13:12 19/04/2009

Ba tháng rưỡi, 25 ngân hàng Mỹ sụp đổ

Mai Phương

Các nhà chức trách Mỹ vừa đóng cửa thêm 2 ngân hàng, nâng số ngân hàng “sập tiệm” ở nước này từ đầu năm tới nay lên 25

Các nhà chức trách Mỹ vừa đóng cửa thêm 2 ngân hàng, nâng số ngân hàng “sập tiệm” ở nước này từ đầu năm tới nay lên 25.

Như vậy, số ngân hàng Mỹ đổ vỡ trong vòng 3 tháng rưỡi qua đã bằng đúng số ngân hàng bị giải thể trong cả năm 2008.

Hai ngân hàng bị đóng cửa lần này là American Sterling Bank có trụ sở ở bang Missouri và Great Basin Bank có trụ sở ở bang Nevada. Văn phòng Giám sát tiết kiệm Liên bang Mỹ (OTS) là cơ quan tiếp quản American Sterling, còn Ủy ban Các định chế tài chính bang Nevada (NFID) giành quyền kiểm soát Great Basin.

Sau đó, Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) được giao lại hai ngân hàng nói trên để xử lý. Mức trần bảo hiểm tiền gửi mà FDIC đang áp dụng hiện nay là 250.000 USD mỗi tài khoản.

Với 181 triệu USD tài sản và 171,9 triệu USD tiền gửi của khách hàng, American Sterling đã được bán lại cho ngân hàng Metcalf Bank có trụ sở ở cùng bang Missouri. Toàn bộ các chi nhánh của American Sterling sẽ được mở cửa trở lại vào ngày 18 và 20/4 này với tư cách là chi  nhánh của ngân hàng mua lại.

Về phần mình, ngân hàng Great Basin có tài sản 270,9 triệu USD và lượng tiền gửi của khách hàng là 221,4 triệu USD. Ngân hàng Nevada State Bank có trụ sở ở cùng bang đã nhất trí tiếp quản toàn bộ lượng tiền gửi của khách và mua lại 252,3 triệu USD tài sản của Great Basin. Số tài sản còn lại được FDIC nắm giữ để tìm khách mua sau. Toàn bộ các chi nhánh của Great Basin sẽ mở cửa trở lại vào ngày 20/4 tới với tư cách là chi nhánh của Nevada State Bank.

Theo FDIC, hai vụ đổ vỡ trên có thể khiến quỹ bảo hiểm tiền gửi của cơ quan này thiệt hại 84 triệu USD.

Cơn bão khủng hoảng tài chính đang càn quét qua ngành ngân hàng Mỹ đã khiến tổng cộng 50 ngân hàng Mỹ đóng cửa từ năm 2008 tới nay, trong đó có 25 ngân hàng đổ vỡ trong năm ngoái. Với tốc độ ngày càng gia tăng như hiện nay, có thể khẳng định gần như chắc chắn số ngân hàng đổ vỡ năm nay ở Mỹ sẽ vượt xa số ngân hàng “ra đi” trong năm 2008. Năm 2007, chỉ có 3 ngân hàng Mỹ bị các nhà chức trách đóng cửa.

Giá nhà ở Mỹ vẫn trên đường dò đáy và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đang đẩy vô số khách hàng cá nhân và doanh nghiệp Mỹ rơi vào cảnh vỡ nợ.

Do số ngân hàng bị đóng cửa tăng mạnh, quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC đang teo tọp nhanh chóng, xuống mức 18,9 tỷ USD vào cuối tháng 12 năm ngoái, thấp nhất trong vòng gần 1/4 thế kỷ qua, so với mức 52,4 tỷ USD vào cuối năm 2007. FDIC ước tính, trong khoảng thời gian 2009-2013, cơ quan này sẽ phải chi 65 tỷ USD để giải quyết các vụ đổ vỡ trong ngành ngân hàng.

Trong quý 4/2008, các ngân hàng và tổ chức tiết kiệm Mỹ được FDIC bảo hiểm thua lỗ 32,1 tỷ USD, mức lỗ kỷ lục trong 25 năm qua, so với mức lợi nhuận 575 triệu USD trong quý 4/2007. Cuối năm 2008, FDIC liệt 252 ngân hàng ở Mỹ vào danh sách những ngân hàng có khả năng bị xóa sổ, tăng mạnh so với mức 171 ngân hàng ở cuối quý 3/2008.

Tuần qua, một số ngân hàng Mỹ đã phát đi những tín hiệu khả quan. Các ngân hàng lớn như Citigroup, JPMorgan Chase, Goldman Sachs và Wells Fargo đều báo cáo kết quả kinh doanh tốt đẹp hơn dự kiến. Mức lỗ chỉ 966 triệu USD của Citigroup trong quý 1 đã được xem là một thành công của ngân hàng này. Bên cạnh đó, lợi nhuận của JPMorgan, Goldman và Wells đều ở mức cao bất ngờ.

Mặc dù vậy, vẫn có những ý kiến cho rằng, những báo cáo kết quả kinh doanh trên đang phần nào che đậy mức độ nghiêm trọng của những tác động tai hại mà cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay gây ra cho ngành ngân hàng Mỹ.

(Theo AP, Reuters)