chính phủ trong suốt năm Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN 2020 là các doanh nghiệp hàng đầu đất nước trong vai trò là các nhà tài trợ đặc biệt, tận tâm - tận lực hỗ trợ sự kiện lớn của đất nước, với khát vọng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
VỮNG VÀNG TRONG VAI TRÒ ĐẦU TÀU
Năm 2020, Việt Nam vinh dự đảm nhiệm những trọng trách lớn ở cả tầm khu vực và quốc tế, trong đó nổi bật là vai trò Chủ tịch ASEAN. Trong nhiệm kỳ này, Việt Nam cùng các nước ASEAN và các đối tác đã có một kỳ họp thành công với trên 20 kỳ họp cấp cao, hơn 80 văn kiện được ghi nhận, công bố và thông qua.
Đây là số lượng văn kiện kỷ lục, lớn nhất từ trước tới nay. Các Hội nghị đã thảo luận, bàn bạc những vấn đề hết sức thiết thực, cụ thể đối với các nước, và đặc biệt đối với gần 630 triệu người dân ASEAN.
2020 cũng là năm đánh dấu 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Trong một phần tư thế kỷ gắn bó, Việt Nam luôn tích cực, chủ động tham gia có trách nhiệm và để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Từ một quốc gia nghèo nàn vừa bước ra khỏi chiến tranh, cấm vận, Việt Nam đã không ngừng phát triển nội lực để có vị trí vững chắc trong khu vực trên nhiều phương diện cả về kinh tế, thương mại lẫn ngoại giao, văn hóa...
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát làm thay đổi nhiều chương trình nghị sự, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, đóng góp tích cực, thể hiện tốt vai trò đầu tàu dẫn dắt ASEAN cùng vượt qua thách thức, đối phó với đại dịch.
Một trong những điểm sáng quan trọng trong nhiệm kỳ Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN chính là việc ký kết thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Đây là một sự kiện quan trọng không chỉ với khối ASEAN mà còn với cả thương mại toàn cầu, góp phần giảm đứt gãy dòng lưu chuyển thương mại, đầu tư trong nội khối ASEAN và các đối tác trong bối cảnh dịch bệnh, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do dịch bệnh gây ra, đẩy mạnh kinh doanh, giải quyết việc làm của người dân trong khu vực…
Thành công của kỳ họp lần này là cơ hội to lớn để Việt Nam tăng cường hơn nữa hình ảnh, vai trò và vị thế của mình không chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà cả trên các diễn đàn quốc tế.
TỰ HÀO DOANH NGHIỆP VIỆT
Đằng sau thành công của năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020 không thể không nhắc đến dấu ấn của các doanh nghiệp hàng đầu, đã tài trợ và đồng hành cùng Chính phủ với chung khát vọng vì một Việt Nam giàu mạnh và bay cao.
Ngay sau khi bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, chiều 15/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp mặt 14 doanh nghiệp Việt tài trợ cho hội nghị gồm: Tập đoàn PAN (The PAN Group), Vingroup, Viettel, BIDV, PNJ, Minh Long…
Đây đều là các doanh nghiệp đã hỗ trợ Chính phủ các sản phẩm, dịch vụ để phục vụ tổ chức thành công hội nghị, làm quà tặng cho các đại biểu trong nước và quốc tế, tự hào đưa các sản phẩm "made in Vietnam" giới thiệu tới thế giới...
Đơn cử như Viettel là đơn vị chính đảm đương nhiệm vụ chuyển đổi phương án làm việc của hội nghị sang hình thức trực tuyến trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong khi đó, VinFast là đơn vị tài trợ gần 400 xe di chuyển để phục vụ các sự kiện tại Hội nghị.
Hay như The PAN Group là Tập đoàn nông nghiệp duy nhất đưa những sản phẩm nông sản - thực phẩm chất lượng cao, đậm giá trị Việt trở thành quà tặng dành cho các đại biểu trong nước và quốc tế trong suốt thời gian diễn ra sự kiện.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến những cái tên doanh nghiệp tiêu biểu khác như Minh Long, PNJ, Vinamilk… đã tạo nên nhiều điểm nhấn quan trọng góp phần cho thành công của chương trình.
Phát biểu tại buổi gặp, Thủ tướng cho rằng, đại dịch COVID-19 đã khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp vẫn phát huy được tinh thần của doanh nghiệp, các nhà tài trợ đã hướng ứng chủ trương của Ban chỉ đạo quốc gia năm chủ tịch ASEAN 2020, đi đầu trong các hoạt động hỗ trợ cho các sự kiện lớn của đất nước. Việc các nhà tài trợ tham gia vào Hội nghị cấp cao ASEAN ngoài việc giúp giảm thiểu cho ngân sách nhà nước còn là cơ hội mở rộng giới thiệu quảng bá thương hiệu ra bạn bè khu vực và thế giới.
Đại diện doanh nghiệp phát biểu trước Thủ tướng, bà Nguyễn Thị Trà My - Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn PAN chia sẻ: "Chúng tôi không coi đây là hoạt động tài trợ mà là vinh dự khi có cơ hội tham gia đóng góp tổ chức sự kiện trọng đại chung của đất nước. Tập đoàn PAN được thành lập với khát vọng nâng tầm nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam, hiện với gần 10.000 người lao động đang tiên phong dẫn đầu trong các lĩnh vực, giống cây trồng, sản xuất lúa gạo, sản xuất nông sản, cà phê, thực phẩm và nuôi trồng chế biến thủy sản xuất khẩu... Những sản phẩm của chúng tôi đã được Bộ Công Thương công nhận là Thương hiệu Quốc gia. Chúng tôi tự hào khi mang những sản phẩm nông sản cao cấp thuần Việt phục vụ các đại biểu trong nước và quốc tế tại các sự kiện trong năm chủ tịch ASEAN này".
Ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel cũng gửi lời cám ơn sự ghi nhận của Chính phủ với những đóng góp của các nhà tài trợ đối với Hội nghị ASEAN 2020.
"Quá trình chuyển đổi sang hình thức trực trực tuyến đã được đội ngũ kỹ sư trong nước triển khai và làm chủ trong vòng 3 tuần, qua đó thực hiện thành công 114 cuộc họp và 11 hội nghị khác nhau trong năm ASEAN. Việc này cho thấy trình độ của đội ngũ nhân lực trong nước, sẵn sàng cho các yêu cầu hội nhập mà thực tế đặt ra", ông Dũng thông tin thêm.
Trước những cơ hội mà thị trường quốc tế mở ra, Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp giữ gìn thương hiệu, nâng cao chất lượng để xứng đáng là sản phẩm quốc gia, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế nước nhà. Nhân dịp này, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ luôn tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển thuận lợi, nhất là khi chúng ta đã vừa tham gia ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện RCEP - một hiệp định có tính chất toàn cầu để các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Đáp lại lời kêu gọi của Thủ tướng, bà Trà My cũng cam kết Tập đoàn PAN sẽ đồng hành với khát vọng của đất nước, về một quốc gia duy trì tốc độ tăng trưởng, gắn liền với bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.
"Chúng tôi hiểu rằng việc xây dựng đất nước ngày càng phát triển và tươi đẹp là trách nhiệm không phải của riêng ai. Chúng tôi luôn mong muốn được góp phần vào sự phát triển đó bằng những hành động cụ thể hàng ngày ở doanh nghiệp mình, lấy phát triển bền vững làm nền tảng. Chúng tôi đã đang và sẽ tiếp tục hành động như vậy!" bà My khẳng định. Với gần 60% doanh thu đến từ việc xuất khẩu nông sản, thực phẩm "made in Vietnam" sang hơn 30 quốc gia, đa phần là các nước phát triển như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản... đại diện Tập đoàn PAN cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để thông qua RCEP đẩy mạnh giao thương với các nước ASEAN và các đối tác toàn diện khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Như vậy, với sự đồng lòng chung sức của cả Chính phủ và các doanh nghiệp, Việt Nam đã kết thúc nhiệm kỳ năm Chủ tịch ASEAN 2020 thành công và chuyển giao vai trò Chủ tịch cho Brunei. Trong 11 tháng qua, những nỗ lực của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN đã thể hiện đúng tinh thần "Gắn kết và Chủ động thích ứng", kiên định và không khuất phục trước nghịch cảnh không có tiền lệ mà đại dịch Covid-19 gây ra; qua đó thúc đẩy sự đoàn kết, gắn kết giữa các nước thành viên ASEAN nhằm triển khai hiệu quả các mục tiêu hợp tác về lâu dài.