15:32 19/12/2007

Ba góc nhìn về giá cổ phiếu Vietcombank

Hoàng Xuân Quyến - Vũ Phương Thanh

Bài viết dưới đây trao đổi về việc xác định giá cổ phiếu Vietcombank, xét từ ba góc nhìn khác nhau của các nhà đầu tư

Phần đông các nhà đầu tư chứng khoán ở Việt Nam hiện nay là các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ và đầu tư ngắn hạn - Ảnh: Việt Tuấn.
Phần đông các nhà đầu tư chứng khoán ở Việt Nam hiện nay là các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ và đầu tư ngắn hạn - Ảnh: Việt Tuấn.
Việc phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hiện là tâm điểm thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

>>Toàn cảnh cổ phần hóa Vietcombank

Phân tích đánh giá quá trình phát triển của Vietcombank trong quá khứ cũng như triển vọng phát triển trong tương lai, nhiều nhà đầu tư tham gia đấu giá đang băn khoăn về việc nên đặt mức giá nào. Bài viết dưới đây trao đổi về việc xác định giá cổ phiếu Vietcombank, xét từ ba góc nhìn khác nhau của các nhà đầu tư.

Quan điểm thực tế

Phần đông các nhà đầu tư chứng khoán ở Việt Nam hiện nay là các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ và đầu tư ngắn hạn. Lịch trình thực hiện cổ phần hóa và niêm yết của Vietcombank đã làm nản lòng không ít các nhà đầu tư vì giá khởi điểm khá cao và thời gian chờ đợi đến khi cổ phiếu niêm yết còn dài.

Do vậy, họ sẽ định giá Vietcombank dựa trên kết quả kinh doanh hiện tại và quá khứ hơn là dựa trên các dự báo triển vọng tương lại.

Vietcombank là ngân hàng lớn thứ hai ở Việt Nam sau Ngân hàng Nông Nghiệp về mạng lưới và quy mô tài sản, nhưng hiệu quả hoạt động của Vietcombank qua các năm chưa ấn tượng. Lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt mức trung bình, mức tăng trưởng về lợi nhuận và hoạt động tín dụng thấp hơn rất nhiều so với các ngân hàng cổ phần như ACB, STB và Eximbank, tỷ lệ nợ xấu lớn gần gấp 4 lần STB và gấp hơn 14 lần so với Ngân hàng ACB.

Chỉ tiêu Vietcombank BIDV STB ACB EXIM
2005 2006 2006 2006 2006 2006
Mức tăng trưởng hàng năm
Lợi nhuận thuần 74,53% 17,35% 433,22% 97,18% 68,93% 1124,91%
Tín dụng 13,12% 10,97% 15,46% 70,81% 81,36% 58,67%
Huy động vốn 25,42% 10,59% 30,68% 67,30% 68,16% 57,34%
Chỉ tiêu lợi nhuận
ROA 0,9% 1,7% 0,39% 1,90% 1,58% 1,41%
ROE 15,36% 25,86% 13,62% 16,38% 30,56% 13,28%
Cho vay/ vốn huy động 55,12% 55,31% 86,74% 81,73% 50,63% 77,67%
Hiệu quả hoạt động
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) 3,40% 2,70% 8,81% 0,72% 0,19% Na
Cho vay/ Tổng tài sản 43,75% 39,68% 62,34% 57,77% 38,11% 55,71%
Vốn chủ sở hữu/ Tổng tài sản 6,17% 6,66% 2,85% 11,59% 3,70% 10,62%
Nguồn: Bản cáo bạch Vietcombank và website các ngân hàng

Lợi nhuận 9 tháng 2007 của Vietcombank chỉ đạt 1.546 tỷ (ROE 13,2%) trong khi ACB đạt 1.133 tỷ (ROE: 29,8%), STB đạt 893 tỷ (ROE: 13,1%).Dự kiến lợi nhuận sau thuế của Vietcombank trong năm 2007 sẽ là khoảng 2250 tỷ với số vốn điều lệ mới là 15.000 tỷ đồng thì EPS dự kiến là khoảng 1.500 đồng. Căn cứ vào P/E hiện tại của ngành ngân hàng là 35 thì mức giá Vietcombank tương ứng sẽ là 52.500 đồng/cổ phiếu.

Nhóm các nhà đầu tư có quan điểm trên ít có hào hứng tham gia đấu giá vì mức giá tối thiểu 100 ngàn đồng cho một cổ phiếu là quá cao đối với họ. Có lẽ một số ít sẽ tham gia song mức giá bỏ thầu sẽ chỉ nhỉnh hơn một chút so với giá tối thiểu.

Quan điểm lạc quan

Quan điểm này cho rằng mua cổ phiếu Vietcombank chính là mua tương lai của Vietcombank.

Sự tin tưởng và kỳ vọng về một Vietcombank tăng trưởng cao và toàn diện có lẽ là góc nhìn của phần lớn các nhà đầu tư có tổ chức nước ngoài. Quan điểm này giả định Vietcombank sẽ mất khoảng 3 năm sau IPO (2008-2010) để chuyển đổi mô hình từ ngân hàng thương mại nhà nước sang mô hình ngân hàng thương mại cổ phần, tập trung đầu tư công nghệ thiết bị, thành lập mới và tăng cường sức mạnh cho các công ty con.

Do đó, giai đoạn này hiệu quả hoạt động sẽ không có sự đột biến lớn ROE kỳ vọng sẽ bằng với mức trung bình của thị trường khoảng 19%. Từ năm 2011 đến năm 2015, Vietcombank sẽ bắt đầu thời kỳ phát triển tăng tốc với tỷ lệ ROE có thể đạt 25% - 30%.

Giai đoạn 2016 – 2020 là giai đoạn phát triển chín muồi của Vietcombank, ROE kỳ vọng có thể lên đến 35%.Vietcombank sẽ bắt đầu giai đọan tăng trưởng ổn định từ sau 2020. Dựa trên các giả đinh có cơ sở nêu trên, các nhà đầu tư lạc quan dự kiến mức giá Vietcombank khoảng 90.000 đến 120.000 đồng/cổ phiếu tùy vào sự lựa chọn tỷ suất chiết khấu.

Hệ số chiết khấu giai đoạn 2007 – 2020 16,00%
Hệ số chiết khấu sau năm 2020 13,20%
Giá trị chiết khấu luồng thu nhập của cổ động  giai đoạn 1 (tỷ đồng) 13.018
Giá trị chiết khấu luồng thu nhập của cổ động  giai đoạn 2 (tỷ đồng) 32.280
Giá trị chiết khấu luồng thu nhập của cổ động  giai đoạn 3 (tỷ đồng) 47.993
Giá trị chiết khấu luồng thu nhập của cổ động  giai đoạn ổn định (tỷ đồng) 73.531
Tổng giá trị ròng của luồng tiền (tỷ đồng) 166.822
Số lượng cổ phiếu lưu hành (tỷ cổ phiếu) 1,5
Giá trị cổ phiếu (đồng) 111.215

Quan điểm trung lập

Vietcombank trong quá khứ và hiện tại chưa thật sự tốt, câu hỏi liệu đến bao giờ Vietcombank thật sự lột xác để trở thành một ngân hàng mạnh giống như Temasek của Singapore còn bỏ ngỏ.

Bởi lẽ, còn rất nhiều điểm chưa rõ như phân bổ thặng dư vốn sau IPO; tỷ trọng sở hữu nhà nước còn quá lớn sẽ làm giảm tính năng động của Vietcombank; nguồn nhân lực của Vietcombank liệu sẽ có sự xáo trộn sau IPO vì số lượng các công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại đã thành lập ra nhiều và các tổ chức này rất sẵn sàng lấy đi các nhân lực chủ chốt của Vietcombank; đàm phán với đối tác chiến lược nước ngoài chưa biết đến khi nào mới kết thúc, không hiểu các đối tác nước ngoài này “chê giá đắt” hay “chê sở hữu quá ít cổ phần” nên chưa nhiệt tình tham gia...

Các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và một số tổ chức tài chính khác trong nước và các cá nhân nhà đầu tư am hiểu thị trường có lẽ thuộc nhóm có quan điểm trung lập. Việc đầu tư vào cổ phiếu Vietcombank đòi hỏi phải có một nguồn vốn lớn, với thời gian nắm giữ tương đối dài, trong khi thời gian tới, liên tiếp các công ty lớn sIPO như Ngân hàng Công thương, MobiFone…, gây cho nhà đầu tư nhiều khó khăn trong việc huy động vốn.

Nhóm trung lập chắc chắn sẽ có những cân nhắc rất thận trọng và sẽ quyết định vào phút chót có hay không nên tham gia đấu giá Vietcombank. Có thể, họ vẫn tham gia vì muốn “thể hiện đẳng cấp”, nhưng mức giá chắc chắn bỏ thầu sẽ không cao.

Mức giá đầu thầu thành công bình quân sẽ là bao nhiêu, câu trả lời chính thức sẽ có được vào các ngày 28-29/12 này, nhưng ngay từ bây giờ, chúng tôi dự đoán mức giá bỏ thầu sẽ không cao và phổ biến sẽ dao động trong khoảng 100-120 ngàn đồng/cổ phiếu.

Có lẽ, giá đấu thành công cổ phiếu Vietcombank sẽ ở mức bình quân khoảng 110.000 đồng!

* Các tác giả bài viết thuộc Phòng Phân tích đầu tư - Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt.