20:22 16/05/2024

Bảo hiểm nhân thọ: Làm sao để tin?

Hoàng Lan

Sau khi lắng nghe những phản ánh của dư luận về việc hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dài dòng, khó hiểu, các doanh nghiệp đã tích cực cải tiến hợp đồng bảo hiểm để tăng tính minh bạch và gần gũi, dễ hiểu với khách hàng…

Hội thảo “Khôi phục niềm tin ngành bảo hiểm nhân thọ: Tầm nhìn và giải pháp”. 
Hội thảo “Khôi phục niềm tin ngành bảo hiểm nhân thọ: Tầm nhìn và giải pháp”. 

Ngày 16/5, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) tổ chức hội thảo “Khôi phục niềm tin ngành bảo hiểm nhân thọ: Tầm nhìn và giải pháp”. 

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp, cùng chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý nhà nước đã thảo luận về các giải pháp nhằm củng cố niềm tin về một thị trường bảo hiểm nhân thọ lành mạnh, an toàn và minh bạch, tiếp tục chứng tỏ vai trò quan trọng của bảo hiểm nhân thọ đối với sự phát triển kinh tế và hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội của quốc gia.

Theo ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký, IAV, trong hơn 1 năm qua, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã tiếp thu nhiều ý kiến phản hồi từ dư luận và có những điều chỉnh phù hợp. 

Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã thực hiện xây dựng bản tóm tắt điều khoản hợp đồng ngắn gọn, dễ hiểu. Với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, bản tóm tắt này chỉ có độ dài 4-5 trang, những sản phẩm còn lại từ 1-3 trang.

Ông Dũng cho biết bản tóm tắt điều khoản hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường bao gồm 6 nhóm nội dung chính.

Thứ nhất, quyền lợi của sản phẩm bảo hiểm; điều kiện để nhận được quyền lợi; điều khoản loại trừ bảo hiểm.

Thứ hai, nêu rõ nghĩa vụ kê khai thông tin trung thực và hậu quả pháp lý trong trường hợp không kê khai thông tin trung thực.

Thứ ba, nêu rõ thời gian cân nhắc tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là 21 ngày, trong thời gian đó, khách hàng hoàn toàn có quyền hủy hợp đồng.

Thứ tư, thông tin về các khoản phí; những quyền lợi đầu tư và rủi ro đầu tư mà bên mua có thể gặp phải.

Thứ năm, những quyền lợi khi chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước hạn.

Thứ sáu, thông tin về địa chỉ truy cập để khách hàng có thể tải những cái thông tin cần thiết.

“Cùng với đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng chủ động cung cấp những công cụ để khách hàng có thể dễ dàng tra cứu thông tin về hợp đồng bảo hiểm như ứng dụng chú thích các thuật ngữ bảo hiểm tức giúp khách hàng dễ dàng đọc hiểu hợp đồng bảo hiểm. Như vậy, khách hàng có thể hiểu sâu về nội dung của hợp đồng và nắm bắt các khái niệm một cách dễ dàng hơn”, ông Dũng nói.

Đại diện IAV cho biết song song với việc đơn giản hoá hợp đồng, nhóm giải pháp cải tiến tài liệu minh họa sản phẩm bảo hiểm nhân thọ để tăng cường tính minh bạch của sản phẩm đang được các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ triển khai tích cực.  

Tại tài liệu minh hoạ, các doanh nghiệp bảo hiểm đã giải thích kỹ hơn về dòng tiền để tránh những hiểu lầm và kỳ vọng không hợp lý của khách hàng. Vấn đề rủi ro đầu tư cũng được nhấn mạnh để giúp khách hàng có thể tự xây dựng kế hoạch bảo hiểm, chủ động lựa chọn sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phù hợp. Khách hàng hoàn toàn có thể tự chạy bản minh họa tóm tắt bằng cách truy cập vào công cụ tính toán bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

Đến nay, IAV ghi nhận việc doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ rốt ráo chuẩn bị cho việc chấp hành quy định ghi âm một số nội dung của quá trình tư vấn. Mặc dù đến 1/7/2024 quy định ghi âm quá trình tư vấn bảo hiểm mới có hiệu lực nhưn, ngay từ cuối năm 2023, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện quy định này.

 

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến tháng 3/2024, tổng tài sản toàn ngành bảo hiểm nhân thọ ước đạt 801.307 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng số tiền đầu tư ước đạt 703.031 tỷ đồng, tăng 8,7%; tổng dự phòng nghiệp vụ đạt 581.857 tỷ đồng, tăng 6,5%; vốn chủ sở hữu đạt 159.409 tỷ đồng, tăng 10,8%. Tổng chi trả quyền lợi bảo hiểm trong quý 1/2024 đạt 15.483 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ 2023. 

Theo ông Ngô Trung Dũng, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng tích cực ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, rút ngắn thời gian thẩm định phát hành hợp đồng, chi trả quyền lợi bảo hiểm, mua bảo hiểm trực tuyến...

“Ví dụ như theo báo cáo của Prudential Việt Nam, năm 2023, 82% phản ánh của khách hàng được tiếp nhận trực tuyến. Khoảng 77% yêu cầu của khách hàng được xử lý trong ngày, trong đó gần 20% yêu cầu được xử lý trong vòng 30 phút, tăng 5% so với năm 2022”, Phó tổng thư ký IAV dẫn chứng.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phương Tiến Minh, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam, cho biết đến cuối năm 2023, ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang có hơn 12 triệu hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, số người tham gia bảo hiểm xấp xỉ 10 triệu người. Song, so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, ngành bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam vẫn còn rất non trẻ và có rất nhiều dư địa để phát triển.

“Kể từ năm 2023, ngành bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam chứng kiến những thay đổi lớn về nhận thức của khách hàng cũng như thay đổi pháp lý của các cơ quan quản lý nhà nước. Bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm cũng chủ động thay đổi để tăng trải nghiệm hài lòng cho khách hàng. Trong quá trình phát triển đó, ngành bảo hiểm nhân thọ đã có được những bài học lớn và chúng tôi tin rằng là ngành bảo hiểm nhân thọ sẽ trưởng thành hơn. Tôi tin tất cả chúng ta đều có mong muốn thay đổi để phát triển, để khôi phục và củng cố niềm tin của ngành với tất cả các bên và quan trọng hơn hết là với khách hàng”, ông Phương Tiến Minh chia sẻ.