16:20 28/05/2014

Báo cáo Quốc hội về dịch sởi, Bộ Y tế nói gì?

Nguyên Hà

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra 3 ưu điểm và 3 hạn chế

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Mặc dù đã có báo cáo về kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế mới đây lại có thêm văn bản báo cáo thêm một số vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm.

Ngay tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ bảy, báo cáo tập hợp ý kiến kiến nghị của cử tri đã nêu rõ, cử tri đề nghị Bộ Y tế làm rõ trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, điều hành của Bộ trong việc tiêm vắc xin gây tử vong trẻ sơ sinh, dịch sởi làm chết nhiều trẻ em thời gian qua khiến dư luận bức xúc.

Trước đó, tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, cử tri Đà Nẵng cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xem xét rõ trách nhiệm của người đứng đầu Bộ Y tế trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của mình, củng cố lòng tin trong nhân dân.

Dịch đã giảm nhanh


Một trong bốn trọng tâm của báo cáo nói trên là tình hình một số dịch bệnh và các biện pháp phòng chống. Và bệnh sởi là nội dung được đề cập đầu tiên.

Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 4.602 trường hợp được xác định là mắc sởi trong số 21.639 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, tại 62/63 tỉnh, thành phố.

Trong đó 30% số mắc tập trung ở Hà Nội - địa phương có số mắc cao nhất, sau đó là Tp.HCM. Có 87,4% trường hợp trẻ mắc sởi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng, 9% mới chỉ tiêm một mũi vắc xin sởi. 76,5% trẻ mắc sởi là trẻ em dưới 10 tuổi, 2,5% là trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi.

Dịch xảy ra rải rác tại các xã/phường ở 62 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, không có các ổ dịch tập trung, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về số tử vong liên quan đến sởi, báo cáo cho biết đến nay đã ghi nhận 142 trường hợp tại khu vực miền Bắc, trong đó trên 57% trường hợp tử vong ở Hà Nội, 87,3% trường hợp tử vong tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tiếp đó là ở Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai 12%. Khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên không ghi nhận trường hợp tử vong do sởi.

Bên cạnh một số nguyên nhân tử vong cao do khách quan, Bộ trưởng Kim Tiến đề cập nguyên nhân chủ quan do công tác phòng chống nhiễm khuẩn, phòng lây chéo trong bệnh viện chưa được làm tốt do quá tải, 2-3 trẻ/giường bệnh, không đủ nhân lực y tế, các bác sỹ, điều dưỡng phải làm việc quá sức... nên ảnh hưởng tới chất lượng điều trị.

Bệnh viện Nhi Trung ương đã có báo cáo và nhận khuyết điểm sâu sắc về việc xử lý trong điều trị và phòng chống lây chéo trong bệnh viện, Bộ trưởng cung cấp thêm thông tin.

Nguyên nhân chủ quan tiếp theo được kể đến là hầu hết các trẻ tử vong liên quan đến sởi chưa được tiêm phòng vắc-xin sởi đầy đủ (98,3%). Trẻ mắc sởi khi đang bị các bệnh khá nguy hiểm như bệnh chuyển hóa, bệnh tim bẩm sinh, dị dạng, đặc biệt là các bệnh viêm phổi khác... Bên cạnh đó nhiều trẻ mắc sởi ở độ tuổi dưới 9 tháng - độ tuổi không nằm trong diện được tiêm phòng sởi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.

Đến nay, số trường hợp tử vong đã giảm nhanh, từ lúc ghi nhận số tử vong cao vào đầu tháng 3 và tháng 4, các tuần gần đây đã giảm rõ rệt, đến nay mỗi tuần chỉ ghi nhận một vài trường hợp tử vong, đây chủ yếu là những bệnh nhi nặng đã nằm điều trị từ trước.

3 ưu điểm, 3 hạn chế

Sau khi kể rất nhiều giải pháp đã triển khai, Bộ trưởng cho biết hiện nay số trường hợp mắc sởi xác định tại các địa phương đã chững lại và bắt đầu giảm, mỗi tuần chỉ ghi nhận một vài trường hợp tử vong. Riêng ở Bệnh viện Nhi Trung ương, từ ngày 1 đến 12/5/2014, chỉ có 3 trường hợp tử vong.

Đánh giá chung, Bộ trưởng Tiến đưa ra 3 ưu điểm và 3 hạn chế.

Đứng đầu 3 ưu điểm, theo Bộ, là đã có sự chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của Chính phủ, của Bộ Y tế đối với các địa phương ngay từ khi dịch sởi bắt đầu xuất hiện ở các tỉnh miền núi phía Bắc từ tháng 8 năm 2013.

Hạn chế đầu tiên được kể đến là truyền thông đã được đẩy mạnh, nhưng chưa quyết liệt, chưa hiệu quả, chưa vận động, thuyết phụ được tất cả các bà mẹ đưa con đi tiêm phòng, do đó tỷ lệ tiêm chủng tăng chậm, nên dịch đã xảy ra.

Cũng do chưa truyền thông mạnh mẽ về nguy cơ lây chéo trong bệnh viện và việc phân tuyến về điều trị cho các cơ sở y tế tuyến dưới nên rất nhiều người đã đưa trẻ khám chữa bệnh, tập trung quá tải  ở Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bên cạnh đó là một số địa phương chưa tích cực, kiên quyết đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin sởi trên địa bàn. Không có hạn chế nào có tên Bộ Y tế.

Chuyển sang phần bài học, Bộ trưởng cho rằng công tác truyền thông cần đi trước một bước, cần vận động, thuyết phục người dân thay đổi hành vi trong phòng bệnh, cũng như trong xử lý khi bị bệnh.

Cuối cùng, về trách nhiệm của các bên liên quan, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, một số địa phương chưa quyết liệt ngay từ đầu khi xuất hiện trường hợp nhiễm sởi trên địa bàn, chưa ứng phó kịp thời khi tình huống dịch xảy ra, lúng túng trong xử lý dịch, dẫn đến dịch lan rộng.

Bộ Y tế đã rút kinh nghiệm và nhận rõ hạn chế trong công tác truyền thông, vận động và huy động các cơ quan truyền thông đại chúng cùng tham gia các hoạt động phòng chống dịch, Bộ trưởng viết.