15:10 08/08/2011

“Bão” giá vàng tăng cấp, USD tiếp tục leo thang

Kiều Oanh

Đầu giờ chiều nay, một kỷ lục mới của giá vàng trong nước đã được thiết lập ở mức 44,4 triệu đồng/lượng

Diễn biến giá vàng SJC trong ngày hôm nay, tính đến 15h (đơn vị: nghìn đồng/lượng) - Ảnh: SJC.
Diễn biến giá vàng SJC trong ngày hôm nay, tính đến 15h (đơn vị: nghìn đồng/lượng) - Ảnh: SJC.
Đầu giờ chiều nay, một kỷ lục mới của giá vàng trong nước đã được thiết lập ở mức 44,4 triệu đồng/lượng. Giá vàng quốc tế vượt 1.710 USD/oz, tỷ giá USD/VND tiếp tục bật qua 20.810 đồng, cùng lực mua áp đảo lực bán đang là những yếu tố quan trọng nhất đưa bão vàng tăng cấp.

Sau khi tái lập mốc 44 triệu đồng vào 11h trưa nay và tạm nghỉ xả hơi khoảng hơn 2 giờ đồng hồ, giá vàng trong nước chiều nay tiếp tục có những biến động khó lường. Cứ vài phút vàng lại được đổi giá một lần, khi tăng khi giảm, mức thay đổi mỗi lần điều chỉnh giá lên tới hàng trăm nghìn đồng/lượng.

Lúc 13h45, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) báo giá vàng SJC cho thị trường Tp.HCM ở mức 43,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,4 triệu đồng/lượng (bán ra), giá mua thấp hơn giá bán 700.000 đồng/lượng.

Sau đó đến gần 14h45, doanh nghiệp này lại hạ 300.000 đồng/lượng ở chiều mua và 500.000 đồng/lượng ở chiều bán, còn 43,4 triệu đồng/lượng và 43,9 triệu đồng/lượng. Ít phút sau, giá vàng của SJC lại nhảy 100.000 đồng/lượng, lên 43,5 triệu đồng/lượng và 44 triệu đồng/lượng.

Tại Hà Nội, Công ty Phú Quý lúc 14h niêm yết giá vàng SJC ở mức 43,5 triệu đồng/lượng và 44,4 triệu đồng/lượng, chênh giá hai đầu là 900.000 đồng/lượng. Đến 14h50, giá vàng tại doanh nghiệp này giảm còn 43,2 triệu đồng/lượng và 44,1 triệu đồng/lượng.

Ở mức giá hiện tại, vàng miếng đắt hơn khoảng 1,2-1,3 triệu đồng/lượng so với cuối tuần.

Trả lời phỏng vấn của kênh VTV1 trưa nay, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Giảng viên khoa Tài chính doanh nghiệp, Đại học Kinh tế Tp.HCM, nhận định, việc khoảng cách giữa giá mua và bán vàng được kéo giãn rộng là một dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp kinh doanh vàng không muốn mua hay bán ở thời điểm này vì mức giá ẩn chứa quá nhiều rủi ro.

“Bởi thế người dân không có lý do gì để xếp hàng mua, bán vàng vào lúc này”, ông Bảo phát biểu khi chứng kiến hình ảnh người dân Hà Nội xếp hàng, đội mưa mua vàng sáng nay.

Giới kinh doanh vàng đưa lý do lực cầu áp đảo lực cung, nguồn cung vàng trong nước khan hiếm để lý giải cho tình trạng giá vàng trong nước tăng với tốc độ mạnh hơn giá vàng quốc tế trong ngày hôm nay.

Lúc 14h15 chiều, giá vàng quốc tế ở ngưỡng 1.710 USD/oz, quy đổi theo tỷ giá USD/VND ngân hàng tương đương 42,9 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng bán lẻ trong nước 1,5 triệu đồng/lượng. Sáng nay, khoảng chênh này có lúc lên tới 2 triệu đồng/lượng.

Theo ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), phương pháp điều tiết thị trường vàng kiểu “một van” đang một lần nữa cho thấy sự kém hiệu quả. “Thống kê cho thấy, trong hai tháng 5 và 6 vừa qua đã có khoảng trên 12 tấn vàng được xuất khỏi Việt Nam. Trong khi đó, một năm rưỡi qua cơ quan chức năng không cho phép nhập vàng. Nguồn cung vàng trong nước khan hiếm là tất yếu”, ông Hải nói.

Theo nhà kinh doanh vàng lâu năm này, cho tới thời điểm hiện nay, những ai muốn bán vàng thì đã bán rồi, còn những ai đang còn vàng đều là những người muốn nắm giữ tài sản này lâu dài. “Người dân muốn mua mà không ai bán. Nếu thế này thì giá vàng trong nước sẽ cứ cao hơn thế giới mãi. Theo tôi, đến lúc cơ quan chức năng lại rơi vào vòng luẩn quẩn là phải cấp hạn ngạch cho nhập khẩu vàng”, ông Hải phát biểu.

Một nhà kinh doanh vàng lớn ở Hà Nội thì cho rằng, trước khi cơ quan chức năng cho nhập vàng, hoạt động nhập lậu vàng có thể đã diễn ra rồi, khi mà mức chênh giá trong nước-quốc tế hấp dẫn như hiện nay. “Nhập lậu vàng sẽ gây áp lực tăng tỷ giá USD”, vị này nhận định.

Ở chiều ngược lại, tỷ giá tăng càng tiếp thêm lửa cho giá vàng. Tỷ giá USD/VND do Ngân hàng Vietcombank chiều nay niêm yết đã lên 20.690 đồng (mua vào) và 20.810 đồng (bán ra). Như vậy, tỷ giá này hiện đã tăng 110 đồng ở chiều mua và 150 đồng ở chiều bán so với cuối tuần.

Trên thị trường quốc tế, đầu giờ chiều nay theo giờ Việt Nam, trước thềm phiên giao dịch tại châu Âu, giá vàng giao ngay đã có thời điểm lên 1.714 USD/oz, tăng trên 50 USD/oz so với giá đóng cửa phiên cuối tuần trước tại New York.

Vấn đề nợ công của Mỹ và châu Âu, nhất là việc Mỹ bị Standard&Poor’s tước điểm tín nhiệm AAA, cùng khả năng suy giảm tăng trưởng trên phạm vi toàn cầu, đang kéo giá vàng leo thang với tốc độ chóng mặt, song song với sự đổ dốc của thị trường chứng khoán và các loại hàng hóa cơ bản khác.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cảnh báo về sự không bền vững của mức giá vàng cao trong ngắn hạn. “Xu hướng của giá vàng chỉ có thể được khẳng định trong phiên giao dịch tại châu Âu chiều nay và tại Mỹ đêm nay”, ông Hải, VGB, nhận định.

Theo các nhà phân tích của Sacombank-SBJ, trên phân tích kỹ thuật, vàng đã bắt đầu rơi vào vùng quá mua (over-bought) và có khả năng điều chỉnh giảm mạnh một khi hoạt động chốt lời diễn ra.

Trong trung và dài hạn, triển vọng tăng giá của vàng là rất mạnh khi mà nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn. Một số chuyên gia nhận định, S&P có thể hạ điểm tín nhiệm Mỹ thêm lần nữa vào tháng 11 tới. Hãng định mức tín nhiệm Moody’s cũng vừa một lần nữa lên tiếng cảnh báo sẽ hạ điểm tín nhiệm của Mỹ trước năm 2013 nếu tình hình nợ nần của nước này không được cải thiện.

Kinh tế Mỹ suy yếu có khả năng Cục Dự trữ Liên bang nước này (FED) phải tung ra một gói QE3, gây áp lực giảm giá cho USD và tăng giá cho vàng. Khủng hoảng nợ công tại châu Âu đang có nguy cơ lan sang Tây Ban Nha và Italy.

Từ đầu năm tới nay, vàng đã tăng giá hơn 20%. Tính từ đầu tháng 7, kim loại quý này đắt thêm 13%. Trong 19 phiên giao dịch vừa qua, vàng có 11 phiên lập kỷ lục. Chuyên gia Dominic Schnider thuộc UBS Wealth Management dự báo, giá vàng có thể lên 1.800-2.000 USD/oz trong vòng 12 tháng tới.

Trong ngày hôm nay và ngày mai, thị trường sẽ dành sự chú ý cho các nỗ lực phục hồi niềm tin thị trường của các nhà lãnh đạo khối G-7 và cuộc họp chính sách định kỳ của FED vào thứ Ba.