Bàng hoàng sau cơn lũ dữ
Giữa mưa lũ dữ dội quét qua nhiều xã miền núi tỉnh Nghệ An, hàng nghìn người dân phải thức trắng đêm để giành giật sự sống, chạy lũ, sơ tán tài sản. Những con đường bị chia cắt, những ngôi nhà bị cuốn trôi, những ánh mắt thẫn thờ giữa hoang tàn... tất cả đang phơi bày sự khốc liệt mà thiên tai để lại...

Mưa lũ dữ dội đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều xã miền núi Nghệ An. Đêm 22/7/2025, nước từ sông Nậm Mộ dâng nhanh bất thường, tràn vào xã Mường Xén. Cả vùng như bị nhấn chìm trong tiếng nước đổ, tiếng người hò hét, gọi nhau sơ tán. Hàng trăm hộ dân phải bỏ nhà cửa, chỉ kịp mang theo một vài vật dụng cá nhân để chạy lũ. Không khí hỗn loạn bao trùm khắp các khối, bản thấp trũng ven sông.
TRẮNG TAY CHỈ SAU MỘT ĐÊM
“Chỉ trong vòng chưa đầy một tiếng, nước đã lên gần 2 mét. Tài sản không kịp di dời. Chúng tôi hoảng loạn, chỉ biết kêu cứu. May mà có bộ đội và công an kịp thời đưa ra khỏi nhà. Cả gia đình giờ trắng tay rồi,” chị Trần Thị Bình, một người dân tại bản Mường Xén, nghẹn ngào kể lại.
Chính quyền địa phương đã chủ động các lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên… hỗ trợ người dân di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn, tập trung tại trụ sở Trung tâm chính trị cũ để trú nhờ.
Theo ông Nguyễn Viết Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Mường Xén, đây là trận lũ lịch sử khiến nhiều khu vực trên địa bàn xã ngập sâu. Trong đêm, lực lượng chức năng trắng đêm giúp dân ứng phó, đưa người đến nơi an toàn. Khi nước bắt đầu rút vào ngày 23/7, người dân và chính quyền địa phương tranh thủ dọn dẹp với phương châm “nước rút đến đâu dọn dẹp đến đó”.
Cũng trong đêm 22/7, một trận lũ quét kinh hoàng đã ập xuống xã biên giới Mỹ Lý. Đến rạng sáng 23/7, hơn 200 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, trong đó có 109 nhà sập hoàn toàn, 122 nhà bị hư hại từ 50-70%. Tài sản nhiều hộ dân gần như mất sạch sau một đêm.

Theo ông Lương Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý, lũ đã tràn ngập toàn bộ bảy bản dọc sông. Công tác ứng cứu theo phương châm “4 tại chỗ” gặp rất nhiều khó khăn do nước chảy xiết, nhiều bản như Xốp Tụ, Hòa Lý, Xiềng Tắm, Yên Hòa… bị cô lập hoàn toàn.
Không chỉ nhà dân, mà các công trình công cộng như trụ sở UBND xã, trường học, đồn biên phòng cũng bị ngập sâu. Người dân được sơ tán tạm thời đến nhà người thân trong khi chính quyền cùng lực lượng bộ đội biên phòng nỗ lực dọn dẹp, ổn định đời sống.

Người dân nơi đây đã quá mệt mỏi sau những ngày chạy lũ. Nay lại gồng mình khắc phục hậu quả trong điều kiện thiếu nhân lực, thiếu vật tư, khi khối lượng bùn đất, rác, cành cây quá lớn đang vượt khả năng ứng phó tại chỗ.
CẢ XÓM MẤT NHÀ, PHẢI NGỦ TRÊN THUYỀN
Đêm 23, rạng sáng 24/7, nước sông Lam qua xã Con Cuông vẫn cuồn cuộn chảy. Nhiều khu dân cư ngập sâu từ 1-3m, tuyến Quốc lộ 7 chưa thể lưu thông do nhiều điểm ngập nặng. Trước đó, nước đổ về trong đêm khiến nhiều người dân phải tất tả chạy lũ, không kịp di dời tài sản, đành để lại tất cả trong dòng nước lũ đục ngầu.
Tại thôn Vĩnh Hoàn (xóm vạn chài), hơn chục hộ dân chưa thể trở về nhà. Họ buộc phải thức trắng đêm trên thuyền, dõi theo diễn biến con nước. Anh Cao Tiến Lành, 32 tuổi, chia sẻ: “Đây là đêm thứ hai cả xóm không ngủ. Đêm trước phải tất tả chạy lũ, đêm nay chúng tôi ngồi trên thuyền nhìn mực nước rút từng chút một.”

Ngôi nhà của anh Lành cùng nhà bố mẹ bị nước xô dịch ra sát mép sông, có nguy cơ đổ sụp. “Nóng ruột lắm nhưng cũng không dám chèo thuyền ra vì bờ sông vẫn đang tiếp tục sạt lở,” anh nói.
Chiều và tối ngày 23/7, do thủy điện thượng nguồn xả lũ, nước sông Lam dâng nhanh khiến nhiều khu dân cư tại các xã vùng trũng như Vĩnh Tường, Nhân Hòa, Yên Xuân… bị ngập sâu, chia cắt. Tại thôn Đỉnh Hợp (xã Nhân Hòa), nước bắt đầu tràn vào từ chiều, đến tối đã ngập sâu nhiều nhà dân.
Ông Nguyễn Đức Thắng, một người dân tại đây, kể: “Chiều còn thấy nước mấp mé ngoài cổng, đến tối đã vào tận nhà. Nhờ bà con lối xóm giúp, chúng tôi kịp kê cao lúa, đưa vật nuôi đi gửi, sơ tán người đến nơi an toàn”.
Chủ tịch UBND xã Nhân Hòa – ông Đặng Đình Lục cho biết khoảng 30 hộ dân đã được sơ tán khẩn cấp trong đêm. “Họ nghĩ nước không thể vào được vùng cao như vậy. Nhưng đến nửa đêm 23/7, nước ập vào. Chúng tôi phải huy động toàn bộ lực lượng, dùng thuyền máy đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm,” ông Lục chia sẻ.

Cũng trong đêm 23/7, xã biên giới Nhôn Mai bị cô lập hoàn toàn. Thông tin liên lạc gián đoạn, đường sá chia cắt, không thể tiếp cận bằng phương tiện cơ giới. Trong bóng tối bao phủ cả bản làng, chính quyền địa phương và người dân cố gắng duy trì liên lạc, ứng phó trong điều kiện vô cùng khó khăn.
Theo ông Mạc Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Nhôn Mai, dù đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống mưa lũ, nhưng trận lũ lịch sử vẫn gây thiệt hại nặng nề. Trên địa bàn có một người tử vong do sạt lở đất, 20 ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, hàng chục nhà phải di dời khẩn cấp. Toàn bộ diện tích lúa, hoa màu gần như mất trắng.
“Chúng tôi không thể liên lạc ra ngoài bằng điện thoại. Tôi phải trèo lên đồi cao, tìm chỗ có ‘sóng rớt’ để nhắn từng dòng tin nhắn báo ra ngoài tình hình thiệt hại,” ông Nguyên chia sẻ. Lực lượng bên ngoài chưa thể tiếp cận, xã đang tự khắc phục bước đầu bằng phương châm “4 tại chỗ”.
Sau lũ là bùn đất, là nước đọng, là nỗi đau mất mát tài sản, nhà cửa. Hàng nghìn người dân miền Tây Nghệ An đang gắng gượng khắc phục hậu quả trong điều kiện thiếu thốn về lực lượng, phương tiện và cả tinh thần. Những tấm áo mưa được phát vội, những suất cơm cứu trợ, những chiếc xuồng nhỏ đi lại chở dân từng đợt… đang là hình ảnh quen thuộc suốt mấy ngày qua.

Nhiều tuyến đường giao thông vẫn tê liệt do sạt lở, ngập sâu. Lực lượng chức năng phải dùng đến thuyền máy để tiếp cận những điểm cô lập. Từng đoàn xe cứu trợ từ các địa phương khác cũng bắt đầu vượt lũ vào hỗ trợ người dân. Nhưng những ngày sau lũ là một hành trình dài và vất vả. Hàng trăm ngôi nhà cần xây lại, hàng nghìn mét khối bùn đất cần dọn dẹp, cùng vô số nhu yếu phẩm, vật tư y tế đang thiếu hụt trầm trọng.

THIỆT HẠI NẶNG NỀ
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An đến tối 23/7 cho biết, ảnh hưởng của mưa lũ đã khiến 3 người chết gồm: bà Lỳ Y Dinh (70 tuổi, trú bản Huồi Pốc, xã Nậm Cắn) bị nước lũ cuốn trôi; bà Vừ Y Xìa (78 tuổi, trú bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai) bị đất, đá vùi lấp) và 1 người dân ở xã Bắc Lý chưa rõ danh tính.
Hơn 450 căn nhà tại các xã: Bạch Ngọc, Vĩnh Tường, Quang Đồng, Yên Thành, Quế Phong, Châu Bình, Nhôn Mai, Yên Hòa, Na Loi, Hữu Kiệm, Yên Na, Mường Xén, Nậm Cắn, Lượng Minh, Tri Lễ, Yên Xuân, Nghĩa Đồng, Na Ngoi, Châu Hồng, Mường Chọng bị hư hỏng, tốc mái. Gần 3.800 nhà bị ngập nước tại các xã: Mường Xén, Thanh Bình Thọ, Tương Dương, Tam Quang, Con Cuông...
Thiệt hại về nông nghiệp là rất lớn khi hơn 1.600ha lúa, 307ha mạ, gần 1.300ha rau mau, 990ha cây trồng hàng năm... bị thiệt hại, hư hỏng. Gần 3.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; gần 160ha diện tích ao hồ, bị thiệt hại, 92 lồng bè hư hỏng và nhiều thiệt hại khác về giao thông, thủy lợi, thông tin liên lạc, y tế.