16:27 20/02/2023

Bảo hiểm thất nghiệp bù đắp một phần cho người lao động khi mất việc

Dũng Hiếu

Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm…

Bảo hiểm thất nghiệp bù đắp một phần cho người lao động khi mất việc. Ảnh: TTXVN
Bảo hiểm thất nghiệp bù đắp một phần cho người lao động khi mất việc. Ảnh: TTXVN

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là công cụ quản trị thị trường lao động thông qua vai trò chủ động và thụ động nhằm: rút ngắn thời gian thất nghiệp của người lao động, thời gian tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, giảm thiệt hại cho xã hội do việc làm trống không có người đảm nhận hoặc lao động không được sử dụng vì không có việc làm, hoặc không có kỹ năng cần thiết để đảm nhận vị trí việc làm, giúp thị trường lao động vận hành hiệu quả hơn.

Nếu như trước đây, khi người lao động mất việc làm, chủ doanh nghiệp phải mất phí trợ cấp mất việc làm cho người lao động, thì khi chính sách bảo hiểm thất nghiệp ra đời, doanh nghiệp không còn bị áp lực về mặt tài chính, khi có nhiều lao động thôi việc.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội  số 71/2006/QH11 và các văn bản hướng dẫn, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2009 với các điểm chính như: Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là người lao động giao kết hợp đồng lao động; hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng với người sử dụng lao động quy định tại Khoản 2 Điều 2 Luật BHXH có sử dụng từ 10 lao động trở lên.

Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ tìm việc làm, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế; Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động, người sử dụng lao động, nhà nước là 1% mức tiền lương;

Việc tiếp nhận, giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp do ngành Lao động thực hiện; Việc thu, chi, quản lý Quỹ bảo hiểm thất nghiệp do ngành Bảo hiểm xã hội thực hiện. Từ ngày 01/01/2015, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật Việc làm với những sửa đổi về mặt chính sách.

Sau 13 năm  đi vào đời sống, bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành “chiếc phao cứu sinh” cho người lao động và người sử dụng lao động đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra…

Hiện số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ngày một tăng với hơn 14 triệu người tham gia. Số thu bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng lên tương ứng, từ 3.511 tỷ đồng vào năm 2009, tăng lên 9.940 vào năm 2015. Liên tục từ năm 2015 đến nay, số tiền bổ sung vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp tăng bình quân 15%/năm. Từ nguồn quỹ an sinh này, người lao động tham gia chính sách ngày càng được thụ hưởng nhiều quyền lợi khi không may gặp rủi ro về việc làm.

Riêng năm 2022, số người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 889.011 người, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2021 (688.972 người); số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 879.557 người, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2021 (678.247 người). Tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 1.892.271 lượt người, tăng 25,1%; số người được hỗ trợ học nghề là 19.526 người, tăng 10,8% so với năm 2021.

Tuy nhiên, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc thực hiện chính sách này đang bộc lộ những bất cập, hạn chế, nhất là chức năng phòng ngừa lao động bị thất nghiệp còn mờ nhạt. Nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ đề nghị sửa đổi Luật Việc làm với trọng tâm là sửa đổi các quy định, chế độ liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, Bộ đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đến nhóm người có hợp đồng lao động từ một tháng trở lên, người quản lý doanh nghiệp, người điều hành hợp tác xã hưởng lương…

Chế độ hỗ trợ cho người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cũng được đề xuất bổ sung theo hướng tăng tính hiệu quả.

Được biết, những quy định mới được đề xuất sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật Việc làm hướng đến mục tiêu chủ động phòng ngừa thất nghiệp, hạn chế những “cú sốc” có thể xảy ra đối với người lao động, doanh nghiệp và thị trường…