Bán tháo ở Phố Wall liệu có khiến FED “chùn tay”?
Những lời chỉ trích của ông Trump và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ có đủ sức khiến FED dừng nâng lãi suất?
Thị trường chứng khoán bán tháo, căng thẳng thương mại gia tăng với Trung Quốc, kinh tế toàn cầu trước nguy cơ giảm tốc, và những lời chỉ trích từ Tổng thống Donald Trump. Đó là tất cả những gì mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang phải đối mặt vào thời điểm hiện nay.
Tuy nhiên, hãng tin Reuters cho rằng những yếu tố này chưa chắc đã cản trở kế hoạch nâng lãi suất của FED, bởi nền kinh tế Mỹ vẫn đang diễn biến đúng với các dự báo mà FED đưa ra.
Hai phiên giao dịch sóng gió vừa qua trên thị trường chứng khoán Mỹ đã khiến chỉ số Dow Jones "bốc hơi" khoảng 1.400 điểm. Trong cuộc họp thường niên tại Bali, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay và năm tới. Ông Trump tiếp tục công kích việc FED nâng lãi suất, cho rằng FED "bị điên mất rồi".
Tuy nhiên, các dữ liệu kinh tế Mỹ được công bố kể từ sau cuộc họp gần đây nhất, diễn ra vào tháng 9, của FED đều phù hợp với bức tranh mà ngân hàng trung ương này phác họa về một nền kinh tế với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp lịch sử và lạm phát giữ ở mức gần mục tiêu 2% trong tương lai gần.
FED dự tính rằng việc nâng lãi suất từ tốn - tiếp diễn trong vòng khoảng 1 năm rưỡi nữa, nâng lãi suất từ khoảng 2-2,5% hiện nay lên ngưỡng khoảng 3,4% - sẽ khiến nền kinh tế Mỹ giảm tốc một chút, nhưng sẽ có tác dụng giữ lạm phát trong tầm kiểm soát trong thời kỳ tăng trưởng kỷ lục kéo dài từ khi Tổng thống Barack Obama còn cầm quyền cho tới nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
So với mấy năm trước, khi FED phải "chiến đấu" với cả tỷ lệ thất nghiệp cao và mức lạm phát èo uột, đây đã là một kịch bản tương đối tươi sáng mà hầu hết các nhà phân tích và quan chức cho là phù hợp với chính sách hiện nay của FED và không có lý do gì để FED phải thay đổi đường đi của chính sách.
Ngay cả cố vấn kinh tế cấp cao nhất của ông Trump là ông Larry Kudlow cũng cho rằng FED đang đi đúng hướng, rằng việc FED có thể nâng lãi suất là một tín hiệu tốt về sức khỏe nền kinh tế, "một điều đáng để hoan nghênh thay vì lo sợ".
Tỷ lệ thất nghiệp tháng 9 của Mỹ giảm xuống mức 3,7%, mức thấp nhất trong vòng gần nửa thế kỷ. Báo cáo lạm phát công bố hôm thứ Năm cho thấy tốc độ tăng giá vẫn trong tầm kiểm soát và gần sát với mục tiêu mà FED đề ra.
Ngay cả việc lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh gần đây - một vấn đề khiến giới đầu tư hoảng sợ - thực ra cũng là một dấu hiệu cho thấy kinh tế đang trong tình trạng tốt.
Những lời chỉ trích của ông Trump và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán "sẽ không đủ để ngăn FED nâng lãi suất thêm lần nữa vào tháng 12", một báo cáo ra ngày thứ Năm của Capital Economics nhận định, sau khi thống kê cho thấy giá tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 9 tăng yếu hơn dự báo nhưng vẫn gần với mục tiêu của FED.
Một báo cáo khác của Macroeconomic Advisers giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ ở mức 3,7% cho quý 3 và 2,6% cho quý 4 năm nay.
Năm nay, FED đã liên tục điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ, trong bối cảnh chương trình cắt giảm thuế và tăng chi tiêu của Chính phủ Mỹ dần phát huy tác dụng.
Nếu thị trường chứng khoán Mỹ giảm kéo dài, thì dự báo tăng trưởng kinh tế của FED có thể cũng sẽ được điều chỉnh theo, bởi cổ phiếu mất giá sẽ xói mòn tài sản của các hộ gia đình và niềm tin của doanh nghiệp, dẫn tới việc người tiêu dùng và nhà đầu tư hạn chế chi tiêu.
Mặc dù vậy, ở thời điểm hiện tại, giới đầu tư vẫn giữ đặt cược vào việc FED tiếp tục nâng lãi suất, với khả năng một đợt nâng diễn ra vào tháng 12 đang ở mức 78%, chỉ giảm khoảng 3 điểm phần trăm so với trước phiên sụt giảm của chứng khoán Mỹ và những lời chỉ trích FED của Tổng thống Trump hôm thứ Tư.