15:14 09/12/2009

Bằng cử nhân mất giá ở Mỹ

Mai Phương

Giờ đây, tấm bằng đại học bị xem là không còn nhiều giá trị tại nền kinh tế lớn nhất thế giới

Đối với nhiều người Mỹ ngày nay, việc học lên đại học cũng chỉ giống như thi lấy bằng lái xe - Ảnh: Time/Getty.
Đối với nhiều người Mỹ ngày nay, việc học lên đại học cũng chỉ giống như thi lấy bằng lái xe - Ảnh: Time/Getty.
Các nhà tuyển dụng và chuyên gia về thị trường việc làm tại Mỹ cho rằng, nước này đang ở trong tình trạng dư thừa cử nhân, trong đó nhiều sinh viên ra trường với một khoản vay học hành không nhỏ.

Giờ đây, tấm bằng đại học bị xem là không còn nhiều giá trị tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thị trường việc làm Mỹ ảm đạm trong thời gian suy thoái không phải là khó khăn duy nhất đối với những người sở hữu bằng đại học ở Mỹ hiện nay. Vào thời điểm năm 1973, nước Mỹ hiếm cử nhân hơn, với chỉ 47% số học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học tiếp tục học lên đại học. Nhưng tới tháng 10/2008, tỷ lệ này đã tăng lên gần 70%. Đối với nhiều người Mỹ ngày nay, việc học lên đại học cũng chỉ giống như thi lấy bằng lái xe.

Ông Marty Nemko, một chuyên gia về nghề nghiệp và giáo dục thuộc Đại học California, cho rằng, số lượng cử nhân đông đảo tại Mỹ là kết quả của việc nhiều học sinh có học lực yếu ở phổ thông nhưng vẫn cố theo lên đại học mặc dù lựa chọn khác có thể tốt hơn cho những em này. Do đó, nhiều sinh viên ra trường không có đủ những kỹ năng cần thiết, làm các nhà tuyển dụng mất niềm tin vào cử nhân.

“Học sinh đang chịu áp lực lớn trong việc phải học đại học. Bởi vậy, tấm bằng đại học mà giờ đây chẳng còn nhiều ý nghĩa với nhà tuyển dụng nữa”, ông Nemko nói.

Tuy nhiên, chi phí để có được tấm bằng đại học tại Mỹ chẳng hề giảm. Mùa thu năm nay, học phí đại học bình quân ở Mỹ tăng 6,5%, đồng thời số tiền vay ăn học của sinh viên Mỹ cũng gia tăng.

Thống kê cho thấy, 2/3 sinh viên Mỹ ra trường hiện nay với gánh nặng nợ nần. Vào năm 2008, số nợ tiền vay ăn học của mỗi tân cử nhân ở Mỹ là 23.200 USD. Theo Bộ Giáo dục Mỹ, trong năm học trước, tổng tiền cho sinh viên vay ăn học ở Mỹ tăng 18% so với năm học trước đó, lên mức 81 tỷ USD.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của đối tượng cử nhân mới tốt nghiệp ở Mỹ cũng tăng, hiện ở mức cao kỷ lục 10,6%.

Các sinh viên mới đặt chân vào ngưỡng cửa đại học cũng thừa biết sự mất giá của tấm bằng cử nhân.

Từ lâu, Viện Nghiên cứu giáo dục bậc cao (HERI) của Mỹ đã tiến hành các cuộc nghiên cứu thường niên nhằm thăm dò ý kiến của các tân sinh viên xem họ muốn phấn đấu tới bằng cấp nào.

Vào năm 1972, 38% số người trả lời rằng học sẽ học đến đại học là cùng, nhưng tới năm 2008, chỉ 22% chọn câu trả lời này. Trong khi đó, số tân sinh viên dự kiến lấy bằng cao học đã tăng từ mức 31% vào năm 1972 lên mức 42% vào năm 2008.

“Nhiều năm trước, bằng đại học là chìa khóa để tìm được công việc tốt. Nhưng ngày nay, mọi người phải cần nhiều hơn thế”, ông John Pryor, Giám đốc HERI, nhận xét.

(Theo Time)