10:14 23/08/2016

Ba vấn đề trong chuyến thăm Trung Quốc của bà Suu Kyi

An Huy

Với chuyến thăm Trung Quốc, bà Aung San Suu Kyi đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới thế giới

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và bà Aung San Suu Kyi, quốc vụ khanh Myanmar trong chuyến thăm Bắc Kinh của bà Suu Kyi, ngày 19/8 - Ảnh: AP/Nikkei Asian Review.<br>
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và bà Aung San Suu Kyi, quốc vụ khanh Myanmar trong chuyến thăm Bắc Kinh của bà Suu Kyi, ngày 19/8 - Ảnh: AP/Nikkei Asian Review.<br>
Bằng cách chọn Trung Quốc trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên ngoài khu vực Đông Nam Á kể từ khi trở thành quốc vụ khanh Myanmar và người thực chất nắm quyền lãnh đạo ở nước này, bà Aung San Suu Kyi đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới thế giới.

Theo tờ Nikkei Asian Review, Trung Quốc đã dành cho bà Suu Kyi các nghi thức tiếp đón cấp nhà nước tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh vào hôm 18/8 như một sự công nhận đối với tầm quan trọng của bà trong Chính phủ của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) - chính đảng lên cầm quyền ở Myanmar từ tháng 4 năm nay.

Từng bị “hắt hủi” bởi Trung Quốc, bà Suu Kyi, một cựu tù nhân chính trị và từng được trao giải thưởng Nobel hòa bình, đã có các cuộc gặp với cả Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Chủ tịch nước này Tập Cận Bình trong chuyến thăm. Ngoài ra, bà cũng có nhiều cuộc trao đổi với các quan chức Trung Quốc về nhiều vấn đề khác nhau.

Hai thỏa thuận về hợp tác kinh tế và kỹ thuật, bên cạnh các thỏa thuận khác được ký trong chuyến thăm, sẽ dẫn tới việc xây dựng hai bệnh viện mới và một cây cầu chiến lược ở Kunlong, Myanmar, nơi cách biên giới Trung Quốc chỉ 32 km ở về phía Đông Bắc. Bà Suu Kyi cũng mời ông Lý Khắc Cường tới thăm Myanmar.

Rõ ràng, cả Trung Quốc và Myanmar cùng có chung mong muốn và hứng thú tăng cường quan hệ song phương. Tầm quan trọng của chuyến thăm có thể tóm lược ở ba lĩnh vực. Thứ nhất là các biện pháp xây dựng niềm tin, thứ hai là sự ổn định ở đường biên giới chung giữa hai nước, và thứ ba là quan hệ thương mại và đầu tư song phương.

Xây dựng niềm tin

Về xây dựng niềm tin, Bắc Kinh vốn lo ngại không rõ Chính phủ dân bầu ở Myanmar có coi trọng quan hệ song phương giữa hai bên như chính quyền quân sự và Chính phủ bán dân sự của Tổng thống Thein Sein trước kia hay không. Khi NLD thành lập chính phủ dân sự đầu tiên ở Myanmar sau nhiều thập kỷ, đã xuất hiện những đồn đoán cho rằng Chính phủ này sẽ chấm dứt hoặc giảm sự phụ thuộc nặng nề của nước này vào Trung Quốc, thậm chí là có thái độ kém thân thiện với Trung Quốc.

Những mối quan ngại này xuất phát từ việc Trung Quốc liên tục dành sự ủng hộ cho chính quyền quân sự của Myanmar trong suốt nhiều thập kỷ khi bà Suu Kyi và nhóm đối lập do bà lãnh đạo tiến hành chiến dịch đòi dân chủ. Khi đó Bắc Kinh đã phớt lờ lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế về sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Myanmar để gây sức ép đòi chính quyền quân sự phóng thích các tù nhân chính trị bao gồm bà Suu Kyi.

Ngoài ra, Trung Quốc cùng với Nga đã sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để ngăn một nghị quyết về Myanmar vào tháng 1/2007. Đây là nghị quyết kêu gọi Chính phủ Myanmar khi đó dừng các cuộc tấn công quân sự nhằm vào thường dân ở các khu vực người thiểu số và bắt đầu đối thoại chính trị thực chất để dẫn tới quá trình chuyển giao dân chủ thực sự.

Chuyến thăm của bà Suu Kyi đã trấn an Chính phủ Trung Quốc và giúp củng cố hình ảnh của Bắc Kinh trên trường quốc tế, như ông Lý đã nói với bà Suu Kyi: “Trung Quốc là đất nước đầu tiên bà tới thăm ngoài Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau khi nhậm chức quốc vụ khanh. Điều này cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ song phương giữa hai nước đối với Chính phủ Myanmar và đối với bản thân bà”.

Ông Tập Cận Bình tái khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ song phương Trung Quốc-Myanmar, nói rằng: “Trung Quốc đề cao tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ với Myanmar” và “chúng ta nên duy trì hướng đi đúng đắn để thúc đẩy tiến bộ mới trong quan hệ song phương và đưa những lợi ích hữu hình đến cho nhân dân hai nước”.

Việc thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc cũng không kém phần quan trọng, thậm chí là quan trọng hơn đối với bà Suu Kyi và Chính phủ của bà. Bà nói với ông Lý Khắc Cường rằng Chính phủ Trung Quốc “đánh giá cao” quan hệ với Trung Quốc và cam kết tăng cường quan hệ song phương bằng cách tiếp tục các cuộc trao đổi cấp cao, cải thiện niềm tin chính trị, đẩy mạnh hợp tác ở những lĩnh vực như thương mại xuyên biên giới và nông nghiệp, và duy trì ổn định ở biên giới.

Ổn định biên giới


Về vấn đề thứ hai là ổn định ở biên giới giữa hai nước, Myanmar nhận thức rõ khả năng của Trung Quốc trong việc gây ảnh hưởng lên các nhóm vũ trang ở các vùng biên giới của Myanmar, đặc biệt là các nhóm Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA), nhóm Quân đội Giải phóng Dân tộc Ta’ang (TNLA), và nhóm Arakan.

Một thỏa thuận ngừng bắn hoặc ngừng các hoạt động thù địch giữa quân đội Chính phủ Myanmar với ba nhóm này có vai trò đặc biệt quan trọng trường thềm cuộc đàm phán hòa bình mang tên hội nghị Panglong lần thứ 21 mà bà Suu Kyi sẽ chủ trì vào cuối tháng 8 này.

Bất kỳ sai lầm nào trong việc thúc đẩy tìm giải pháp cho các cuộc xung đột đã kéo dài nhiều thập kỷ với các nhóm dân tộc thiểu số sẽ bị coi là một thất bại lớn đối với Chính phủ của NLD, bởi trong quá trình vận động tranh cử, đảng này đã cam kết đạt hòa bình, hòa giải dân tộc và tuyên bố đây là một mục tiêu chính sách chủ đạo.

Ông Lý Khắc Cường đã nói với bà Suu Kyi rằng Trung Quốc có thể tiếp tục đóng một vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho xung đột ở Myanmar. Tuyên bố này của Thủ tướng Trung Quốc được đánh giá là một thành tựu ngoại giao đối với Myanmar.

Thương mại và đầu tư

Vấn đề thứ ba và có lẽ là quan trọng nhất chính là thương mại và đầu tư. Vị trí địa lý của Myanmar khiến nước này là một cửa ngõ đi ra Ấn Độ Dương và giữ một tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc cũng như sáng kiến “một vành đai, một con đường” về phát triển hạ tầng và thương mại của Bắc Kinh nhằm “hồi sinh” tuyến giao thương con đường tơ lụa cổ xưa. Ngoài ra, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15,6 tỷ USD trong năm 2015.

Một vấn đề lớn trong quan hệ kinh tế Myanmar-Trung Quốc là dự án đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỷ USD do Trung Quốc đầu tư ở phía Đông Bắc Myanmar đã bị đình trệ. Dự án này bị chính quyền Thein Sein buộc ngừng lại vào năm 2011 do sự phản đối mạnh của người dân địa phương xuất phát từ những lo ngại về môi trường.

Bà Suu Kyi khi đó là một trong số những người phản đối dự án Myitsone. Mặc dù sự phản đối có thể vẫn tiếp tục, bà Suu Kyi đã phát tín hiệu với các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng Chính phủ Myanmar sẵn sàng cân nhắc một giải pháp có thể phù hợp với lợi ích của cả hai nước.

Trên thực tế, chỉ vài ngày trước chuyến thăm Trung Quốc của bà Suu Kyi, Tổng thống Myanmar Htin Kyaw đã tuyên bố rằng một ủy ban gồm 20 thành viên sẽ được thành lập để đánh giá các dự án đập trên dòng sông Irrawaddy, bao gồm đập Myitsone. Theo dự kiến, ủy ban này sẽ đưa ra báo cáo vào ngày 11/11.

Thông điệp lớn từ chuyến thăm Trung Quốc của bà Suu Kyi là tính thực dụng giờ đây quan trọng hơn dạng của chính phủ cầm quyền, cho dù đó là chính phủ quân sự hay dân bầu - Nikkei Asian Review nhận xét. Được đặt lên trên tất cả là một chính sách đối ngoại mang lại lợi ích chung trong sự hợp tác song phương, như trường hợp của Myanmar và Trung Quốc.

Với chuyến thăm này, bà Suu Kyi cho thấy việc tăng cường quan hệ song phương giữa Myanmar với Trung Quốc là một lựa chọn tự nguyện, không phải là một điều ép buộc. Quan trọng hơn, việc bà quyết định thăm Mỹ trước chuyến thăm Mỹ vào giữa tháng 9 cho thấy Myanmar muốn đặt trọng tâm chính sách vào vấn đề kinh tế và ổn định trong nước. Điều này cũng phản ánh rằng Chính phủ của NLD muốn cân bằng quan hệ với các nước láng giềng và phương Tây.

Sẽ là một câu chuyện khác khi bà Suu Kyi gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Washington và phát biểu trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York. Khi đó, bà có thể sẽ đề nghị cộng đồng quốc tế kiên nhẫn và ủng hộ nỗ lực của Myanmar nhằm đạt tới hòa bình và hòa giải dân tộc với các nhóm dân tộc thiểu số.

Mục tiêu lớn của bà Suu Kyi và Chính phủ Myanmar là tăng cường quan hệ ngoại giao với tất cả các cường quốc lớn, từ Trung Quốc, tới Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Nhiều ý kiến có thể cho rằng đây là một chủ trương thực dụng hoặc thực tế trong chính trị quốc tế. Một số khác có thể xem đây là chủ nghĩa cơ hội hoặc thậm chí là một dạng yếm thế của ngoại giao. Và nhận định của nhóm thứ hai có vẻ đúng hơn, khi mà bà Suu Kyi không hề đề cập tới vấn đề nhân quyền hay cải cách dân chủ trong chuyến thăm Trung Quốc.