Ba kịch bản giá dầu của Bank of America
Trong một báo cáo mới công bố, các nhà phân tích của ngân hàng Bank of America (BofA) dự báo giá dầu thế giới có thể tăng thêm nữa hoặc sụt giảm tùy thuộc vào những diễn biến tới đây trên thị trường tài chính toàn cầu...
Nỗi lo ngày càng lớn về suy thoái kinh tế vừa đẩy giá dầu thô giảm tuần thứ hai liên tiếp nhưng vẫn ở mức trên 100 USD/thùng trong bối cảnh nhu cầu vẫn ở mức cao và nguồn cung bị kìm hãm, Business Insider dẫn báo cáo của BofA cho biết.
Cùng với đó, những nguy cơ từ lạm phát, việc thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương cũng như chiến tranh vẫn đang rình rập.
"Áp lực lạm phát gia tăng với các mặt hàng từ thực phẩm, năng lượng cho tới dịch vụ, cùng với việc tăng lãi suất nhanh, cho thấy nhu cầu đối với dầu mỏ sẽ khó phục hồi hoàn toàn trở lại mức trước đại dịch Covid-19 trước năm 2023”, các nhà phân tích của BofA viết trong báo cáo.
Tính tới các biến số và rủi ro khác nhau, BofA đưa ra các kịch bản về giá dầu.
Ở kịch bản thứ nhất, các nhà phân tích dự báo sẽ chưa xảy ra suy thoái và giá dầu sẽ đạt mức bình quân 102 USD/thùng trong năm 2022 và 2023, thấp hơn so với mức bình quân khoảng 104 USD/thùng trong nửa đầu năm.
Ngày 24/6, giá dầu Brent tăng 2,6% lên gần 113 USD/thùng, nhưng đã giảm từ mức 133 USD/thùng hồi tháng 3 – thời điểm ngay sau khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine.
Ở kịch bản thứ hai, các nhà phân tích của BofA cho rằng một cuộc suy thoái kinh tế có thể khiến lượng tiêu thụ nhiên liệu sụt giảm mạnh và giá dầu có thể giảm hơn 30% từ mức hiện tại.
“Nếu tốc độ tăng trưởng sụt giảm, động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương sẽ phần nào hỗ trợ giá dầu. Vì vậy, kể cả trong trường hợp xảy ra suy thoái vào năm 2023, giá dầu bình quân sẽ ở mức trên 75 USD/thùng”, báo cáo viết.
Ở một kịch bản khác, xét tới cuộc chiến tranh ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, đặc biệt là việc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga, BofA dự báo nguồn cung trên thị trường sẽ toàn cầu sẽ bị thu hẹp, ảnh hưởng tới sản lượng của Nga và đẩy giá dầu tăng mạnh.
“Nếu các biện pháp trừng phạt của châu Âu khiến sản lượng dầu của Nga sụt xuống dưới 9 triệu thùng/ngày, giá dầu có thể tăng lên tới 150 USD/thùng”, các nhà phân tích của BofA cảnh báo.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho rằng hậu quả dài hạn của sự gián đoạn nguồn cung này vẫn chưa được đánh giá đầy đủ. Nhóm này cho rằng thị trường dường như vẫn chưa quyết định giá cả trong cuộc khủng hoảng nguồn cung dầu của Nga bởi vì giá hợp đồng dầu giao tại các thời điểm xa trong tương lai vẫn ở mức 60-80 USD/thùng.
"Do đó, các biện pháp trừng phạt tăng cường đối với lĩnh vực năng lượng của Nga có thể đóng vai trò như một mức giá sàn ngay cả khi rủi ro giảm giá dầu giao cận ngày tăng lên", báo cáo của BofA viết.