Bảo hiểm Covid-19 rất cần thiết trong bối cảnh đại dịch khó lường
Để góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh của thị trường bảo hiểm, Nhà nước nên sớm có quy định và hướng dẫn cụ thể về việc triển khai bảo hiểm Covid-19, đặc biệt là cho những du khách từ nước ngoài đến Việt Nam, giúp họ yên tâm hơn khi du lịch tại Việt Nam và quan trọng hơn là sẽ giảm bớt các gánh nặng tài chính cho Nhà nước...
Xung quanh câu chuyện vượt bão Covid-19, thích ứng linh hoạt và đưa ra nhiều sản phẩm phù hợp, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Xuân Thu, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI), về những giải pháp, hướng đi, giải pháp số hóa của doanh nghiệp này trong thời gian đại dịch vừa qua...
Năm 2021, Việt Nam đã mất rất nhiều thời gian phong tỏa, cách ly trên diện rộng, yếu tố này ảnh hưởng lớn tới hoạt động của tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. PTI đã thực hiện những chiến lược gì để về đích với doanh thu lớn?
Chúng tôi khép lại một năm đầy biến động với doanh thu cán mốc 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 307 tỷ đồng, hoàn thành 120% kế hoạch. Hai nghiệp vụ bán lẻ trọng yếu của PTI là bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người cũng đạt mức doanh thu cao, lần lượt là 2.540 tỷ đồng và 2.000 tỷ đồng.
Về hoạt động quản trị, chúng tôi đã đề cao sự ổn định bộ máy nhân sự để guồng máy của doanh nghiệp vận hành trơn tru, hiệu quả. Nắm rõ những khó khăn của người lao động khi dịch bệnh kéo dài liên miên, chúng tôi đã quyết định gia tăng chính sách phúc lợi dành cho cán bộ, nhân viên, thậm chí các chính sách này còn có phần tăng hơn so với năm 2020, nhằm đảm bảo cho người lao động một cuộc sống ổn định trong giai đoạn khó khăn.
Bên cạnh đó, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh, đồng thời nâng cao trải nghiệm cho người dùng trên nền tảng số, trong năm 2021, PTI đã nghiên cứu và cho ra mắt thị trường nhiều sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu riêng của từng nhóm khách hàng như sản phẩm bảo hiểm Vững Tâm An và trễ hủy chuyến bay.
Ứng dụng công nghệ cũng giúp cho hoạt động điều hành sản xuất, kinh doanh được hiệu quả hơn, từ biện pháp làm việc tại nhà đến điều chỉnh các mô hình bán hàng, các quy trình bồi thường cho khách hàng đều được thực hiện online.
Nhiều năm qua, PTI đã tiến hành số hóa, không chỉ công tác bồi thường mà còn hoạt động kinh doanh, quản trị con người. Đơn cử như trong hoạt động kinh doanh, chúng tôi đã cấp đơn trực tuyến, cập nhật thông tin khách hàng tự động lên hệ thống. Về quản trị, chúng tôi có hóa đơn điện tử, chữ ký số, hệ thống báo cáo, quản lý công việc bằng phần mềm chuyên dụng...
Nhìn lại năm 2021, hiểu rõ nhiều đối tượng khách hàng cũng gặp khó khăn nên PTI đã chủ động điều chỉnh chính sách kinh doanh, không tập trung vào tăng trưởng mà tập trung vào nâng cao hiệu quả hoạt động và hoàn thiện trải nghiệm của khách hàng. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí quản lý, mà còn tăng hiệu quả vận hành.
Trong những tháng “ngủ đông” vì Covid-19, có nhiều doanh nghiệp đã bị “chảy máu chất xám” vì việc làm ít đi, thu nhập giảm, ông và các cộng sự đã làm gì để giữ chân nhân sự?
Trong giai đoạn dịch bệnh, đội ngũ cán bộ chúng tôi vẫn nỗ lực vượt qua những khó khăn để hoàn thành tốt công việc. Toàn bộ nhân viên của chúng tôi hiểu rõ, khó khăn chỉ trong giai đoạn ngắn, nếu mọi người đều cố gắng, đoàn kết thì có thể vượt qua. Ban lãnh đạo cũng tạo điều kiện để nhân viên làm việc như khi dịch bệnh chưa xảy ra, tất nhiên là qua kênh online. Nhiều cán bộ, nhân viên khi bị F0 vẫn thực hiện tư vấn và cấp đơn bảo hiểm online cho khách hàng.
Đó là cách chúng tôi duy trì động lực cho cán bộ, nhân viên. Điều khiến tôi thấy tự hào hơn cả là trong bối cảnh nhiều đơn vị buộc phải cắt giảm lương do tác động của đại dịch, thì doanh nghiệp của chúng tôi vẫn đảm bảo giữ nguyên lương, thưởng, thậm chí còn tăng chế độ phúc lợi cho người lao động.
Kể từ khi đại dịch xuất hiện, hệ thống của chúng tôi đã thay đổi rất nhiều để thích ứng với tình hình mới. Tất cả các bộ phận đều phải chuyển mình, ứng dụng công nghệ để đảm bảo hiệu quả công việc. Trong giai đoạn giãn cách, cán bộ, nhân viên còn giải quyết công việc nhanh hơn nhờ làm việc trên nền tảng số. Nhìn chung, đại dịch cũng đã tác động để việc chuyển đổi số của PTI tiến triển nhanh hơn.
Trước đây, PTI nằm trong số các doanh nghiệp bảo hiểm có sản phẩm Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam, tuy nhiên sản phẩm này sau đó đã không được triển khai, ông có muốn nhắc lại câu chuyện này?
Đúng là chúng ta đã xác định phải sống chung với Covid-19. Do đó, để góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh của thị trường bảo hiểm, tôi nghĩ Nhà nước nên sớm có quy định và hướng dẫn cụ thể về việc triển khai bảo hiểm Covid-19, đặc biệt là cho những du khách từ nước ngoài đến Việt Nam. Điều này không chỉ khiến cho du khách yên tâm hơn, góp phần thúc đẩy ngành du lịch, mà quan trọng hơn sẽ giảm bớt các gánh nặng tài chính cho Nhà nước.
Ông có đề xuất cụ thể nào muốn gửi đến các cơ quan chức năng, Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho khối các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam?
Thị trường Việt Nam đã có sự phát triển không ngừng. Các chính sách pháp luật hiện nay đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc, minh bạch cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, do sự phát triển mạnh mẽ của thị trường nên phần nào các quy định pháp luật còn có sự bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của thị trường. Ví dụ như trong Luật Kinh doanh bảo hiểm, các quy định về đối tượng bảo hiểm, quyền lợi bảo hiểm còn đang bị giới hạn, dẫn đến một số sản phẩm bảo hiểm đã phát triển tại các thị trường nước ngoài nhưng không áp dụng được tại Việt Nam do không phù hợp với quy định pháp luật, mặc dù nhu cầu xã hội rất lớn.
Hoặc như sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ cộng với nhu cầu mua bảo hiểm online của khách hàng ngày càng tăng cao, tuy nhiên, các quy định pháp luật về thương mại điện tử nói chung loại trừ không áp dụng đối với lĩnh vực bảo hiểm, mà quy định hoạt động bảo hiểm phải tuân theo quy định của luật chuyên ngành, trong khi đó, các quy định này trong Luật Kinh doanh bảo hiểm lại không có. Theo tôi, đây là những vấn đề mà cơ quan quản lý cần xem xét để bổ sung trong thời gian tới.