07:47 22/06/2022

Vượt Saudi Arabia, Nga thành nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất của Trung Quốc

Ngọc Trang

Trong tháng 5/2022, Trung Quốc nhập khẩu 2,02 triệu thùng dầu/ngày từ Nga, tăng hơn 30% so với tháng 4 và 55% so với tháng 5/2021...

Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến tranh ở Ukraine hồi tháng 2, một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ đã tranh thủ gom dầu giá rẻ từ Moscow - Ảnh: Getty Images
Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến tranh ở Ukraine hồi tháng 2, một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ đã tranh thủ gom dầu giá rẻ từ Moscow - Ảnh: Getty Images

Theo dữ liệu vừa công bố của Tổng Cục Hải quan Trung Quốc, Nga đã vượt qua Saudi Arabia trở thành nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất của Trung Quốc.

Cụ thể, trong tháng 5/2022, Trung Quốc nhập khẩu 2,02 triệu thùng dầu/ngày từ Nga, tăng hơn 30% so với tháng 3 và 55% so với tháng 5/2021.

Trong khi đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ nhập 1,88 triệu thùng dầu/ngày từ Saudi Arabia, giảm 12,5% từ mức 2,15 triệu thùng của tháng 4. Từng là nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất của Trung Quốc, Saudi Arabia giờ đây đã nhường thị phần đáng kể tại đây cho Nga, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Oman.

“Sự kỳ vọng rằng dầu thô Nga sẽ ngừng giao dịch trên thị trường quốc tế giờ không còn nữa. Thay vào đó, việc giá dầu thô Nga giảm sâu là nhân tố chuyển hướng các tàu chở dầu sang những thị trường thay thế”, Wei Cheong Ho, phó chủ tịch tại Rystad Energy, đánh giá. “Dù chi phí vận hành các tàu chở dầu này và duy trì hoạt động thương mại đã tăng đáng kể do Nga bị loại khỏi hệ thống tài chính phương Tây, việc giá dầu Urals giảm quá hấp dẫn khiến các nhà lọc dầu không thể làm ngơ”.

Trong tháng 5, Trung Quốc nhập khẩu 1,13 triệu thùng dầu/ngày từ Iraq, 982.000 thùng/ngày từ UAE và 956.000 thùng từ Oman. Lượng dầu Trung Quốc nhập từ cả UAE và Oman đều tăng khoảng 30% so với tháng 4.

 

Nga hiện là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Saudi Arabia, chiếm khoảng 12% tổng sản lượng toàn cầu.

Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến tranh ở Ukraine hồi tháng 2, một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ đã tranh thủ gom dầu giá rẻ từ Moscow. Điều này ngược lại với động thái giảm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga của các nước phương Tây, nhằm cắt đứt nguồn tài chính cho quân đội Nga và gây áp lực để chính quyền Tổng thống Vladimir Putin chấm dứt chiến tranh.

Nga đã phản ứng với các biện pháp trừng phạt từ phương Tây bằng cách ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho một số nước châu Âu khi những nước này từ chối thanh toán bằng đồng Rúp. Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc vào Nga để đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt tự nhiên trong khối. Ở chiều ngược lại, EU là khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga, chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.

Việc bán dầu cho Trung Quốc và Ấn Độ đã giúp Nga lấp đầy khoảng trống mà các nước phương Tây bỏ lại. Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), doanh thu xuất khẩu dầu mỏ trong tháng 5 của Nga đã tăng 11% lên 20 tỷ USD, nhờ giá năng lượng tăng bù đắp cho lượng xuất khẩu sụt giảm. Theo đó, doanh thu xuất khẩu dầu của Moscow đã phục hồi lại mức trước chiến tranh.

Nga hiện là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Saudi Arabia, chiếm khoảng 12% tổng sản lượng toàn cầu.

Vào đầu tháng 3, Anh và Mỹ tuyên bố ngừng nhập khẩu dầu mỏ của Nga, dù Moscow chỉ chiếm lần lượt 8% và 3% lượng dầu tiêu thụ tại hai quốc gia này. 

Tuy nhiên, EU – nhà nhập khẩu dầu Nga lớn hơn nhiều – cũng đã nhất trí cấm nhập khẩu một phần dầu mỏ từ Nga, áp dụng ngoại lệ với Hungary. Nga chiếm khoảng 25% lượng dầu mà khối này nhập khẩu. Theo tính toán của Bloomberg, lệnh cấm của EU có thể khiến Nga thất thu khoảng 10 tỷ USD mỗi năm, dù Moscow tuyên bố sẽ tìm các nước nhập khẩu khác để bù đắp.

Trong bối cảnh đó, giá dầu đã vượt 120 USD/thùng trong năm nay, giao dịch ở mức đắt nhất trong gần một thập kỷ. Còn giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu cũng lập kỷ lục mới và hiện đang ở mức đắt hơn 300% so với cùng thời điểm năm 2021.