22:41 13/09/2008

Báo cáo của WB: Một số chỉ số chưa phản ánh đúng về Việt Nam?

Đăng Huân

Một số ý kiến về báo cáo “Môi trường kinh doanh 2009” của Ngân hàng Thế giới (WB)

Theo ý kiến chuyên gia, một số chỉ số trong báo cáo của WB chưa sát thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại Việt Nam - Ảnh: Đức Thọ.
Theo ý kiến chuyên gia, một số chỉ số trong báo cáo của WB chưa sát thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại Việt Nam - Ảnh: Đức Thọ.
Bản báo cáo về “Môi trường kinh doanh 2009” của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố xếp Việt Nam đứng vị trí 92 trong số 181 nền kinh tế.

Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến chuyên gia xung quanh chỉ số này.

Ông Trần Anh Đức, Giám đốc Văn phòng luật Vilaf - Hồng Đức:

"Trong báo cáo nói về thời gian để thực hiện thành lập doanh nghiệp Việt Nam là 50 ngày. Ở Việt Nam có một số thủ tục khác nhau, nếu chỉ nhìn vào thủ tục đăng ký kinh doanh thuần túy thì chỉ mất một đến hai tuần. Nhưng Luật đầu tư mới đặt ra gần đây có đưa thêm một thủ tục nữa là phê duyệt dự án, nghĩa là dự án đầu tư phải có giấy chứng nhận đầu tư.

Vấn đề ở đây là khởi nghiệp kinh doanh không nên hiểu là gói gọn trong việc đăng ký kinh doanh mà để bắt đầu hoạt động được thì phải có đăng ký kinh doanh, phải có giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án và thủ tục đưa ra ở đây là 50 ngày thực ra là lấy con số trung bình vì trên thực tế có những dự án phê duyệt được dự án mất 1 - 6 tháng, thậm chí cả năm. Con số trung bình 50 ngày là tương đối chính xác để đưa công ty vào kinh doanh, để có chứng nhận đầu tư.

Thứ hai, đối với doanh nghiệp nước ngoài, luật Việt Nam đã cho phép các công ty này được tiến hành kinh doanh về xuất nhập khẩu, phân phối. Luật quy định thời gian tối đa cấp phép là chưa đến hai tháng nhưng thực tế các cơ quan cũng phải mất từ 3 - 6 tháng để cấp được một giấy phép đầu tư.

Trong lĩnh vực mà Việt Nam đạt được chỉ số rất tốt như chỉ số thực thi hợp đồng. Việt Nam đạt được con số năm ngoái là 40, năm nay là 42 trên tổng số 182 nước. Ở đây có đưa ra con số 295 ngày. Con số này được tính từ thời điểm nào? Từ thời điểm tiến hành đòi nợ, gửi đơn ra tòa, giải quyết tranh chấp xong tại tòa sau đó chuyển sang thủ tục thi hành án. Tòa có những thủ tục như các bên hòa giải, tòa sơ thẩm mất từ 3 - 6 tháng, tòa phúc thẩm cũng mất một khoảng tương tự, giám đốc thẩm có khi mất cả năm sau đó chuyển sang thi hành án lại mất cỡ khoảng 6 tháng, 1 năm hoặc 3 năm.

Như vậy, thực tế doanh nghiệp nào đã phải ra tòa thì mới biết là khó khăn đến mức nào và mất bao nhiêu thời gian. Theo chúng tôi thì phải là 500 - 1.000 ngày mới phản ánh một cách tương đối hệ thống chính sách thực thi hợp đồng tại Việt Nam".

Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

"Về thời gian để hoàn thành thủ tục thuế, con số 1.050 giờ mà không thay đổi trong 3 năm là con số cũng cần phải xem xét lại. Tôi biết rằng cơ quan quản lý có trách nhiệm với con số này. Năm ngoái sau khi có báo cáo về môi trường kinh doanh, nhiệm vụ của Tổng cục Thuế là phải bóc tách ra cụ thể. Trong đó có cho biết 200 giờ không liên quan gì đến vấn đề thuế mà liên quan đến vấn đề bảo hiểm xã hội, còn lại có cả thuế xuất nhập khẩu do hải quan quản lý và thuế quản lý nội địa. Ngoài ra, còn có một số giờ trùng về tính toán khác mà doanh nghiệp không rõ.

Thứ hai là con số về đăng ký kinh doanh. Một trong những thành tựu của Việt Nam mà cả trong rổ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và các báo cáo của các cơ quan thẩm quyền Việt Nam thì chỉ số đăng ký kinh doanh là tiến bộ nhất cả về mặt quy phạm pháp luật lẫn trong thực tế.

Về văn bản quy phạm, với luật doanh nghiệp 2005 quy định rút xuống còn 10 ngày, thông tư 05/2008 rút xuống còn 5 ngày. Trong thực tế từ chỗ trước đây là 33 ngày sau đó nhiều nơi chỉ còn 22 ngày và hiện nay là 15 ngày, thậm chí là 7 - 8 ngày đã làm xong 3 thủ tục kết hợp để bắt đầu mã số đăng ký kinh doanh, mã số thuế. Và những cải cách mã số đăng ký kinh doanh, mã số thuế là tốt.

Thứ ba là các chỉ số ở đây không thay đổi tương đối nhiều. Trong suốt cả 3 báo cáo gần đây có đến 47% các chỉ số thành phần không thay đổi, còn 2 năm 2008 - 2009 con số lên đến 67%. Như vậy cũng nên xem xét lại các con số.

Chúng tôi cho rằng thứ hạng chỉ có tính chất tương đối và nó không giúp chúng ta cải thiện được vấn đề gì nếu chúng ta bắt mạch trong 10 chỉ số thành phần mạnh về cái gì, xấu về cái gì và đưa ra giải pháp tốt hơn. Cho nên bản báo cáo cần phải đa dạng hóa hơn đối tượng tham vấn, và những người tham vấn phải sát hơn với những công ty nội địa nhỏ và vừa.

Và công bố này phải cụ thể hơn nữa để dễ dàng đối chiếu hơn, hơn nữa các chỉ số phụ phải hết sức cụ thể khi đó mới có thể chữa được bệnh của Việt Nam. Ví dụ như 11 thủ tục của đăng ký kinh doanh gồm những thủ tục gì và nó là bao nhiêu thì lúc bấy giờ cơ quan đăng ký kinh doanh phải có trách nhiệm đối chiếu.

Tương tự như vậy với các chỉ số xuất nhập khẩu. Ví dụ, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa bằng công ten nơ bao gồm những chứng từ gì, chi phí cho mỗi thủ tục là bao nhiêu.

Năm ngoái, Việt Nam đứng cuối của nửa đầu trong 178 nước, ở vị trí 91, năm nay chúng ta đứng đầu của nửa cuối với vị trí thứ 92 trong số 181 nước. Trong hai năm liền những quốc gia có nhiều cải cách nhất đều thuộc nền kinh tế chuyển đổi từ kế hoạch tập trung trước đây sang kinh tế thị trường. Các quốc gia này rất giống với Việt Nam mà họ làm được rất nhiều cải cách. Và Việt Nam phải cải cách nhiều hơn nữa. Điều đó chứng tỏ khung pháp luật của thời kinh tế hóa tập trung rất xa rời khung pháp luật của kinh tế thị trường và khoảng không để cho các quốc gia đó chuyển đổi, cải cách là rất rộng.

Về chất lượng của các chỉ số thành phần. Có những chỉ số chỉ bằng quyết định hành chính cộng với tinh thần mẫn cán của công chức thì có thể làm rất nhanh. Ví dụ như chỉ số đăng ký kinh doanh cùng với áp dụng công nghệ thông tin chúng ta làm rất nhanh nhưng có những chỉ số chúng ta phải chiến đấu lâu dài và nỗ lực cực lớn.

Các doanh nghiệp, các nhà tư vấn, các cơ quan quản lý nhà nước nên nhìn vào các chỉ số thành phần này để biết rõ mình đang ở trong tình trạng nào".

Ông Martin Rama, quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam:

"Có khả năng thứ hạng không được cải thiện do nhà đầu tư chưa nhìn thấy rõ nét những cải cách trong nước. Dù thứ hạng như vậy nhưng chúng tôi vẫn nhận thấy những tiến bộ của Việt Nam.

Thứ hạng môi trường kinh doanh của các nền kinh tế chỉ là tương đối, điều quan trọng là cách cải thiện như thế nào và lĩnh vực nào cần cải thiện hơn nữa tại Việt Nam. Tôi cho rằng xóa bỏ những rào cản trong khu vực tư nhân và cải cách ngân hàng là hai vấn đề quan trọng nhất hiện nay tại Việt Nam".

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp:

"Báo cáo năm nay cho thấy khoảng cách giữa Việt Nam và các quốc gia dẫn đầu trong nhóm ASEAN vẫn còn rất xa. Các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan và Malaysia được xếp vào nhóm 20 quốc gia tạo điều kiện dễ dàng nhất cho hoạt động kinh doanh lần lượt ở ví trí 1, 3 và 20 thì Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm 90 quốc gia khó khăn nhất cho các hoạt động này.

Mặc dù các chỉ số thay đổi ít hoặc thay đổi tốt hơn nhưng xếp hạng tụt xuống. Ví dụ như chỉ số thành lập doanh nghiệp xếp hạng năm nay là 108, năm ngoái là 97 trong khi thủ tục thực thi hợp đồng vẫn là 11, thời gian đăng ký vẫn là 50 ngày, chi phí thành lập doanh nghiệp giảm xuống mức 16,8% so với mức 20% của năm ngoái. Điều này cho thấy Việt Nam đã có những cố gắng cải cách tích cực môi trường kinh doanh nhưng các nước khác cũng tiếp tục cải cách và cải thiện tốt hơn Việt Nam.

Đối với một số chỉ số mà Việt Nam tương đối cao như đăng ký tài sản xếp hạng 37, vốn tín dụng xếp hạng 43, thực thi hợp đồng xếp hạng 42... Điều này có phải thứ hạng thể hiện là tín dụng tại Việt Nam đã giải quyết tốt hơn so với những nước khác, tôi nghĩ không phải.

Chuyện tín dụng thì như chúng ta biết việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp là rất khó, khác rất nhiều so với xếp hạng ở đây. Những cái này không nói lên được thực tế các doanh nghiệp Việt Nam nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đối tượng của nghiên cứu này tiếp cận với vốn tín dụng như thế nào nhất là từ cuối năm ngoái đến nay.

Thứ ba là các chỉ số này chỉ được đưa ra một cách thuần túy, tập trung vào đo lường quy định hành chính, và dựa trên các văn bản pháp quy đã được công bố trong khi đối với Việt Nam các chỉ số quan trọng nhất tác động đến kinh doanh khác ảnh hưởng như lao động, tham nhũng, kinh tế vĩ mô, cơ sở hạ tầng... rất quan trọng thì không được đề cập đến. 3 nút thắt cổ chai của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là lao động, hạ tầng, môi trường pháp lý thì gần như không được phản ánh đến trong bản báo cáo.

Chúng tôi cũng e ngại rằng đến cuối năm nay và quý 1 năm tới có thể chứng kiến sự biến mất của một loạt các doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu như các biện pháp tiếp cận tín dụng không được cải thiện.

Về phương pháp làm báo cáo và tiếp cận đối tượng tham vấn còn quan liêu. Trong báo cáo có nói là không đánh giá về đầu tư nước ngoài nhưng lại hỏi các hãng luật nước ngoài mà đối tượng khách hàng chính của họ là các nhà đầu tư nước ngoài nên họ không phải là người trực tiếp tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam; ví dụ như thành lập doanh nghiệp thì không doanh nghiệp nhỏ nào của Việt Nam lại đi hỏi các hãng luật nước ngoài bởi đơn giản là chi phí quá cao. Như vậy hỏi không đúng đối tượng.

Ở Tp.HCM, việc đăng ký kinh doanh qua mạng đã được phổ biến cách đây hai năm và cũng bản báo cáo này đã lấy đó là điểm sáng của Việt Nam nhưng lần này cũng lấy chủ yếu ở Tp.HCM mà lại bỏ qua chuyện này nên cũng cần xem xét lại.

Thực tế diễn ra ở Việt Nam trong những năm gần đây với tốc độ tăng trưởng GDP tương đối cao thường đánh giá qua 3 động lực chính: xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, sự phát triển của khu vực tư nhân. Khu vực tư nhân sau này mới trở thành động lực phát triển quan trọng của Việt Nam nhưng càng những năm sau này vai trò càng đậm lên về tạo viêc làm, xuất khẩu... thế nhưng với môi trương kinh doanh như thế này nó ảnh hưởng chủ yếu đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa từ thành lập doanh nghiệp, vay vốn tín dụng, khó khăn về lao động, tất cả những thứ này đổ dồn về các công ty tư nhân Việt Nam. Cho nên những tác động đó xấu đi chừng nào thì ảnh hưởng đến khu vực tư nhân chừng ấy.

Thứ hai là về động lực xuất khẩu. Liên tục trong nhiều năm về thương mại quốc tế, những chi phí chứng từ, thời gian, xuất nhập khẩu luôn ở mức cao. Thứ hạng trong năm nay là 67 trên toàn cầu nhưng so sánh với những những đối thủ cạnh tranh trực tiếp thì chúng ta thua rất nhiều như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philipines..., ví dụ về chi phí thương mại trong xuất khẩu chúng ta đắt hơn 6 bậc so với Thái Lan, Malaysia, đắt hơn nhiều lần so với Trung Quốc. Chúng ta đắt hơn trong một container xuất khẩu đi từ Việt Nam và nhập khẩu về Việt Nam.

Nếu chi phí xuất và nhập khẩu cao như vậy, chắc chắn ảnh hưởng đến nền kinh tế. Điều này giải thích thêm một phần tại sao nhập khẩu Việt Nam nhập siêu như vậy và xuất khẩu không thể nào vươn lên được".