19:29 15/02/2023

Đề xuất mọi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi kí hợp đồng

Nhật Dương

Cơ quan soạn thảo xây dựng đề án Luật Việc làm (sửa đổi) đề xuất bổ sung quy định tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên đều tham gia bảo hiểm thất nghiệp...

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh - N.Dương.
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh - N.Dương.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa hoàn thành tờ trình Đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) để trình Chính phủ. Trong đó, liên quan đến chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan này đề xuất sửa đổi, bổ sung thêm nhiều nội dung mới.

Theo đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp lần này sẽ hướng đến các vấn đề chủ yếu như: Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ người sử dụng lao động để duy trì việc làm cho người lao động, phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp; quy định nhằm tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp, khắc phục tình trạng người lao động chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp.

Bên cạnh đó, quy định các vấn đề về bảo hiểm thất nghiệp phù hợp định hướng sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Cụ thể, về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung quy định tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên. Đồng thời, bổ sung đối tượng là người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng lương và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Để phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, Bộ đề xuất sửa đổi quy định về điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, đảm bảo tính khả thi trong thực tế.

Bổ sung quy định giao Chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách
hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động căn cứ kết dư Quỹ trước các “cú sốc” như: khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh.

Đối với việc tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, khắc phục tình trạng người lao động chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp, cơ quan này đề xuất bổ sung quy định những người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hình thức cung ứng dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm.

Cùng với đó, bổ sung quy định phạm vi và nội dung hỗ trợ (đi lại, sinh hoạt phí) ngoài nội dung hỗ trợ học phí học nghề. Sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (bổ sung trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp; sửa đổi quy định liên quan chưa tìm được việc làm sau 15 ngày)Sửa đổi, bổ sung các quy định đảm bảo đồng bộ với định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội và chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về mức đóng theo hướng người lao động đóng “tối đa” bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng “tối đa” bằng 1% quỹ tiền lương tháng của người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp, do ngân sách trung ương bảo đảm bảo và giao Chính phủ quy định cụ thể mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động.

Ngoài ra, các quy định về sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong trường hợp ứng phó các “cú sốc” như: khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh cũng sẽ được bổ sung...

Bên cạnh chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất các nội dung liên quan đến một số nhóm chính sách khác về quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.