20:19 23/07/2023

Bán hàng trên nền tảng số, tạo “bệ phóng” đưa nông sản Phú Thọ vươn xa

Chương Phượng

Chương trình tập huấn livestream bán hàng cho các chủ thể OCOP Phú Thọ đánh dấu giai đoạn bản lề cho phát triển thương mại điện tử cho nông sản của tỉnh Phú Thọ, trở thành bệ phóng giúp nông sản địa phương vươn đến tỉnh thành trên khắp cả nước, thậm chí là thị trường quốc tế…

Một gian hàng tại sự kiện.
Một gian hàng tại sự kiện.

Với mục tiêu xúc tiến thương mại và nâng cao năng lực số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương, ngày 22/7/2023, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối họp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ tổ chức chương trình tập huấn livestream bán hàng cho các chủ thể OCOP Phú Thọ.

PHÚ THỌ QUẢNG BÁ SẢN PHẨM OCOP TRÊN NỀN TẢNG SỐ

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam nhận định: Từ sau dịch Covid-19, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang mua sắm trên nền tảng thương mại điện tử. Hiện nay xu hướng người tiêu dùng hướng tới những nền tảng có tính tương tác cao, nhất là đối với các đặc sản, nông sản, các sản phẩm OCOP.

“Qua các nền tảng đó cho phép người bán hàng, các chủ thể kể câu chuyện giới thiệu về xuất xứ sản phẩm, truyền thống và quy trình sản xuất, để tăng tính tương tác giữa người tiêu dùng và người bán hàng, đặc biệt tạo niềm tin, niềm cảm hứng cho người tiêu dùng. Chúng ta đang hướng tới xu thế vừa trải nghiệm, vừa tạo cảm xúc cho người mua hàng”, ông Tiến nhấn mạnh.

Theo chủ trương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới  giai đoạn 2021-2025, TikTok, với vai trò đối tác chiến lược, đã không ngừng đưa ra những sáng kiến mới nhằm xúc tiến thương mại sản phẩm nông thôn, tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, đồng thời chuyển đổi số nông thôn mới theo định hướng nông thôn mới thông minh.

Trong khuôn khổ đó, chúng tôi tổ chức tập huấn các chủ thể để hướng dẫn, tiếp cận, bán hàng, livestream trên nền tảng Tiktokshop Việt Nam. Về phía Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp phối hợp với Tiktokshop Việt Nam hỗ trợ về cơ sở vật chất, livestream bán hàng, vấn đề logistic sản phẩm đến người tiêu dùng.

Đại diện cho công ty Tiktok tại Việt Nam ông Nguyễn Lâm Thanh cho rằng, cùng sự phát triển thần tốc của thương mại điện tử và nền kinh tế số trong nước, nông sản Việt ngày càng lớn mạnh trên thị trường quốc tế, khẳng định tiềm năng và chất lượng của sản phẩm nội địa.

“Tiếp nối chương trình dài hạn OCOP phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, đội ngũ TikTok tự hào quảng bá đặc sản địa phương, làng nghề truyền thống và các loại hình thủ công mỹ nghệ Việt Nam, góp phần xúc tiến giao thương trong khu vực và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc đến bạn bè năm châu”, ông Thanh nói.

Khẳng định Việt Nam là đất nước có nguồn nông sản phong phú, bà Vũ Diệu Thúy – Nhà sáng lập MCN Kolin cho hay: Chúng tôi muốn lan tỏa những mặt hàng nông sản, hỗ trợ người nông dân bán hàng trên nền tảng số. Định hướng đến năm 2024 MCN Kolin sẽ đồng hành cùng bà con, hướng dẫn cho người nông dân bán hàng trên nền tảng số đặc biệt là Tiktok…

Không chỉ dừng lại ở việc livestream quảng bá, bán các nông sản, sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ trên Tiktok Shop, Kolin MCN sẽ tiếp tục chiến dịch hỗ trợ các chủ thể tham gia kinh doanh nông sản online với các hoạt động tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao quy trình lập gian hàng, xây và vận hành kênh bán hàng.

"Thông qua các hoạt động đồng hành đó sẽ giúp cho các chủ thể có thể chủ động tìm ra hướng đi mới dài hạn cho việc quảng bá và kinh doanh nông sản tại địa phương, góp phần quảng bá về văn hóa truyền thống, lịch sử của quê hương mình tới mọi miền tổ quốc", bà Vũ Diệu Thúy nhấn mạnh.

THU HÚT HƠN 20 TRIỆU LƯỢT TƯƠNG TÁC

Theo Ban tổ chức, sự kiện livestream của chương trình đã thu hút hơn 20 triệu  lượt xem, minh chứng cho sức hút của các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Các sản phẩm được livestream bán hàng tại sự kiện này, thuộc về 6 chủ thể: Trường Foods có Thịt chua; Công ty TNHH chè Hoài Trung (xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba) có Chè Đinh OCOP 5 sao; HTX Mì gạo Hùng lô (TP. Việt Trì) có Bún gạo; HTX Liên Gia Trang với  Tương Hoa Lúa, Rau sắn muối chua; Công ty TNHH Maika food có hơn 40 sản phẩm nông đặc sản các loại.

 

"Thông qua dự án này, TikTok đặt mục tiêu cải thiện sinh kế của 20.000 nông dân địa phương, người dân thuộc các làng nghề thủ công và các doanh nghiệp nhỏ trải dài trên khắp 63 tỉnh thành của Việt Nam, đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống địa phương và thúc đẩy du lịch".

Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok tại Việt Nam.

Tại sự kiện, một nông dân chia sẻ: Tham gia chương trình livestream, chúng tôi đã được hướng dẫn cách bán hàng trên sàn thương mại điện tử, nhằm cho người tiêu dùng có những trải nghiệm mua sắm mới mẻ. Tôi thấy đây là hướng đi mới cho các chủ thể đặc biệt là người nông dân có cơ hội tạo ra được doanh số, lợi nhuận có sự ổn định, bền vững cao hơn các loại hình kinh doanh truyền thống.

Được biết, vào tháng 4/2023, TikTok cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp Việt Nam đã ký kết hợp tác nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số của các chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận chương trình "Mỗi xã Một sản phẩm" (OCOP) trên sàn thương mại điện tử, đồng thời kết nối tạo ra lợi thế, điều kiện thuận lợi cho việc phát triển tiêu thụ nông sản ở Việt Nam.

Từ đây, TikTok cho ra mắt chuỗi sự kiện Chợ phiên OCOP, được phát sóng trực tiếp (livestream) trên TikTok Shop hàng tuần, sự kiện sẽ là cơ hội quảng bá và bán hàng trực tuyến các sản phẩm - đặc sản vùng miền do chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương sản xuất.

Ngoài chương trình “Chợ Phiên OCOP - Về Miền Đất Tổ” được tổ chức ngày 22/7 thì chiến dịch “Kết nối, hỗ trợ bà con nông dân quảng bá và kinh doanh nông sản trên nền tảng số ” của Kolin MCN kết hợp với Agritrade và Tiktok Việt Nam sẽ tiếp tục được thực hiện xuyên suốt trong 2 năm tới đây.

Các chương trình này hứa hẹn sẽ giúp người nông dân tự tin kinh doanh hiệu quả từ các nền tảng online; góp phần quảng bá, gìn giữ văn hoá truyền thống của các địa phương.